Sức hấp dẫn của thiên nhiên, sự khác biệt khí hậu cùng đặc thù địa lý, núi đồi, sông suối, thảm cỏ, biển, rừng, đảo… đã giúp ngành kinh tế du lịch tồn tại và phát triển. Không chỉ có thế, du khách còn bị hấp dẫn bởi yếu tố con người với đời sống văn hóa, các tập tục, ngôn ngữ, sự giao đãi với khách cùng bao nhiêu giá trị về nhân chủng, lịch sử. Yếu tố con người lại chiếm phần quan trọng trong một hành trình trải nghiệm.
Anh Vương Văn Thanh ở Gò Vấp - TPHCM, một cựu giáo viên nay làm kinh doanh, cũng là một “tín đồ” của du lịch với nhiều trải nghiệm - cho biết, anh cùng “đồng đội” tham gia các chuyến đi có khi rất xa, không chỉ bởi cảnh trí thiên nhiên, mà còn vì con người ở những nơi đến: Đồng bào dân tộc Tây Bắc cuốn hút dân Sài Gòn từ trang phục, tập tục cổ xưa còn lưu giữ, tới âm nhạc truyền thống, ẩm thực… “Đến với bà con nơi đây, mình cảm nhận biết bao điều khó diễn tả, không khác cuộc về nguồn lặng lẽ nhưng sâu sắc trong tâm hồn, mới hiểu thế nào là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, anh Thanh nói. Anh còn chia sẻ sức hấp dẫn của đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, người Khmer Nam Bộ, đồng bào Champa ở An Giang và miền Trung, “chỉ chuyện được nghe đúng giọng chuẩn ngôn ngữ các dân tộc anh em đã đủ đuối rồi, chưa nói đến học và nói được chút ít”.
Cũng như anh Thanh, ông Vũ Minh Túy (Hà Nội), một viên chức hưu trí có thâm niên trong nghiên cứu dân tộc học, lại đam mê khám phá đời sống tín ngưỡng của đồng bào trong hành trình lịch sử, mỗi chuyến đi của ông không khác một đợt khảo cứu khám phá, thu thập được biết bao điều mới mẻ, giúp ông mở rộng tầm nhìn.
Người trong Nam ra Bắc, ngay Hà Nội đã thấy thú vị bởi chất giọng dân thủ đô. “Nghe là lạ dù ở chỗ tụi em bạn bè gốc Bắc cũng nhiều”, cô bạn trẻ Nguyễn Thị Thúy (Q. Bình Thạnh, TPHCM) từng cảm nhận sau một chuyến đi Hà Nội. Cô nhận ra thời trang của người trẻ nơi đây cũng có nét riêng nếu so với Sài Gòn, còn gu ẩm thực lại đặc thù hơn nữa, từ phong cách uống cà phê, uống trà, đến ăn phở... Anh Phạm Minh - nhân viên kỹ thuật, một cư dân gốc Sài thành lại mê chất giọng Quảng Nam trong các chuyến phượt ra miền Trung. Anh có bạn ngoài ấy, thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện, có khi chỉ để nghe cái giọng miền Trung đặc trưng.
Đất nước hình chữ S trải dài, bờ biển rừng núi sông hồ đương nhiên cuốn hút bởi phân bố địa lý vùng miền khác biệt, và cũng trên dải đất ấy có bức tranh dân tộc học, nhân chủng học phong phú đã hấp dẫn không chỉ khách du lịch trong nước, mà cả du khách ngoại quốc mỗi lần đến Việt Nam. Anh bạn trẻ Steven từ Anh quốc sang Việt Nam, trầm trồ: “Ồ, mình đã có bao nhiêu chuyến đến đất nước các bạn, riêng giọng nói và từ ngữ Hà Nội với Sài Gòn lúc đầu phải mệt mới nắm được chút, nói chi khám phá các dân tộc ít người rất phong phú”. Steven cũng chia sẻ sự thú vị khi nhận ra các nét khác biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng gốc Hoa ở Chợ Lớn - TPHCM so với những nơi khác mà anh có dịp đến như Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Ngược lại, du khách từ Việt Nam đi “ngao du” năm châu cũng bị hấp dẫn bởi yếu tố con người, ngoài sức hút của cảnh quan thiên nhiên: Dân Pháp sành điệu trong thời trang ra sao, người Mỹ đúng giờ như thế nào, còn dân Nhật lại nền nếp trật tự ở nơi công cộng… Có người từng trải qua hàng chục chuyến xuất ngoại du lịch đã cảm nghiệm, mỗi chuyến đi học được ít nhiều từ những gì mắt thấy tai nghe, không chỉ có các album ảnh phong cảnh mang về mà còn bao điều hay lẽ đẹp trong cách sống, lối nghĩ, trang phục, ẩm thực, văn hóa, ngôn ngữ của các địa phương mà mình đến. Đó cũng là hành trang tinh thần làm cho các chuyến đi của những người thích “xê dịch” trở nên đáng nhớ hơn.
CÔNG NGUYÊN
Bình luận