CHÚA NHẬT LỄ PHỤC SINH
Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Tin Mừng: Ga 20,1-9
Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô khẳng định, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích, và Kitô hữu là những người khốn khổ nhất (x.1Cr 15,17-19). Đức tin dĩ nhiên là hồng ân Thiên Chúa tặng ban, nhưng lại có nền tảng trên chứng từ của các tông đồ, những vị đã từng xác tín cách sâu xa sự phục sinh của Thầy Chí Thánh Giêsu đến độ sẵn sàng đổ máu đào ra để loan báo và minh chứng. Xin cùng xét xem một vài dữ kiện liên quan đến niềm xác tín của các tông đồ về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, khiến cho các ngài có được cảm nghiệm sâu xa vượt quá những điều mắt thấy và tai nghe.
“Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Chắc hẳn tác giả Tin Mừng thứ tư không chỉ trình bày niềm xác tín của người môn đệ, mà còn của cả Phêrô, dù chạy chậm đến sau nhưng lại vào trong ngôi mộ trước và đã “thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,7).
Nhiều nhà thần học và tu đức trước đây đã từng hăng hái minh giáo bằng luận chứng về ngôi mộ trống, để rồi chứng minh rằng Chúa Kitô đã Phục Sinh. Dữ kiện ngôi mộ trống là một bằng chứng nền tảng để dệt xây niềm tin vào mầu nhiệm Chúa đã sống lại. Một điều thật dễ hiểu vì nếu thi hài Chúa Giêsu vẫn còn đó trong ngôi mộ thì sẽ chẳng có bất cứ ai dám to gan đề cập đến sự Phục Sinh của Người. Cái ngôi mộ trống là điều kiện cần có nhưng chưa đủ để minh chứng về sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ và môn đệ mới là những dữ kiện tích cực dệt xây niềm tin cho các ngài. Tuy nhiên, với các ngài thì vẫn còn đó điều cần vượt qua giữa điều mắt thấy, tai nghe và thực tại tin nhận.
Có thể khẳng định rằng, thân xác của Đấng Phục Sinh đã có nhiều đổi thay, cả về diện mạo cũng như cách thế hiện hữu. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra thì thoạt đầu các tông đồ không nhận ra ngay đây là Thầy Chí Thánh, Đấng đã tử nạn khổ hình thập giá. Rất có thể có người viện lý do tâm lý, nhưng không thể biện minh cho trường hợp hai môn đệ trên đường đi Emmau ròng rã sải bước trên mười cây số mà vẫn không nhận ra ai là người đồng hành với mình. Như thế, phải có điều gì đó nơi Đấng Phục Sinh không hề đổi thay, để các ngài tin nhận đây chính là Thầy Giêsu mà không là một ai khác. Đọc Tin Mừng chúng ta có thể khẳng định đó là tấm lòng, là cung cách hành xử của Đấng Phục Sinh.
Nhìn vào tấm khăn liệm và các dải băng được xếp gọn gàng, Phêrô và người môn đệ kia nhận ra dấu tích của Thầy Chí Thánh, Đấng đã từng chung sống với mình, không phải như cung cách người chủ mà thực sự như kẻ hầu, người hạ (x. Lc 22,27). Dù gần cả ngày trời bên người bạn đồng hành mà vẫn không nhận ra, nhưng khi người ấy “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho”, thì hai môn đệ trên đường đi Emmau chợt nhận ra đây là Thầy Giêsu, vì đã từng hơn hai lần chứng kiến hành vi yêu thương này của Thầy giúp cho bốn và năm ngàn người đàn ông no nê bánh cá, chưa kể phụ nữ và trẻ em (x.Lc 24,13-35). Dù rằng trước đó chưa nhận ra vị khách lạ trên bờ hồ Tibêria, nhưng sau một mẻ cá lạ lùng, thì Phêrô và các bạn đồng môn đã nhận ra Thầy, vì trước đây ba năm cũng chính Thầy đã từng giúp mình thu hoạch một mẻ cá chở đầy hai thuyền nặng gần chìm (x.Ga 21,1-14; Lc 5,1-7).
Đức Giêsu Phục Sinh luôn là mầu nhiệm, vậy cần phải có con mắt đức tin. Nhân tình thế thái thời hiện đại có vẻ nhiễu nhương vì hận thù, chiến tranh, khủng bố, tệ nạn, dịch bệnh… Đừng sợ! Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta. Vẫn có đó những tấm lòng quyết sống chết cho hòa bình xanh, những con người hiến mình cho môi sinh trong lành. Vẫn có đó những con người chấp nhận đổ máu để cho nhân phẩm con người được tôn trọng. Vẫn có đó những con tim rộng mở cho những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi. Vẫn và đang còn đó những tấm lòng chấp nhận mọi hậu quả chỉ mong cho quê hương dân tộc cất cánh vươn cao trong hòa bình và công lý, mong cho đồng bào thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Vẫn có đó và vẫn còn đó… nhiều con người và nhiều cuộc đời quảng đại hiến thân trong chí cống hiến để ta tin nhận Chúa Phục Sinh mãi cùng ta đồng hành.
Chúa đã Phục Sinh, Chúa đã thắng thần dữ nhưng cuộc chiến giữa thiện - ác, lành - dữ vẫn đang tiếp diễn. Xin góp một chút tình nhỏ cho Chúa Phục Sinh hiện diện với con người nơi chính bản thân ta. Chúa đã Phục Sinh nghĩa là Chúa vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Ngài vẫn đang diệt trừ sự dữ, điều xấu xa và làm cho nhân loại được sống, sống dồi dào qua người này, người kia cách nhiệm mầu. Góp một tiếng nói thẳng thắn để khử trừ sự bất công, gian ác ra khỏi môi trường ta sống, góp một việc làm bé nhỏ để xoa dịu nỗi đau của người bé phận, kém may mắn kề bên có lẽ là một trong những phương thế tuyên xưng Chúa đã Phục Sinh cách khả tín. Phải chăng chính vì khi ấy “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô Phục Sinh đang sống trong tôi?” (x. Gal 2,20).
Linh mục Giuse NGUYỄN VĂN NGHĨA, GP. Ban Mê ThuộT
Bình luận