FABC vùng Ðông Nam Á tổ chức Ðại hội Loan báo Tin mừng tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, Việt Nam với chủ đề: “Ðổi mới tinh thần của Tông huấn Giáo hội tại Á châu”
Văn phòng Loan báo Tin Mừng (Office of Evangelization) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại hội Loan báo Tin mừng vùng Đông Nam Á của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) với sự tham dự của 8 quốc gia là Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Số thành viên tham dự là 45 người, trong đó có 18 giám mục, 17 linh mục, 5 tu sĩ nữ tu và 4 giáo dân, một tu sĩ dòng Phanxicô, người Mỹ, phụ trách về phụng vụ. Một số giám mục Việt Nam đang coi sóc các giáo phận truyền giáo cũng được mời tham dự. Đại hội diễn ra tại Tòa Giám mục Xuân Lộc thuộc giáo tỉnh Sài Gòn từ chiều ngày 10.6 đến ngày 14.6.2024.
Tại Đại hội Loan báo Tin Mừng lần này, các tham dự viên chia sẻ và thảo luận các chủ đề về Hiệp hành với Giáo hội hoàn vũ, cũng như những thách đố và cơ hội trong việc loan báo Tin Mừng ở châu Á. Đại hội diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm Tông huấn Giáo hội tại châu Á (Eccelisa in Asia) của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 50 năm Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Năm Thánh 2025 sắp đến và Năm Hoàn cầu 2033 nhân dịp kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu chết và sống lại để lại huấn lệnh là hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân, và Chúa Thánh Thần đến nổi lửa khai sinh Hội Thánh. Riêng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thì năm 2033 cũng là Năm Thánh đặc biệt kỷ niệm 500 năm hạt giống Tin Mừng được nảy sinh trên mảnh đất hình chữ S. Vì những sự kiện ý nghĩa được nêu trên, Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại này.
Tông huấn Giáo hội tại châu Á của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi cho Giáo hội tại châu Á đã bước qua năm thứ 25, nhưng dường như vẫn còn rất xa lạ với người dân ở Á châu nói chung, người Công giáo tại lục địa rộng lớn này nói riêng. Chính vì thế, Đại hội mời gọi các thành viên suy nghĩ, góp phần làm sống lại Tông huấn của vị cha chung, người đã mong muốn các mục tử, những tác nhân loan báo Tin Mừng phải luôn hiện diện, đồng hành với người dân của mình để loan báo Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài ở châu Á. Đại hội cũng nhằm đáp lại sự khuyến khích tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng để thực hành “Hành trình cùng nhau của các dân tộc châu Á - Journeying together as peoples of Asia”, theo tài liệu được các giám mục Á châu đưa ra ở Bangkok vào năm 2023.

Những thách đố của việc loan báo Tin mừng ở Đông Nam Á
Các đại biểu nhận ra rằng, những thách đố được nêu ra trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu 25 năm trước của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn còn mang tính thời sự, và thậm chí còn trở nên phức tạp hơn bởi những thực trạng và hoàn cảnh mới mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt.
Chúa Giêsu sinh ra tại Châu Á, nhưng phần lớn người dân ở lục địa rộng lớn này vẫn chưa được biết đến Ngài, vẫn xem Ngài là một nhân vật đến từ phương Tây hơn là người châu Á (EA, 20). Lựa chọn nhập thể làm người châu Á, thông điệp của Đức Giêsu chưa được hòa nhập và chấp nhận hoàn toàn trong các nền văn hóa của lục địa rộng lớn và đa dạng này. Việc hội nhập văn hóa cùng những nỗ lực tìm kiếm một ngôn ngữ và cách diễn đạt, có thể truyền đạt sự gần gũi của Thiên Chúa với các dân tộc châu Á nhưng vẫn chưa đầy đủ. Những khó khăn trong việc công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất càng trở nên phức tạp bởi chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tương đối, đô thị hóa và toàn cầu hóa, các hệ tư tưởng và các rào cản văn hóa…
Mặt khác, việc loan báo Tin Mừng thường bị tổn hại bởi chứng tá Kitô giáo yếu kém và thiếu nhiệt huyết trong việc chia sẻ và hội nhập chân lý Tin Mừng vào mọi khía cạnh của đời sống con người. Tiếng kêu than của người nghèo và toàn thể tạo vật chưa thấm nhập đầy đủ vào việc rao giảng, cũng như lối sống của các giáo xứ và cộng đồng Giáo hội địa phương. Người nghèo, người dân bản địa, môi trường sống không được quan tâm hay ưu tiên những gì mà họ đáng được hưởng.
