1.
Tôi từng cầu nguyện rất nhiều với Chúa Giêsu Phục Sinh.
2.
Một lần nọ, Chúa cho tôi nhìn thấy tình hình phần rỗi các linh hồn đang diễn tiến rất thê thảm. Các cơn cám dỗ đủ thứ như những loại lưới dày đặc trùm phủ nhân loại, vây bắt các linh hồn. Thấy cảnh đó, tôi hãi hùng, kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa, thế này thì ai có thể sẽ được cứu rỗi?” Tôi nghe có tiếng trả lời: “Những ai khiêm nhường sẽ được cứu rỗi”. Đột nhiên, tôi nhớ lại chuyện thánh Antôn tu hành xưa. Chính ngài đã thấy, đã kêu lên và đã được nghe rõ như vậy.
3.
Rồi một lần khác, khi tôi đang cầu nguyện với Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi được Chúa cho thấy một cảnh khủng khiếp đang diễn ra trên thế giới, nhất là trong Hội Thánh. Tôi thấy quỷ dữ Satan như những đàn sói hung hăng tràn ra khắp nơi, tấn công, tìm cắn xé bất cứ người nào chúng gặp. Thấy thế, tôi hoảng sợ, kêu lên với Chúa: “Lạy Chúa, thế này thì ai có thể sẽ được cứu thoát?”. Tôi nghe có tiếng trả lời: “Chỉ những ai tỉnh thức cầu nguyện một cách khiêm nhường mới có thể được cứu thoát”. Tôi sực nhớ lại lời cảnh báo của thánh Phêrô tông đồ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Trước đó, ngài khuyên: “Hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau... Hãy tự khiêm hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa” (1Pr 5,6-8).
4.
Với hai cảnh hãi hùng trên đây, Chúa thương dạy tôi điều này: Tình hình diễn tiến một cách rất khủng khiếp đối với phần rỗi các linh hồn. Nhưng những ai khiêm nhường sẽ được Chúa cứu. Tôi khẩn khoản xin Chúa thương ban cho tôi ơn khiêm nhường. Ngay, để tin rằng: Cần phải khiêm nhường, mới được Chúa cứu, cũng đã phải có ơn Chúa giúp. Khiêm nhường là chuyện không dễ.
5.
Kinh nghiệm tu đức cho phép tôi không những tin, mà còn cảm được sự biết sống khiêm nhường là điều khó. Phải cầu nguyện, và cũng phải tỉnh thức nghe Chúa dạy và vâng ý Chúa trong suốt chuyến đi cuộc đời.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41).
Tất cả những gì Chúa dạy trên đây điều đã xảy ra cho tôi.
6.
Đời tôi đúng là một chuyến đi dài. Chuyến đi ấy gặp rất nhiều cám dỗ. Tôi nhận thức cám dỗ là những thử thách không thể thiếu cho con người trên đường về cõi sau. Tôi nhận thức cám dỗ dù nhỏ dù lớn đều rất nguy hiểm cho phần rỗi. Tôi nhận thức thấm thía lời Chúa đã dạy: “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”. Chẳng may có lúc tinh thần tôi chẳng còn hăng hái, lại quá yếu mệt. Do vậy, mà dễ sa vào cơn cám dỗ, rồi ở lại đó như một chọn lựa sẽ dẫn vào hỏa ngục.
Nếu trong những tình hình bi đát đó, tôi biết tỉnh thức nhận ra sự yếu đuối và bất lực của mình, để rồi tìm đến ơn thánh và tin vào Chúa, thì đó chính là sự khiêm nhường.
7.
Như vậy, điều nguy hiểm đối với chúng ta là chúng ta cả dám cho mình là không bị rơi vào tình hình lộng hành của các cám dỗ, đang khi thực sự các cám dỗ là rất nhiều, rất mạnh, rất tinh vi.
Thí dụ khi tôi làm điều gì đạo đức, mà được khen, thế là tôi khoái chí, nâng mình lên. Đó là một cơn cám dỗ về kiêu ngạo, mà tôi dễ gặp. Nhưng, nếu tôi thấy thế là đều không tốt, nên tôi tỏ vẻ bất cần lời khen, tự hào là do đó mà mình nhân đức hơn người khác, để rồi khinh dể những kẻ mình kết án là kiêu ngạo, thì như thế lại chính là một sự thiếu khiêm nhường một cách thảm hại.
8.
Thánh Gioan Climaque nói: “Tin rằng mình không bao giờ kiêu ngạo, đó là dấu chỉ rõ ràng nhất mình kiêu ngạo”. Tin rằng mình là kẻ khiêm nhường cũng dễ là dấu mình ảo tưởng.
9.
Kinh nghiệm tu đức cũng cho phép tôi thấy điều này nữa, đó là để góp phần vào ơn khiêm nhường, mà Chúa dành cho chúng ta, thì chúng ta cũng còn cần phải có một sự ăn năn chân thành, một sự ăn năn tựa như xé lòng ra.
Có những đau đớn như xé lòng ra, có những thử thách như làm cho toàn thân con người mình trở nên tan nát. Đối mặt với những khổ sở đó đã là một khiếp sợ. Khi phải chìm sâu vào đó lại càng như một cô đơn, hoặc một sự loại trừ khủng khiếp. Trong tình trạng như thế, nếu chúng ta nhận biết sự nghèo hèn của mình, để tìm đến Chúa, thì đó chính là một sự khiêm nhường, mở lòng ra đón nhận ơn Chúa.
10.
Chính sự nghèo hèn khiêm nhường như thế không những đưa họ đến với Chúa, mà cũng đem họ gần lại với mọi người, nhất là những người yếu đuối tội lỗi.
11.
Khi các linh hồn biết sống khiêm nhường một cách chân thực, như vừa mô tả, họ sẽ rất ngạc nhiên về tình yêu thương xót Chúa dành cho họ. Họ được bình an, hy vọng và niềm vui.
12.
Tôi thấy kiêu ngạo là một thứ virút siêu hình, cực kỳ nguy hiểm, có sức tàn phá mọi trật tự và mọi giá trị. Kiêu ngạo trong tôn giáo dễ dẫn tới những cực đoan còn kinh khủng hơn những cực đoan trong chính trị. Khủng khiếp nhất là kẻ kiêu ngạo cực đoan rất khó nhận lỗi của mình.
13.
Tôi hay cầu nguyện với Chúa Giêsu thế này: “Lạy Chúa, Chúa là sự sống và là sự sống lại, như chính Chúa đã nói (Ga 11,25). Xin Chúa thương đến với con và ở lại trong con”. Tôi nghe Chúa trả lời tôi: “Cha sẽ đến với con và sẽ ở lại trong con, nếu con khiêm nhường, vì Cha là Đấng khiêm nhường”.
14.
Tôi hết lòng cảm tạ Chúa. Tôi thấy tình hình hiện nay như một đêm tối. Nhưng trong đêm tối ấy, Chúa vẫn là ánh sáng cứu độ. Lòng thương xót Chúa mạnh hơn mọi tội lỗi. Chính Chúa là Đấng cứu độ. Tôi đã tin như thế. Tôi đã cảm thấy như thế. Tôi đã nếm được sự ngọt ngào đó.
Chúa đã cứu tôi theo cách của Người. Chúa đã cứu tôi trong thời gian Người muốn. Chúa đã cứu tôi trong những hoàn cảnh mà Người chọn. Chúa đã cứu tôi, khi tôi không dám kết án ai, mà chỉ xin Chúa tha thứ cho tôi. Tất cả đều do lòng Chúa xót thương.
Bình luận