Một cô nhân viên văn phòng mang thai tháng cuối vẫn đến công ty làm việc. Anh đồng nghiệp tỏ ra khâm phục khi thấy cô bầu bì mà phong độ và hiệu suất không bị ảnh hưởng. Khi cùng ăn trưa ở căn tin, anh ta thở dài so sánh cô với người vợ ở nhà, than thở rằng bà xã quá mè nheo, đòi hỏi, thường vờ ốm nghén để bắt chồng hầu. Cô ngạc nhiên hỏi tại sao anh nghĩ vợ mình giả vờ. Hóa ra là do bà mẹ chồng mách. Đến đây, cô bắt đầu cảm thấy “có điềm”. Quả nhiên, anh đồng nghiệp càng kể lể, mọi chuyện càng giống kịch bản phim dài tập về mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu.
Vợ của anh đồng nghiệp nghén nặng, vì vậy cô trở nên kén ăn và dễ căng thẳng mệt mỏi. Người chồng từ lâu đã thầm nghĩ vợ “vô dụng” khi xin nghỉ ở nhà dưỡng thai, khiến anh ta phải một mình gánh kinh tế gia đình. Đã vậy, mẹ chồng từ quê lên với cái cớ chăm sóc con dâu, thực chất chỉ chăm chăm xét nét, mắng mỏ và “châm ngòi ly gián” cặp vợ chồng trẻ. Mỗi khi người vợ nhờ chồng đỡ đần mình, bà cụ lại nổi giận quát nạt, xót con trai kiếm tiền vất vả còn bị vợ “sai bảo”. Phận con dâu không tiện để mẹ chồng làm hết việc nhà nên cô đành gắng gượng. Đến khi cô bị nghén nặng quá, chồng đã hơi mềm lòng thì mẹ chồng chặn đứng bằng câu: “Chỉ giỏi bắt chồng hầu! Ngày xưa mẹ đẻ sòn sòn mấy đứa có nghén đâu, vẫn làm ruộng bình thường”. Thế là anh chồng lại cứng rắn lên để… dạy vợ. Kết quả là người vợ ngày càng ốm yếu, hao gầy và có dấu hiệu trầm cảm thai kỳ.
Nghe anh chồng kể lể, cô bạn đồng nghiệp bênh vực người vợ, đồng thời khuyên anh nên quan tâm chăm sóc vợ nhiều hơn. Bởi thể trạng phụ nữ mang thai không phải ai cũng như nhau, có người gần như không ốm nghén hay phải kiêng cữ nhiều, có người nhạy cảm đến mức ngửi mùi đồ ăn cũng buồn nôn. Tiếc thay, anh chồng không phục thiện còn cãi lý, cho rằng phụ nữ bênh nhau, cứ hay làm quá lên để kẻ khác nhường nhịn mình. Nhìn anh ta, cô đồng nghiệp lắc đầu ngán ngẩm, thầm nghĩ gã này quả là “con trai cưng của mẹ”.
Khi nữ đồng nghiệp đăng mẩu chuyện lên mạng, rất nhiều chị em bạn dì đã vào bình luận sôi nổi. Không chỉ trách người chồng, họ còn phê phán bà mẹ chồng tai quái. Tại sao cùng là nữ nhưng bà không đồng cảm với con dâu mà còn “dìm hàng”? Đa phần ý kiến cho rằng bà cụ ghen tị với con dâu, vì hồi trẻ bà từng vất vả cực nhọc, không được ai nâng niu cưng chiều, nên hiện giờ cũng không thích nhìn con dâu thảnh thơi. Nội tâm bà luôn cảm thấy thật bất công. Đứa con trai mà bà khổ công nuôi dưỡng, chưa báo hiếu cho mẹ được ngày nào, sao có thể mặc kệ nó “có hiếu với gái”, đội vợ lên đầu!
*
Có người từng hỏi triết gia Hy Lạp Aristotle tại sao kẻ đố kỵ luôn buồn phiền. Ông đáp: “Bởi hắn không chỉ bị dày vò vì thất bại của bản thân mà còn vì thành công của người khác”.
Nhìn chung, con người nảy sinh lòng đố kỵ vì hai lý do: Mình không có nên ghen tị với người có; cho rằng người khác không xứng đáng với điều mình muốn có.
Một vài người bẩm sinh dễ phân bì, tị nạnh; số khác ảnh hưởng từ tuổi thơ thiệt thòi, thiếu thốn hoặc môi trường độc hại, nên lớn lên thường “gai mắt” với cảnh vui sướng, an nhàn của người khác. Việc đâm chọc, bắt nạt, chê bai giúp người ghen tị thỏa mãn và đạt thắng lợi tinh thần tạm thời; nhưng điều đó chẳng khác gì trị bệnh ở ngọn, chứ không trị tận gốc. “Đứa trẻ bên trong” họ vẫn còn bị tổn thương, uất ức. Và khi đứa trẻ ấy chưa được chữa lành, gốc rễ đố kỵ sẽ vẫn luôn tồn tại.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận