Hằng năm, vào ngày thứ Sáu sau lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo hội khuyến khích cầu nguyện cho các linh mục, được gọi là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự thánh hóa linh mục, do thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 2002. Các linh mục được khuyến khích suy xét, hồi tâm về ơn gọi linh mục để phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội. Tín hữu cũng được mời gọi cầu nguyện cho các ngài.
Ngoài ngày cầu nguyện trên, trong chu kỳ phụng vụ, ít nhất cũng có thêm hai dịp lễ được Giáo hội chú trọng hướng đến các vị mục tử, đó là Chúa nhật thứ IV Phục Sinh - lễ Chúa Chiên Lành; và thánh lễ làm phép Dầu vào thứ Năm Tuần Thánh.
Gần đây, qua bài giảng trong thánh lễ làm phép Dầu ngày 28.3.2024, Đức Phanxicô đã tập trung vào lòng thống hối. Ngài nhắc nhở các mục tử của Giáo hội noi gương thánh Phêrô, hãy biết khóc cho chính mình: “Khóc cho chính mình có nghĩa là nhìn vào bên trong bản thân và ăn năn về sự vô ơn và thiếu kiên định, đồng thời đau buồn thừa nhận sự dối trá, thiếu trung thực, đạo đức giả của mình”. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các mục tử liên đới trong tinh thần thương xót và biết bao dung với yếu đuối của tha nhân: “Một tâm hồn được giải thoát bởi tinh thần các Mối Phúc Thật, sẽ tự nhiên có khuynh hướng thống hối vì người khác. Thay vì cảm thấy tức giận và phẫn nộ trước những sai lầm do anh em mình làm, người ấy lại than khóc cho tội lỗi của họ… Nếu có tâm hồn thống hối, thì khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ và thiếu đức tin, chúng ta sẽ đáp lại bằng sự khoan dung và lòng thương xót”.
Trong thư ngày 2.5.2024 gởi các linh mục tham gia cuộc họp “Các cha xứ với Thượng hội đồng”, cũng là gởi cho các cha xứ toàn thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của một Giáo hội hiệp hành cần cha xứ. Sẽ không bao giờ trở thành một Giáo hội hiệp hành truyền giáo nếu các cộng đoàn giáo xứ không làm cho sự tham gia của tất cả những người đã được rửa tội thành sứ mạng duy nhất, là loan báo Tin Mừng, trở thành nét đặc trưng trong đời sống của họ. “Nếu các giáo xứ không có tính hiệp hành và truyền giáo thì Giáo hội cũng sẽ không có”, ngài nhấn mạnh. Đức Thánh Cha hy vọng các giáo xứ có các môn đệ truyền giáo ra đi và trở về đầy niềm vui; có cộng đoàn đồng hành bằng lời cầu nguyện, sự phân định và lòng nhiệt thành tông đồ. Được củng cố bởi ân sủng, các cha xứ cần phải lắng nghe Chúa Thánh Thần và tiến hành công bố Lời Chúa, gắn kết cộng đồng lại với nhau và thực hiện nghi thức “bẻ bánh”. Trong thư, Đức Thánh Cha cũng nói đến một điều quan trọng là sống tình huynh đệ để các vị mục tử truyền cảm hứng cho sự hiệp thông và tham gia vào các cộng đoàn được ủy thác cho các linh mục.
Có thể nói, Thư gởi các cha xứ đã đặt ra cho các linh mục và giáo dân nghĩ suy và cầu nguyện nhiều hơn trong bối cảnh Giáo hội đang hướng đến sự hiệp hành, hay gọi cách khác là mọi thành phần trong Giáo hội đều phải tham gia đời sống Giáo hội. Sự tham gia sẽ là động lực truyền cảm hứng cho nhau. Linh mục sống tình huynh đệ, trung thành với sứ mạng, khó nghèo… sẽ là nguồn cảm hứng cho giáo dân. Giáo dân hăng say nhiệt thành đời sống đạo, dấn thân trong hoạt động của giáo xứ… sẽ tạo niềm hứng khởi cho các linh mục, để các ngài càng quảng đại dấn thân hơn trong sự phục vụ.
Cha xứ trong các năm ở chủng viện, trên nguyên tắc, hẳn đã được đào luyện để hiểu và có những đức tính và kỹ năng để thi hành sứ vụ của mình. Nhưng quan hệ này sẽ là khó khăn và nghèo nàn nếu chính giáo dân trong giáo xứ không hiểu rõ vai trò, chỗ đứng của cha xứ và của chính mình trong giáo xứ, để có được sự hợp tác đúng nghĩa, đúng lĩnh vực. Hiểu để không chờ đợi nơi cha xứ những điều cha xứ không có, và để cống hiến những gì mình có thể và được yêu cầu cống hiến. Hiểu để giúp nhau, thậm chí đòi hỏi nhau hợp tác để công việc chung của giáo xứ, linh mục và giáo dân, được phát triển theo đúng nghĩa và mong muốn của Giáo hội.
Ngày Cầu nguyện cho sự thánh hóa linh mục, nhìn cách rộng trong tinh thần hiệp hành - tham gia, cũng là dịp các mục tử và giáo dân ngẫm suy về vị trí của mình trong Giáo hội, về việc đồng trách nhiệm. Bởi vì mọi người đều có chức vụ tư tế: tư tế phổ quát nơi hàng giáo dân, tư tế thừa tác nơi hàng phó tế, linh mục, giám mục.
Quốc Việt
Bình luận