Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc chọn ngày 30.7 hằng năm là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30.7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Hòa nhịp cùng xã hội, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người, ấn định vào ngày 8 tháng Hai hằng năm, trùng vào lễ kính thánh nữ Josephine Bakhita, người Sudan, đã từng là một nô lệ.
Hơn 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến nạn buôn người diễn ra dưới nhiều hình thức như cưỡng ép lao động, mại dâm, buôn bán nội tạng, buôn bán trẻ em… Các đối tượng mua bán người lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân. Mua bán người được Liên Hợp Quốc xếp hạng là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất hiện nay, xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…
Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29.3.2011, có hiệu lực 1.1.2012. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023)…
Góp phần vào nỗ lực chung của toàn xã hội, Caritas Việt Nam đã tổ chức những khóa tập huấn về phòng ngừa buôn bán người ở các giáo phận như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phú Cường, Long Xuyên… Caritas Việt Nam cũng nhạy bén khi chọn những địa điểm có nguy cơ xảy ra nạn buôn người, để hướng dẫn những kiến thức về di cư an toàn và phòng ngừa buôn bán người. Chẳng hạn, Caritas giáo phận Long Xuyên đã chọn giáo xứ Khánh Bình, An Phú, nơi đây nhà thờ cách biên giới Campuchia khoảng 500m. Phía bên kia biên giới là các casino, người dân giữa hai nước buôn bán, trao đổi qua lại dễ dàng…
Cũng có tổ chức như Talitha Kum Việt Nam với khoảng 60 thành viên, dưới sự hướng dẫn tinh thần từ linh mục Giuse Nguyễn Tiến Khiêm, dòng Thánh Carôlô Scalabrini, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ giới trẻ, đặc biệt là thiếu niên để truyền đạt những kiến thức liên quan đến giáo dục giới tính, đề phòng lạm dụng tình dục và những chiêu trò lừa đảo, bắt cóc, buôn người có thể xảy ra với các thanh thiếu niên. Nhân Ngày Quốc tế chống nạn buôn người năm nay, trang xã hội của Talitha Kum Việt Nam đã gởi lời mời mọi người tham dự buổi cầu nguyện nhằm hưởng ứng việc phòng chống nạn buôn người.
“Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm nay cũng là dịp các tín hữu đáp lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô qua sứ điệp có chủ đề “Bước đi vì phẩm giá. Lắng nghe, ước mơ, hành động”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thực tế hoạt động buôn người thường không được phát hiện, nhưng dấn thân chống lại hiện tượng này không bao giờ là quá muộn. Điều đầu tiên phải làm trong hoạt động chống buôn người là phải lắng nghe những người đau khổ, để mỗi người bị chất vấn bởi những câu chuyện của họ.
Quốc Việt
Bình luận