Gánh cả cuộc đời với đôi chân xương thủy tinh

 

“Tuy đôi chân không cứng cỏi để bước đi như người khác, nhưng tôi vẫn đứng lên và hướng về phía trước, với sự nỗ lực từng ngày. Dù đau đớn do nhiều lần gãy xương, hai anh em vẫn luôn động viên nhau để mỉm cười, suy nghĩ tích cực”, đó là lời tâm sự mộc mạc, chân tình của cô gái trẻ Ðào Thị Hoàng Nhiên (23 tuổi, giáo dân xứ Kim Ngọc, giáo phận Phan Thiết), người không may mắn mang chứng xương thủy tinh. Cô còn có người anh ruột - Ðào Hoàng Thiên, 27 tuổi cũng mắc chung căn bệnh nghiệt ngã. Dù vậy, ở hai anh em luôn có sức mạnh, nghị lực, chưa bao giờ đầu hàng số phận…

Anh Đào Hoàng Thiên đang minh họa bộ sách giáo lý của giáo phận Phan Thiết

Trời nắng gắt. Chúng tôi đến căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm hẹp ở thôn Kim Ngọc (xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) tìm gặp Thiên - Nhiên. Căn nhà vắng lặng. Ở ngoài cửa, một người đàn ông đang lúng túng bước vào. Ông là Đào Văn Được, cha của hai em Thiên và Nhiên. Rót chén trà, ông Được chậm rãi mời khách. Hai bàn tay thô sần, gương mặt khắc khổ, dù niềm nở chào hỏi vẫn không thể giấu được sự cực nhọc, tần tảo. Biết chúng tôi tới gặp hai đứa con bị bệnh xương thủy tinh, ông liếc vào căn phòng: “Thằng Thiên và con bé Nhiên là động lực sống của gia đình tôi. Chúng nó đã nỗ lực vượt lên từ tận cùng sự tự ti, đau khổ, để hôm nay tiếp thêm động lực sống cho tôi”. Âm thanh lách cách của tiếng gõ máy tính khiến cho người nghe biết rằng cô bạn rất thành thạo, chuyên nghiệp. Trong góc phòng, hai dáng người thấp bé, tí hon kết thúc vội công việc để tiếp khách. Những ngón tay nhỏ xíu của cô gái như ngón tay em bé 5 tuổi, lướt trên bàn phím nhanh thoăn thoắt. Chúng tôi được cô giới thiệu sản phẩm thiết kế quảng cáo sắp được hình thành. Còn anh trai cũng đang cho ra những bức tranh minh họa sắc nét, sinh động. Tắt màn hình máy tính. Thiên và Nhiên dùng hai tay để nâng toàn cơ thể lên chiếc ghế gỗ có bốn bánh xe tự di chuyển. Thiên ít nói hơn em gái mình, chỉ cười và lâu lâu mới buông một vài câu. Khi được hỏi về những ngày tháng tuổi thơ, Hoàng Nhiên không ngần ngại chia sẻ, cuộc đời hai anh em trước kia là những chuỗi ngày buồn tủi. Từ khi sinh ra đã mang trong mình căn bệnh quái ác, cha mẹ chạy chữa khắp nơi chỉ mong con mình có thể khỏe mạnh bình thường. Biết rằng căn bệnh khó chữa nhưng cứ nghe có đoàn bác sĩ về là cha mẹ tức tốc chở con đi thăm khám. Thế nhưng, dù có uống bao nhiêu thuốc, đi bao nhiêu bệnh viện, tất cả đều vô phương… Thế là, hai anh em chấp nhận sống cuộc đời khuyết tật, vĩnh viễn không thể đi lại được. Mất đi sự làm chủ cơ thể, mọi sinh hoạt của hai anh em đều nhờ vào gia đình. Ăn uống, di chuyển cũng không tự mình thực hiện. Tuổi thơ của hai anh em không chỉ trên chiếc xe lăn, trên giường bệnh, mà còn phải đối diện với những cơn đau thể xác, sự bất lực tinh thần khi nhìn các bạn tung tăng đến trường, còn mình chống chọi với chính sức nặng của cơ thể, với chút sức lực nhỏ bé. “Ngày còn nhỏ, em không dám khóc vì sợ cha mẹ thêm buồn, nén nỗi đau mỗi khi nhìn vào hình hài của mình, nhất là mỗi khi đau đớn vì gãy xương, phải nghỉ học. Em nghĩ có lẽ mình cũng giống như những người có chung hoàn cảnh, sống phải dựa vào người khác và không làm được ích gì khi nhìn về tương lai”, Nhiên nói với ánh nhìn xa xăm.

