Theo kế hoạch từ UBND TPHCM, đến tháng 3.2025, thành phố sẽ xây dựng, phát triển các đường sách, không gian sách tại các khu vực theo 4 trục đông - tây - nam - bắc, góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân.
Theo đó, cùng với đường sách thành phố Thủ Đức đã được đưa vào hoạt động tháng 12.2023, TPHCM sẽ có thêm đường sách ở quận Bình Tân, quận 7 và huyện Củ Chi. Còn đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1) tiếp tục được thành phố đầu tư, phát triển, trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và xuất bản…
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay đường sách Nguyễn Văn Bình đã thực sự trở thành một điểm văn hóa và du lịch của thành phố. Dễ thấy người trẻ cuối tuần thường hẹn nhau đến đây dạo loanh quanh. Nơi này cũng là điểm tham quan chụp ảnh của các nam thanh nữ tú khắp nơi vào những ngày lễ như Valentine, Giáng Sinh, Tết, kể cả Halloween… Và du khách nước ngoài đến Sài Gòn hiện nay, bên cạnh những điểm tham quan truyền thống được giới thiệu từ lâu thì đường sách sát bên bưu điện trung tâm và nhà thờ Đức Bà, là một địa chỉ không thể thiếu trong điểm đến của nhiều người. Họ chiêm ngưỡng không gian thoáng mát nơi đây với sự thích thú và thư giãn, ngược lại với những con đường ồn ào náo nhiệt chung quanh.
Hai bạn trẻ Quốc Đạt và Mạnh Hùng là học sinh trường Trần Đại Nghĩa vui vẻ nói khi đang đi dạo một buổi trưa nơi đường sách: “Lúc rảnh, chúng em thường ra đây lang thang, đi bộ dưới tán cây, vui lắm!”. Còn hai bạn Mai Văn Thanh và Lê Cẩm Tú, là sinh viên Đại học Kinh tế cho biết, họ cũng hay hẹn nhau ra đường sách ngồi uống nước, trò chuyện ở quán bên đường. Bên cạnh quán cà phê lớn, có cả quầy nước nho nhỏ, giá bình dân. Một buổi hẹn hò chỉ tốn không đến 100 ngàn đồng trong một không gian vô cùng mát mẻ và lịch sự.
Những hôm có hội sách diễn ra, con đường này càng thu hút du khách hơn. Các bạn trẻ không chỉ đi tìm sách giảm giá dịp này mà còn thích thú cùng chụp những bức ảnh đẹp để khoe trên trang cá nhân.
Ngoài những sách mới phát hành hoặc xuất bản những năm gần đây, đường sách TPHCM còn là nơi những Việt kiều xa quê, hay một bộ phận người lớn tuổi, tìm đọc những tuyệt tác vang bóng một thời hay dòng sách quý trưng bày tại các gian sách xưa. Và như CGvDT đã viết trong số báo 2433 (Trang Văn hóa), người đi tìm những quyển sách quý hiếm không chỉ là độc giả trong nước mà cả những du khách đến từ các nước xa xôi. Họ vui vì chuyến du lịch có thể kết hợp để tìm mua được quyển sách mình yêu thích… Vì thế, việc đưa hệ thống các đường sách trở thành một bộ phận của du lịch như lãnh đạo Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố từng nhấn mạnh thời gian gần đây, là khả thi.
Việc cổ võ văn hóa đọc, tạo điều kiện thuận lợi để những cá nhân, đơn vị mạnh dạn đầu tư, phát triển các gian hàng, quầy sách… thực sự cần. Bởi, khi triển khai một công việc hay dự án kinh doanh, hẳn bên cạnh việc góp phần hữu ích cho cộng đồng, thì khả năng sinh lời để duy trì hoạt động cũng là mối quan tâm lớn của người tham gia.
PHAN NGUYỄN
Bình luận