Sinh năm 1965, Andrea Jaeger từng là vận động viên trẻ tuổi vô cùng hứa hẹn của làng banh nỉ thế giới hồi đầu thập niên 1980. Chỉ còn một trận đấu nữa là cô chạm đến vinh quang của Giải vô địch Wimbledon, một trong 4 giải Grand Slam danh giá nhất toàn cầu. Đó là năm 1983, và cô 18 tuổi. Thế nhưng, vận động viên Mỹ quyết định nhường cho đối thủ giành cúp vàng. Một năm sau, cô từ giã sự nghiệp thể thao vì chấn thương, và theo thời gian quyết định hoàn thành giấc mơ từ bé: trở thành nữ tu.
Thần đồng tennis
Kể từ khi chuyển sang chơi quần vợt nhà nghề vào năm 14 tuổi, cô Jaeger thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp. Dù còn rất trẻ, cô liên tục đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất, và dần thăng lên hạng II thế giới khi mới 16 tuổi. Thành công đầu tiên ở một giải Grand Slam đã đến khi cô giành chiến thắng ở nội dung đôi nam nữ của Giải Roland Garros (Pháp mở rộng) 1981, theo Talk Sport. Hai năm sau, cơ hội kế tiếp để giành cúp vàng đơn nữ đã đến. Jaeger chạm trán huyền thoại Martina Navratilova, người đồng hương, trong trận chung kết Giải vô địch Wimbledon 1983. Kết quả là vận động viên Navratilova (lúc đó 27 tuổi) giành chiến thắng và đoạt được danh hiệu Wimbledon lần thứ IV với tỷ số 6-0, 6-3.
Năm 2008, Jaeger kể lại nguồn cơn đằng sau trận thua năm đó. Cô cho hay trong lúc chạy trốn trước sự trừng phạt của người cha, cô đã gõ cửa nhờ sự giúp đỡ của đối thủ Navratilova ở phòng kế bên. Sau khi nhận ra mình đã làm xáo trộn sự chuẩn bị của đối phương trước trận đấu, cô quyết định đánh thua. Dù trước đó, Jaeger đã đánh bại Navratilova ở giải Eastbourne (Anh). Cô thú nhận: “Tôi bước vào sân trong tâm thái yên bình, biết rằng mình cần phải trao chiến thắng cho đối thủ, và đó là điều đúng đắn. Trong lúc thi đấu, nhiều lần tôi cố ý đánh hụt banh. Tôi trả banh trước mặt Navratilova, và khi bị thua trắng (6-0) trong hiệp đầu tiên, tôi giả vờ như mình vô cùng buồn bực”. Thế nhưng, người cha dường như có cảm giác không đúng. Thế là Jaeger tìm cách rút ngắn cách biệt trong hiệp cuối, mà không quá sát nút để có thể gây áp lực cho đối phương. Cuối cùng cô thua với tỷ số 6-3.
Một năm sau, Jaeger phải nghỉ thi đấu vì chấn thương vai. Thay vì chuyển sang công việc huấn luyện như nhiều cựu vận động viên trước đó, cô quyết định trở thành một nữ tu.
Từ trang phục thể thao đến tu phục
Sơ Jaeger giải thích: “Tôi biết rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta, và tôi luôn cảm thấy có mối quan hệ gần gũi với Người, như một bằng hữu thân thiết. Không ai trong gia đình biết tôi cầu nguyện hằng ngày”. Sau khi từ giã sự nghiệp thể thao, cô bán xe, đồ trang sức... để quyên cho từ thiện. Năm 1990, cựu vận động viên quần vợt quyết định thành lập quỹ bác ái dành cho trẻ em - Những ngôi sao nhỏ (Little Star Foundation) - để trợ giúp những trẻ bị ung thư.
Tháng 6.2006, cô Jaeger được trao bằng về Đào tạo Mục vụ và Thần học, trước khi gia nhập dòng Đa Minh. Nữ tu Jaeger, giờ đã 59 tuổi, cho biết dòng tu của sơ có những quy định hết sức nghiêm ngặt. Các thành viên thức dậy từ 4 giờ sáng, cầu nguyện. Từ 5 hoặc 6 giờ sáng, nữ tu Jaeger bắt đầu việc gây quỹ, lên kế hoạch các chương trình và vận hành những chương trình này, chủ yếu là những hoạt động dành cho trẻ em ở khắp thế giới.
Khi nhìn lại cuộc đời đã qua, nữ tu Jaeger vô cùng hài lòng vì con đường mình đã chọn. Chỉ có điều, sơ luôn gặp rắc rối với tu phục, có lẽ vì trước đây chỉ quen với trang phục thể thao vốn rất thoải mái cho mọi vận động. “Tôi có 3 bộ tu phục tổng cộng, dễ bị lấm bẩn vì tôi cứ hay đi đây đi đó. Và tôi cứ làm mắc kẹt tu phục mỗi khi lên xe buýt hoặc sử dụng thang cuốn. Có lần tôi vội vàng lên xe taxi và để phân nửa vạt áo mắc kẹt bên ngoài cửa xe. Tuần đầu tiên mặc tu phục, tại một hội nghị toàn cầu lớn ở TP New York (bang New York, Mỹ), một chú chim đã làm dơ bộ áo của tôi”, sơ kể lại.
Bất chấp những chuyện lặt vặt như thế, nữ tu Jaeger tự nhủ, có lẽ đó là cách Chúa nhắc nhở mình rằng, chút ít vướng víu cũng chẳng sao, vì trước đó sơ từng được rèn luyện trong thời gian dài trên sân quần vợt. “Tôi vững tin, vui và yêu thích cuộc sống hiện tại”, sơ khẳng định.
GIANG VÔ YÊN
Bình luận