Tuổi nhỏ, sự ít hiểu biết về cuộc đời, thêm vào đó là thử thách quá lớn đối với hai anh em, làm sao có thể nghĩ thoáng hơn, rộng hơn để hướng về tương lai. Mỗi ngày, việc đi đứng, ăn uống đã là vấn đề to lớn! Thiên - Nhiên chỉ thực sự vượt qua những giai đoạn khủng hoảng và trưởng thành trong nhận thức khi nhìn thấy cha mẹ ngày đêm tất bật kiếm tiền chạy chữa cho mình. Từ sự động viên của mẹ, những nét bút dạy dỗ hay những lần ngồi sau tấm lưng gầy gò chở đến trường, chữa bệnh... của cha. “Sao mình phải hụt hẫng, đau khổ? Sao không sống vui lên để cha mẹ mình vui vẻ. Mình vẫn có thể sống tốt, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt này”. Xâu chuỗi lại một quãng hành trình, Thiên vẫn lạc quan: “Tôi tin Chúa vẫn định liệu cho gia đình mình. Bằng chứng là, tuy bệnh tật nhưng Chúa vẫn cho anh em tôi có năng khiếu, để rồi, chúng tôi phấn đấu vươn lên”. Năng khiếu mà Thiên nhắc tới chính là khả năng vẽ của hai anh em từ nhỏ. Niềm đam mê vẽ cũng là nguyên cớ giúp hai anh em cố gắng từng ngày. Đưa chúng tôi ra phòng khách, Nhiên chỉ lên những tấm bằng khen từ những năm tiểu học cho đến Đại học treo trên tường. Hoàn toàn là những tấm bằng với thành tích giỏi, xuất sắc.

Nhờ sự nỗ lực học tập và ý chí vươn lên, hai anh em Thiên - Nhiên đã tốt nghiệp đại học

Kể về các con, không ít lần giọng ông chùng lại. Ông Được không nói nhiều về những nỗi vất vả của đời mình khi phải nuôi các con bệnh tật. Người đàn ông ngoài sáu mươi, tóc đã bạc nhiều không hề than trách số phận, nhưng điều ông nhắc tới lui là sự nỗ lực của các con: “Hai anh em nó đều tốt nghiệp Đại học, đang được làm công việc yêu thích của mình. Giờ tụi nó đạt được ước mơ là tôi vui rồi”. Không đòi hỏi con phải làm việc kiếm tiền nhưng mong con thấy vui và có thêm kiến thức để cho cuộc sống dễ dàng hơn. Ông cho biết, lắm lúc thấy con đau đớn, ông cũng không cầm được nước mắt, nhưng rồi nhìn các con ngày một khá hơn, hiểu chuyện, ông hài lòng. “Nhớ có lần chở hai con đi học về. Trời tối. Nước mưa tràn ngập lên mặt đường. Bánh xe sập xuống ổ gà. Hai đứa gãy tay, chân và bả vai nặng. Nhìn các con bị thương. Tôi đau. Lúc đó là thời gian thi học kỳ II, hai đứa không thể đến lớp đi thi nên trường cử một thầy giáo đem đề thi xuống tận nhà cho làm bài. Học trò nằm dài xuống thềm nhà làm bài vì không thể ngồi, còn thầy giáo ngồi ghế, coi thi trong hai ngày. Kết quả em đạt điểm xuất sắc. Những kỷ niệm ấy dù có sự đau khổ, nhưng tôi không thể quên được”. Ông hồi tưởng rồi tự hào: “Con tôi chắc nó biết cha mẹ khổ thành ra cố học, năm nào cũng có học bổng. Hồi sinh viên đã có thể nhận các dự án làm thêm để phát triển chuyên môn rồi”.

