Anh Sammy Basso, người sống lâu nhất từ trước đến nay trong số những bệnh nhân mắc hội chứng lão hóa sớm, vừa qua đời ở tuổi 28, theo Reuters dẫn thông báo của hiệp hội do gia đình anh thành lập.
Lão hóa sớm, còn được biết đến với tên gọi Hội chứng Hutchinson-Gilford (HGPS), khiến trẻ em già đi nhanh chóng kể từ năm lên 2 tuổi. Bề ngoài của những người này già hơn nhiều so với tuổi thật, kèm theo những căn bệnh của tuổi già như tim mạch, cao huyết áp, da và xương có vấn đề. Họ chỉ có thể sống trung bình 13 năm rưỡi nếu không được điều trị kịp thời, theo Reuters. Trong một số trường hợp, người mắc chứng lão hóa sớm có thể sống qua ngưỡng 20 tuổi, nhưng chưa từng có ai được như anh Sammy Basso.
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Sinh năm 1995 ở thị trấn Schio thuộc tỉnh Veneto ở miền bắc nước Ý, anh Basso nhận được chẩn đoán mắc hội chứng lão hóa sớm vào năm lên 2. Các bác sĩ nói với cha mẹ Basso rằng con trai của họ chỉ sống đến năm 13 tuổi. Thế nhưng gia đình quyết định không bỏ cuộc mà chuyển sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia châu Âu và Mỹ. Nhờ vào sự kiên trì và nỗ lực của cha mẹ và chính bản thân Basso, các nhà khoa học đã đạt được tiến triển lớn trong quá trình nghiên cứu.
Năm 2005, tức năm 10 tuổi, Basso và cha mẹ sáng lập Hiệp hội Lão hóa sớm của Ý với hy vọng có thể nâng cao nhận thức về căn bệnh và gây quỹ cho các dự án nghiên cứu. Kể từ đó, anh thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để nói về hội chứng rối loạn di truyền tiến triển hiếm gặp này. Basso trở nên nổi tiếng thông qua bộ phim tài liệu của báo National Geographic tựa đề “Hành trình của Sammy”. Bộ phim kể lại chuyến đi của anh dọc theo tuyến đường 66 ở Mỹ, từ TP Chicago (bang Illinois) đến Los Angeles (California), bên cạnh cha mẹ và một trong những bạn thân là Riccardo.
Basso còn đảm nhiệm vai trò đại sứ quốc tế của Quỹ Nghiên cứu Chứng lão hóa sớm (trụ sở ở Massachusetts, Mỹ). Năm 2018, anh tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên của Đại học Padua (Ý) với luận án về hội chứng mà bản thân anh mắc phải. Cách đây 5 năm, Tổng thống Ý khi đó là ông Sergio Mattarella trao danh hiệu Hiệp sĩ Cộng hòa Ý cho Basso. Basso cũng làm nên kỳ tích khi sống đến năm 28 tuổi.
Scripps News dẫn lời Giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu Chứng lão hóa sớm (PRF) Audrey Gordon nói về sự đóng góp quan trọng của Basso cho các hoạt động nghiên cứu về hội chứng này. Theo ông, anh Basso là một trong số những người đầu tiên tham gia các cuộc thí nghiệm lâm sàng của PRF, và tiến tới trở thành nhà khoa học để có thể đóng góp hơn nữa vào nỗ lực tìm kiếm liệu pháp điều trị hội chứng rối loạn di truyền. Trước khi qua đời, Basso là thành viên nòng cốt của đội ngũ chỉnh sửa gien của tổ chức này.
Hiệp hội Lão hóa sớm của Ý cũng viết trên tài khoản Instagram vào ngày 6.10 như sau: “Hôm nay, ánh sáng của chúng tôi, người dẫn đường của chúng tôi, đã biến mất. Cám ơn Sammy đã giúp chúng tôi trở thành một phần của cuộc sống tuyệt vời này”.
Điểm tựa đức tin
Năm 2016, trang tin Aleteia từng gặp Basso khi anh mới 20 tuổi và là sinh viên đại học. “Tôi là một thanh niên mới 20 gần qua 21 tuổi. Vì thế câu chuyện của tôi bao gồm bạn bè, trường học và giờ đây là giảng đường đại học. Đó là câu chuyện bình thường, thậm chí trong lúc tôi mắc hội chứng lão hóa sớm”, anh Basso luôn lạc quan và giữ cho mình một cuộc sống bình thường.
Về cây thánh giá chữ Tau của dòng Phan Sinh luôn được anh đeo quanh cổ, Basso thừa nhận đức tin là điều quan trọng nhất, và là phần riêng tư nhất của anh. “Tôi có niềm tin mãnh liệt vào thông điệp của Chúa Giêsu”, Basso chia sẻ, thêm rằng mỗi ngày mình đều cầu nguyện và luôn tìm cách thực thi lời cầu nguyện đó trong đời sống, dù không phải lúc nào cũng thành công. “Trên hết, lời cầu nguyện của tôi là lời tạ ơn. Với chứng lão hóa sớm, tôi có thể xin Thiên Chúa giúp mình khỏe mạnh. Thế nhưng căn bệnh thật sự chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời tôi. Tôi sở hữu rất nhiều thứ: có thể được sống trên Trái đất này, với núi non, biển cả, gia đình, tất cả điều tốt đẹp và lớn lao hơn căn bệnh đó”, anh kết luận.
Về chứng lão hóa sớm Số liệu thống kê chính thức cho thấy có khoảng 130 trường hợp mắc hội chứng lão hóa sớm trên toàn thế giới, với 4 ca được ghi nhận ở Ý. Cứ mỗi 8 triệu người sinh ra trên toàn cầu thì có 1 trường hợp mắc hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp này. Tuy nhiên, Hiệp hội Lão hóa sớm của Ý ước tính con số mắc bệnh trên thực tế phải lên đến 350 người, vì có những trường hợp khó được ghi nhận ở các nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy một loại thuốc tên Lonafarnib có thể làm chậm tiến triển của căn bệnh. |
GIANG VÔ YÊN
Bình luận