Chính thức được thành lập năm 2017, nhà nguyện giáo điểm Lò Lu được xây dựng trên khoảnh đất ngay cạnh cầu Võ Khế (ấp Tam Ða, phường Trường Thạnh - quận 9 trước đây, nay là TP Thủ Ðức).
Nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc khu vực có nhiều quy hoạch xây dựng từ đường sá, cầu cống đến các khu dân cư mới, nên suốt nhiều năm, giáo điểm luôn rơi vào cảnh bụi bặm. Nhiều người còn gọi các con đường quanh đây là phố… “đau khổ” vì ổ voi, ổ gà trồi sụt… Tuyến đường nối với đại lộ Mai Chí Thọ, đường Vành Đai 2, cao tốc Long Thành Dầu Giây…, cả một khu vực rộng lớn vùng ven phía đông nam TPHCM hiện đã có nhiều đổi thay. Cộng đồng dân cư với những thay đổi khi giao thông thông suốt, mở rộng, cùng việc hình thành nhiều khu dân cư đã dẫn đến nhu cầu có điểm sinh hoạt tôn giáo. Đây là một trong 25 giáo điểm của Tổng Giáo phận TPHCM, đã hình thành trong chục năm nay. Khu đất gần 4.000m2 có từ năm 2017 đã được dựng một ngôi nhà nguyện giản đơn, khiêm tốn.
Trong thánh lễ tạ ơn cuối năm 2018 nơi căn nhà nguyện tạm bợ, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Giám quản TGP TPHCM khi ấy) đã đề cập về việc hơn 300 ngàn di dân Công giáo ở Sài Gòn cần được chăm sóc khi họ lập nghiệp, sinh hoạt tại các vùng đất mới, nơi có các khu công nghiệp được hình thành. Ngài bày tỏ niềm vui trước chặng đường mới của mấy chục nóc gia Công giáo thuộc giáo điểm này.
Linh mục Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo, phụ trách giáo điểm thuở ban đầu cho biết: “Giáo điểm Lò Lu khởi sự có khoảng vài chục hộ gia đình. Ở thời điểm đó, chung quanh đã có rất nhiều dự án nhà chung cư, khu dân cư lớn bắt đầu được xây dựng. Từ vị trí giáo điểm, để đi lễ hoặc tham dự các sinh hoạt ở các xứ đạo gần nhất như Long Thạnh Mỹ hay Phú Hữu, đều phải vượt gần 5 cây số. Do đó, giáo điểm ra đời với thánh lễ hằng tháng rồi hằng tuần đều đặn, giúp bà con giáo dân thuận tiện trong đời sống đức tin”.
Cha Inhaxiô khi đó là chánh xứ Thánh Linh (cách giáo điểm 10 cây số) và cha quản hạt Thủ Thiêm bấy giờ là linh mục Gioan Baotixita Phạm Văn Hợp, đã cùng một số gia đình trong vùng cận kề dành nhiều tâm huyết đặt nền móng đưa giáo điểm vào sinh hoạt nề nếp. Bà con giáo dân thuộc một giáo khu của xứ Phú Hữu. Ngay những năm đầu tiên khi có giáo điểm chính thức, cha Inhaxiô đã gầy men yêu thương bằng cách hỗ trợ những gia đình khó khăn, tặng quà, phát gạo dịp lễ lớn. Nhớ lại thời điểm có những thánh lễ đầu tiên ở giáo điểm, ông Bùi Trị, người đang trông coi giáo điểm kể về niềm mong mỏi trong nhiều năm dài để có nơi thuận tiện dự lễ: “Có thánh lễ hằng tuần là người già, trẻ nhỏ đỡ vất vả đi xa. Rồi có được cơ sở tươm tất sẽ dần hình thành các sinh hoạt nối kết như một số hoạt động của ban bác ái xã hội hiện nay”. Giáo điểm hiện đã có khoảng 200 tín hữu. Vào mỗi thánh lễ, ở ngôi nhà nguyện cấp bốn này, chỉ đủ số ghế đá và ghế nhựa cho chừng đó người dự lễ. Mọi trang hoàng đều tối giản, nhưng tâm tình sốt sắng của bà con thì sống động. Cha Phêrô Nguyễn Công Tâm, chánh xứ Phú Hữu hiện kiêm nhiệm coi sóc giáo điểm.
Nhiều giáo điểm ở Tổng Giáo phận TPHCM còn phải vượt qua nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, quy tụ, điều hành, chăm sóc… Dù vậy, sự hiện diện của các giáo điểm ở vùng ngoại thành có thể coi là hành trình ra vùng ngoại biên của Tổng Giáo phận, để phục vụ đời sống tâm linh cho tín hữu trong hướng phát triển chung của xã hội.
Minh Minh
Bình luận