Cả hai hiện đang làm việc tại nhà với hình thức trực tuyến. Thiên đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, chuyên vẽ tranh minh họa sách, truyện… và đang minh họa bộ sách giáo lý cho giáo phận Phan Thiết. Nói về Hoàng Nhiên, thầy Luyện - giáo viên dạy môn Anh văn tại trường Đại học Phan Thiết nhận định, Nhiên có thân hình nhỏ bé và đặc biệt nhất khi là người khuyết tật duy nhất trong lớp. Tuy vậy, bạn rất năng động trong việc học tập, tập trung tinh thần để học, có một tình yêu thương và lòng biết ơn và giúp đỡ mọi người. Ấn tượng nhất là lúc nào bạn cũng luôn nở nụ cười, và tạo cho người khác có được niềm vui.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, Hoàng Nhiên đang làm thiết kế cho công ty truyền thông, trung tâm ngoại ngữ. Ngoài ra, bằng kiến thức và kỹ năng thiết kế của mình, Nhiên còn dạy học các khóa trực tuyến miễn phí cho sinh viên.

Khi được hỏi điều mong ước hiện tại, cả hai anh em đều có tâm nguyện giống nhau là có thể phụng dưỡng cho cha mẹ khi họ tuổi già. Thiên trộm nhìn cha. Cậu cúi xuống, miệng mấp máy: “Cha mẹ đã vất vả rất nhiều vì chúng tôi”. Còn Nhiên, những cơn nấc nghẹn ngào như những năm tháng chứng kiến gian nan của cha mẹ, cô chỉ mong “đỡ đần bớt cho cha mẹ”. Có lẽ vì vậy mà sau một hành trình học tập, giờ đây hai anh em luôn nỗ lực làm việc để mong san sẻ gánh nặng cho mẹ cha phần nào. Gia đình ông Được có 5 người con, hai chị gái đã xây dựng cuộc sống riêng. Còn Ân, người con thứ ba ở cùng cha mẹ để chăm cho hai em. Công việc mưu sinh của cả nhà là nhờ cha mẹ bán rau hành ở chợ. Bà Lê Thị Mỹ Thanh, mẹ của Thiên và Nhiên lại mang bệnh nặng. Giờ đây, họ lại tiếp tục gánh lo, chật vật với cuộc đời. Dầu vậy, trong sự phó thác, bà Thanh chia sẻ hằng ngày vẫn tạ ơn Chúa, xin Chúa thương gìn giữ các con và đỡ nâng cuộc sống. Bà tin rằng, rồi mai này sẽ khác, nhất là khi nhìn thấy hành trình của các con lớn lên, được Chúa quan phòng. Với niềm lạc quan, bà nói nghe nhẹ tênh: “Nhà nào cũng có những khó khăn riêng mà. Mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng ngày mai có cái khổ của ngày mai, mình sống rồi làm lụng, cố gắng hết mình là được”. 

Từ những lời tâm sự ngọt ngào, đầy phó thác, chúng tôi thầm nghĩ, có lẽ, đó cũng là tính cách của người phụ nữ chân quê, để dù có sương gió bao nhiêu ở những năm tháng cũ, bà cũng vững vàng đối mặt. Dù có mệt nhọc, bà vẫn không quay lưng với tạo hóa, với Chúa, Đấng bà tin tuyệt đối. Và rồi, chúng tôi cùng hy vọng như bà, mai này sẽ khác như sự thành công của hai đứa con mang bệnh xương thủy tinh, đã khác quãng thời gian lẫm lũi trước kia, đối mặt với khó khăn, thiếu thốn. Chí ít rằng, người mẹ này cũng đang vui vì sự hiếu thuận cùng sự nỗ lực của Thiên - Nhiên.

