Mc 10,46-52
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Phép lạ ở Mc 10,46-52 trong Tin Mừng Máccô có gì đặc biệt? Bạn biết gì về thành phố Giêrikhô? Đức Giêsu ra khỏi Giêrikhô để đi đâu? Đọc Mc 10,32; 11,1.
Phép lạ ở Mc 10,46-52 là phép lạ chữa bệnh cuối cùng trong Tin Mừng Máccô. Phép lạ này xảy ra tại thành phố Giêrikhô, cách Giêrusalem vài chục cây số. Đây là một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới, có người ở từ 9.000 năm trước công nguyên. Đây cũng là thành phố thấp nhất so với mặt nước biển. Nó nằm ở phía bắc Biển Chết, trong một vùng ốc đảo xanh tươi ở sa mạc Giuđê. Đức Giêsu ra khỏi thành Giêrikhô để lên Giêrusalem lần cuối trước khi chịu khổ nạn (Mc 10,32; 11,1).
2. Tin Mừng Máccô có khi nào nói tên của một người được Đức Giêsu chữa lành không? Anh mù trong bài Tin Mừng này tên gì, làm nghề gì? Đức Giêsu có chữa người mù nào khác trong Tin Mừng Máccô không?
Trong bài Tin Mừng này, thánh sử Máccô nói đến tên của người được Đức Giêsu chữa lành. Tên anh là Batimê. Bar nghĩa là con trai trong tiếng Aramaic, tiếng nói của người Do Thái thời Đức Giêsu. Batimê nghĩa là con trai của ông Timê (Mc 10,46). Đây là lần duy nhất Tin Mừng Máccô nhắc đến tên của một người được Đức Giêsu chữa lành. Anh mù Batimê ở thành phố Giêricô, làm nghề ăn xin, ngồi bên vệ đường. Trước đó, Ngài đã từng chữa lành cho một anh mù khác ở vùng Bếtxaiđa (Mc 8,22-26). Vùng này nằm bên kia sông Giođan, ở ngay phía bắc hồ Galilê.
3. Theo bạn, tại sao khi anh mù ở Giêricô nghe biết đó là Đức Giêsu Nadarét, thì anh ta bắt đầu kêu to lên?
Đức Giêsu đang trên đường ra khỏi Giêricô cùng với các môn đệ và có một đám đông lớn tháp tùng. Anh bị mù nên chẳng biết đó là ai, nhưng khi nghe người ta nói đó là Đức Giêsu người Nadarét thì anh kêu to: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mc 10,47). Chắc hẳn trước đây anh đã nghe nhiều người nói về Ngài, về khả năng chữa bệnh thần kỳ của Ngài, kể cả việc Ngài có thể hoàn sinh kẻ chết. Và anh thầm mong có ngày được gặp Đức Giêsu để xin Ngài cho đôi mắt anh được sáng. Không ngờ đó lại là ngày hôm nay. Giờ đây Đức Giêsu đang đi ngang qua trước mặt anh. Anh mù không muốn bỏ lỡ cơ hội quý báu này. Anh kêu to để tiếng của anh át tiếng đám đông, để Đức Giêsu nghe được tiếng của anh. Anh mù rất khôn ngoan, vì biết rằng phương tiện duy nhất khiến Ngài chú ý đến anh là tiếng nói. Chỉ cần Ngài nghe được tiếng kêu của anh là mọi sự ổn thỏa. Như thế anh mù, tuy không có mắt sáng, nhưng anh đã tận dụng những gì mình có là tai nghe và tiếng nói của anh để gặp Đức Giêsu.
4. Đức Giêsu được anh mù gọi là Con vua Đavít, tước hiệu đó nghĩa là gì? (Mc 10,47). Đám đông ở Mc 11,1-11 có nhìn nhận Đức Giêsu là Con vua Đavít không? Đức Giêsu có chấp nhận tước hiệu này không?