Châu Á cũng là châu lục với sự đa nguyên tôn giáo, đa văn hóa và những ý thức hệ khác nhau, trong đó có những người vô thần chủ nghĩa. Họ cũng cần đến ơn cứu độ. Những tác nhân loan báo Tin Mừng trong thế kỷ XXI cần đặt lại chiến lược truyền giáo trong hành trình tìm kiếm và đối thoại với những người khác niềm tin, tôn giáo, khác nền văn hóa…
Việc đào tạo liên tục các tác nhân truyền giáo, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân cần phải được đặt lên hàng đầu trong mọi kế hoạch mục vụ của các Giáo hội địa phương qua thừa tác vụ của linh mục, mục tử. Việc loan báo Tin Mừng không chỉ giới hạn ở các thừa tác viên được thụ phong hay những tu sĩ được đào tạo bài bản, nhưng là nhiệm vụ của toàn thể dân Chúa. Mỗi tín hữu đều có nghĩa vụ tham gia tích cực sự dấn thân truyền giáo nhập thể của Giáo hội. Đây là thách đố mà Giáo hội Công giáo cần phải đương đầu trong việc loan báo Tin Mừng tại Á châu nói chung, các quốc gia Đông Nam Á nói riêng.

Những cơ hội trong việc loan báo Tin Mừng ở Đông Nam Á
Những thách đố mà Giáo hội gặp phải trong việc loan báo Tin Mừng có thể trở thành cơ hội khám phá những con đường mới để đến với châu Á và Đông Nam Á.
Đời sống chứng tá của các tác nhân loan báo Tin Mừng cần phải được khuyến khích và nhân rộng. Chứng tá của các cặp vợ chồng, những nhóm người có gia đình ở những cộng đồng địa phương là dấu hiệu đầu tiên của niềm hy vọng không nên bị dập tắt. Với những giáo dân đầy nhiệt huyết, tràn đầy Thánh Thần và các tác nhân truyền giáo được đào tạo và gởi đi, luôn cần được sự đồng hành của các vị mục tử để họ luôn có ngọn lửa truyền giáo nhiệt thành và năng động.
Chứng tá của các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn đồng hành với những người cộng tác với mình trong tinh thần khiêm tốn, vui tươi, sẵn sàng chia sẻ ước mơ và kinh nghiệm của họ với những người tham gia khác. Qua đó, sẽ khiến mọi người cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành - Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi đàn chiên của Ngài.
Bài chia sẻ của Đức Giám mục Đaminh Hoàng Minh Tiến, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng tai Đại hội, về sự hình thành và phát triển của Giáo hội tại Việt Nam qua sự hy sinh tính mạng để giữ vững đức tin, đã gợi lên chứng tá sống động trong việc loan báo Tin Mừng. Sự gia tăng về ơn gọi truyền giáo ở Việt Nam là một điểm nhấn đáng chú ý mang lại niềm hy vọng cho toàn thể các Giáo hội ở châu Á, cách riêng là vùng Đông Nam Á.
Giữa các bài thuyết trình cũng có những phần chia sẻ, nhận định của một số đại biểu về cách thế, phương pháp của các Giáo hội địa phương về việc làm thế nào để tiếp cận và gần gũi với những người khác niềm tin, tôn giáo, cũng như những người từng được rửa tội nhưng nay đã nguội lạnh với đời sống tôn giáo. Những góp ý, chia sẻ của các tham dự viên giáo dân trong đại hội cũng góp phần không nhỏ trong việc loan báo Tin Mừng, vì sự tham gia của họ với lòng nhiệt huyết truyền giáo luôn mang lại kết quả đầy hứa hẹn cho mùa gặt bội thu.
Thánh lễ đồng tế tạ ơn kết thúc kỳ đại hội diễn ra tại Trung tâm Hành hương Núi Cúi với sự tham gia đông đảo của giáo dân thuộc giáo hạt Long Thành, giáo phận Xuân Lộc.
Linh mục Antôn Trần Xuân Sang, dòng Ngôi Lời (SVD)
Bình luận