 

Trần Tin

 

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội, sáng ngày 28.11.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã dâng thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện.
Hướng về ngày Chúa đến
Hướng về ngày Chúa đến
 Mùa Vọng lại về. Tại nhiều nhà thờ trong thành phố, giáo dân đã tham gia dựng hang đá ngay từ những ngày cuối tháng 11. Nhiều chương trình mục vụ Mùa Vọng như tĩnh tâm cho các giới, các chiến dịch bác ái Mùa Vọng…
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Đỏ lửa từ lúc 3 giờ sáng, bếp ăn tình thương ở địa chỉ 86/34 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận mỗi ngày phục vụ nhiều phần ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, kém may. Chủ bếp là vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Phương và...
Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện
Tại nhà thờ Chánh tòa Hà Nội, sáng ngày 28.11.2024, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã dâng thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Công Viện.
Hướng về ngày Chúa đến
Hướng về ngày Chúa đến
 Mùa Vọng lại về. Tại nhiều nhà thờ trong thành phố, giáo dân đã tham gia dựng hang đá ngay từ những ngày cuối tháng 11. Nhiều chương trình mục vụ Mùa Vọng như tĩnh tâm cho các giới, các chiến dịch bác ái Mùa Vọng…
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn
Đỏ lửa từ lúc 3 giờ sáng, bếp ăn tình thương ở địa chỉ 86/34 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận mỗi ngày phục vụ nhiều phần ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, kém may. Chủ bếp là vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Phương và...
Những thầy thuốc đội lúp xanh
Những thầy thuốc đội lúp xanh
Vẫn là chiếc áo blouse trắng nhưng trên đầu lại là những chiếc lúp xanh, các y bác sĩ của phòng khám Mẫu Tâm (giáo phận Nha Trang) tận tâm, ân cần với bệnh nhân, không chỉ bằng trình độ y khoa mà còn hành động trong tình yêu thương...
Một nhóm kịch độc đáo
Một nhóm kịch độc đáo
Trong khuôn khổ Đại hội Giới trẻ TGP TPHCM 2024, nhóm Ca kịch Công giáo Sài Gòn đã góp mặt trong chương trình với vở kịch “Bức tường Jericho”, tái diễn một phần của Cựu Ước về thành Jericho, một tường thành được củng cố rất chắc chắn, nhưng đã...
Ðại hội giới trẻ TGP TPHCM  những điều đọng lại
Ðại hội giới trẻ TGP TPHCM  những điều đọng lại
Diễn ra hôm 23.11.2024 vừa qua tại Trung tâm Mục vụ, Ðại hội Giới trẻ TGP TPHCM để lại nhiều ấn tượng và không ít các suy tư.
Người trẻ hãy thật đáng yêu và đừng để bị khinh thường
Người trẻ hãy thật đáng yêu và đừng để bị khinh thường
Ðại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 20 đã diễn ra trong hai ngày 20 và 21.11.2024, tại giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng. Dịp này, Công giáo và Dân tộc đã có cuộc trao đổi ngắn với Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục...
Câu chuyện lưới cá và lòng can đảm
Câu chuyện lưới cá và lòng can đảm
Trong thông điệp nhân Ngày Thủy sản Thế giới 21.11 vừa qua, Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng suy thoái môi trường biển do các hoạt động kinh tế...
Giáo phận Long Xuyên lập thêm giáo hạt Phú Quốc
Giáo phận Long Xuyên lập thêm giáo hạt Phú Quốc
Sáng 24.11.2024, tại nhà thờ Dương Đông (ở thành phố Phú Quốc), giáo phận Long Xuyên, đã diễn ra nghi thức trao sắc lệnh thành lập giáo hạt Phú Quốc và văn thư bổ nhiệm cha Gioan Trần Văn Trông làm hạt trưởng đầu tiên