Vào thời Đức Giêsu, “Con vua Đavít” là lối nói bình dân để chỉ Đấng Mêsia. Người ta tin Đấng Mêsia phải là người thuộc dòng tộc vua Đavít. Khi gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít, anh mù tin Ngài là Đấng Mêsia. Ít lâu sau, khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, một đám đông cũng chúc tụng “triều đại sắp đến của tổ phụ Đavít” (Mc 11,10). Như thế gián tiếp họ cũng nhìn nhận Đức Giêsu như một vị vua thuộc dòng dõi vua Đavít. Đức Giêsu đã không phản ứng gì khi được gọi là Con vua Đavít, nhưng Ngài dè dặt với tước hiệu Mêsia hay Kitô (Mc 8,29-30).
5. Tại sao nhiều người bắt anh câm đi? Tại sao anh lại càng kêu to?
Tiếng kêu của anh mù khá lớn, nên nhiều người mắng anh và bảo anh im đi. Phải chăng vì họ không muốn anh mù làm phiền Đức Giêsu hay làm chậm trễ cuộc hành trình của Thầy? Nhưng anh mù lại càng kêu to hơn, vì anh biết mình không được phép bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Anh tin Đức Giêsu có đủ khả năng để chữa cho anh. Nếu anh vâng lời họ mà im đi, chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ được sáng mắt.
6. Khi nghe hai lời kêu xin của anh mù ở Mc 10,47.48 bạn thấy có gì giống nhau không? Tiếng kêu của anh mù đã dẫn đến kết quả gì?
Hai lời kêu của anh mù ở các câu 47 và 48 gần như giống nhau. Anh chỉ gọi tên Đức Giêsu ở câu 47. Anh tin Ngài là Con vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu dân tộc mình. Anh chưa xin Ngài chữa bệnh mù lòa của mình, anh chỉ xin Ngài thương xót. Câu “Xin thương xót tôi!” được lặp lại nhiều lần. Trong tiếng kêu của anh, ta thấy có nhiều cung bậc cảm xúc: tin tưởng, hy vọng, kiên trì, can đảm, khiêm hạ, nài xin… Khi anh mù kêu xin lòng thương xót, có lẽ Đức Giêsu chưa thấy mặt anh, vì anh ngồi ở vệ đường. Nhưng cuối cùng, Ngài đã nghe thấy tiếng kêu của anh. Tiếng kêu tha thiết ấy làm cho Ngài dừng lại và muốn gặp mặt người đã cất tiếng kêu.
7. Có bao nhiêu động từ gọi trong Mc 10,49? Câu hỏi của Đức Giêsu đối với anh mù ở Mc 10,51, ta đã từng gặp ở đâu? Anh mù gọi Đức Giêsu bằng tước hiệu gì? Bạn thấy cách chữa anh mù ở Mc 10,52 có khác với cách chữa ở Mc 1,31.41; 5,27.41; 7,33-34; 8,22-26 không?
Có ba động từ “gọi” trong Mc 10,49. Câu hỏi của Đức Giêsu ở Mc 10, 51 giống câu hỏi của Ngài ở Mc 10,36. Khi đến gần Đức Giêsu, anh mù gọi Ngài bằng một tước hiệu tôn kính khác: Rabbouni, nghĩa là Thưa Thầy. Bây giờ anh không xin Ngài thương xót, nhưng xin một điều cụ thể hơn: xin ơn được nhìn thấy bình thường. Đó là điều anh ao ước từ lâu. Cách Đức Giêsu chữa anh mù ở Mc 10,52 không giống với cách chữa ở những lần khác (Mc 1,31.41; 5,27.41; 7,33-34; 8,22-26). Ngài không dùng tay để chạm đến anh mù, nhưng chỉ nói với anh một câu quen thuộc: Lòng tin của anh đã cứu anh.
8. Theo ý bạn, điểm nổi bật nơi con người anh mù là gì? Sau khi anh mù được sáng mắt, anh đã làm gì?
Điểm nổi bật nơi con người anh mù là thái độ cầu xin một cách kiên định, bất chấp những cản trở đến từ bên ngoài. Anh làm được điều này vì anh vững tin Đức Giêsu có thể chữa lành anh. Khi được sáng mắt và không còn phải ngồi bên vệ đường ăn xin, anh đã hòa mình vào đám đông đang đi theo Đức Giêsu trên đường. Anh có thể trở thành người môn đệ bước theo Ngài lên Giêrusalem.
CÂU HỎI SUY NIỆM Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?”, tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không? |
Bình luận