Theo Sổ tay Tổng Giáo phận TPHCM năm 2024, ở mục Các đoàn thể - Các giới Tông đồ giáo dân, Tổng Giáo phận hiện có 31 đoàn thể và các giới. Mỗi đơn vị đều có ban chấp hành gồm các giáo dân và linh mục đồng hành, còn gọi là linh hướng. Các đoàn thể và giới có đông hội viên hiện diện tại nhiều xứ đạo như Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Gia đình phạt tạ Thánh tâm, Hội các Bà mẹ Công giáo, Legio Mariae, Hiệp hội Thánh Mẫu, Thiếu nhi Thánh Thể…
Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng, nền tảng và không thể thay thế để xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô là do mỗi thành phần của Giáo hội đảm nhận. Mỗi Kitô hữu được mời gọi làm tông đồ, mỗi giáo dân được mời gọi dấn thân làm chứng tá và chia sẻ sứ vụ của Giáo hội. Do đó, những đoàn thể này được thiết lập để giúp người tín hữu sống niềm tin trong những môi trường sống cụ thể, góp phần cùng nhiều thành phần khác trong xã hội thăng hoa môi trường sống thành những nơi con người ngày càng được tôn trọng, yêu thương và tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình. Đối với người Kitô hữu, đó là xây dựng Nước Trời giữa trần gian.
Nhiều đoàn thể với những linh đạo, đường lối hoạt động mới mẻ và đa dạng cho thấy sự phong phú của đời sống tông đồ, phù hợp với việc sống niềm tin của từng thành phần, giới… Tuy nhiên, sự phong phú và đa dạng này cần phải duy trì tính hiệp nhất nhằm tránh căng thẳng và xu hướng độc tôn. Sự hiệp nhất và hỗ tương giữa các hội đoàn trong giáo phận, giáo xứ sẽ giúp thực hiện một chương trình hành động bác ái xã hội được trôi chảy, thành công. Chẳng hạn, các cụ già trong giáo xứ sẽ nhận được những trợ giúp vật chất từ Ban Bác ái xã hội; sự an ủi tinh thần, niềm vui từ giới Gia trưởng, Hội các Bà mẹ, các cháu thiếu nhi… qua những cuộc thăm hỏi.
Gần đây, sáng thứ Năm 13.6.2024, tại cuộc gặp gỡ thường niên những người điều hành các hiệp hội giáo dân, phong trào trong Giáo hội và các cộng đoàn mới, Đức Thánh Cha đã mời gọi mỗi người suy nghĩ về sự “hoán cải thiêng liêng” trong tiến trình hiệp hành. Ngài đưa ra những hướng dẫn căn bản, đó là Suy nghĩ theo ý Thiên Chúa. Trong Giáo hội, trước khi đưa ra mọi quyết định, trước khi bắt đầu mọi chương trình, mọi hoạt động tông đồ, mọi sứ mạng, mỗi tín hữu phải luôn tự hỏi: Thiên Chúa muốn gì nơi tôi, nơi chúng tôi, trong lúc này, trong hoàn cảnh này?
Thái độ thứ hai trong việc hoán cải thiêng liêng là vượt qua mọi sự khép kín, cục bộ. Theo Đức Thánh Cha, tính hiệp hành đòi mỗi người vượt qua vòng tròn khép kín để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và hành động của Ngài ngay cả nơi những người không quen biết…
Thái độ cuối cùng là trau dồi sự khiêm tốn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự hoán cải thiêng liêng phải bắt đầu từ sự khiêm nhường. Nếu mỗi người nhận ra rằng mình có một chút kiêu ngạo thì hãy cầu xin ơn hoán cải để trở nên khiêm nhường. Bởi vì, “chỉ những người khiêm nhường mới thực hiện được những điều lớn lao trong Giáo hội, những người khiêm nhường mới có những nền tảng vững chắc, đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa, không bao giờ thất bại, và do đó không tìm kiếm sự công nhận khác”.
Lời của thánh Phaolô “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7), là khẳng định rất xác đáng giúp mỗi cá nhân, đoàn thể loại bỏ xu hướng coi mình là số một.
Đỗ Lộc Hưng
Bình luận