Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành, nhút nhát, thích yên tĩnh và hay xuôi theo ý người khác…
Đôi trẻ thuộc dạng “trái dấu hút nhau”, nên quấn quít lắm! Thời gian trôi qua, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện, cô gái muốn ngồi lại nói chuyện rõ ràng, nhưng chàng trai cứ lảng tránh, im lặng, ngó lơ cho vấn đề tự lắng xuống. Thái độ “bất hợp tác” đó làm cô rất khó chịu, có lần còn nổi đóa và to tiếng với người yêu. Cơn giận của cô càng khiến anh thu mình hơn.
Trong cơn thất vọng, cô dốc bầu tâm sự với bạn thân: Hình như anh ấy rất sợ mâu thuẫn và cãi vã? Khi bị người yêu mắng, anh không nổi giận hay buồn bã, chỉ lẳng lặng ra khỏi nhà hoặc trốn vào phòng riêng. Lúc mình muốn anh tỏ rõ ý kiến thì anh luôn có thái độ “sao cũng được” làm mình thêm bực bội?
Người bạn khuyên cô gái hãy tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của người yêu, phải chăng anh là đứa trẻ lớn lên trong tiếng cãi cọ của cha mẹ. Mất khá nhiều thời gian, cô mới khiến người yêu chịu mở lòng: Anh có một gia đình bất hòa, người cha bạo lực, nóng nảy; người mẹ thì nói nhiều và ghen tuông. Họ suốt ngày chửi bới, “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau, con trai can ngăn cũng bị đánh mắng. Vì chẳng được ai tôn trọng lắng nghe, cậu bé chỉ còn cách bịt tai che mắt, im lặng đợi xung đột qua đi.
Hiểu được nguồn cơn, cô thương người yêu hơn. Ở nhà cô, có tranh cãi cũng không ai đi quá giới hạn, hiểu rồi thì xin lỗi nhau và tiếp tục yêu thương. Những người thân của anh thì càng tranh cãi, càng to tiếng và căm ghét nhau, thế nên anh không dám phản ứng, thẳng thắn bày tỏ ý kiến hoặc biết giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh.
Trong những tập phim hoạt hình “Tom & Jerry” hài hước, dễ thương, bộ đôi mèo chuột vừa là bạn, vừa là đối thủ, luôn đấu đá nhau, nhưng vẫn có thể đồng cảm hoặc hợp tác cùng nhau. Có lần mèo bị chuột chơi xỏ nhiều nên ức quá, vừa khóc vừa xách vali chuyển nhà. Nhưng sau lưng chú mèo, chú chuột nhỏ vẫn đi theo không rời. Dù bày trò chọc tức nhau nhưng thiếu nhau thì đôi “oan gia ngõ hẹp” này lại buồn, đúng kiểu anh em đánh đấm chán chê thì vẫn luôn là anh em.
Thuở ấu thơ, mọi mâu thuẫn dường như đều dễ hòa giải như Tom và Jerry. Khi trưởng thành, không phải chuyện gì cũng vui vẻ cho qua. Khả năng bộc lộ cảm xúc, bày tỏ quan điểm của nhiều người dần bị kìm hãm, thui chột do gia đình và hoàn cảnh tác động. Văn hóa phương Đông vốn thiên về sự kín đáo, nhẫn nhịn, “ý tại ngôn ngoại”, thành ra khi gặp chuyện không vừa ý hay bị gây áp lực, người ta thường chọn cách im lặng, thuận theo, thay vì lên tiếng, nhất là khi người gây áp lực là cha mẹ, vợ chồng hoặc cấp trên. Những chuyện nhỏ nhặt cứ thế tích tụ trong lòng, cuối cùng bùng nổ, dẫn tới tan vỡ mối quan hệ, trút giận vào đối tượng nhỏ yếu hơn.
Đây là lý do nhiều gia đình “đang yên đang lành” bỗng tan đàn xẻ nghé, khiến hàng xóm láng giềng ngạc nhiên. Trong khi các cặp đôi hay cự cãi thường sẽ dây dưa khó dứt hơn. Vì ít nhất, họ có thể xả bớt sự căng thẳng, thoải mái bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình với đối phương.
Tiến sĩ Stephanie Sarkis đã viết trên tờ Psychology Today: “Tranh cãi là một trong các yếu tố tạo nên mối quan hệ lành mạnh. Khi tranh cãi, hai bên đều mong muốn được lắng nghe, thấu hiểu và thừa nhận. Nếu không ai xúc phạm, động chạm đến “vảy ngược” của đối phương, nói những lời mang tính xây dựng thay vì phán xét, sau mỗi cuộc cãi vã, mối quan hệ sẽ bền chặt hơn. Thông qua tranh luận lành mạnh, người trong cuộc có thể rút kinh nghiệm, sửa chữa sai lầm và tìm ra cách giao tiếp hiệu quả với nhau”.
Jim Rohn, một doanh nhân kiêm tác giả đã từng nhắc nhở: “Chúng ta cần dạy con trẻ cách tranh luận về những vấn đề lớn trong cuộc sống. Tranh luận củng cố những điều trẻ tin, và cho phép chúng tự bảo vệ bản thân trước những luồng tư tưởng đến với chúng”.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận