Vì sao lễ Phục Sinh không được cử hành vào một ngày cố định?
(Nguyễn Thị Vân Anh, Cần Thơ)
Trả lời của linh mục Giuse Đào Hữu Thọ, Trưởng ban Phụng tự Tổng Giáo phận Hà Nội
Lễ Phục Sinh là cách gọi nhấn mạnh tới biến cố Đức Kitô sống lại. Trong tiếng Latinh, danh xưng lễ Phục Sinh là “Pascha”, vốn bắt nguồn bởi từ “pesa” hay “pasa” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “đi ngang qua”, “vượt qua”. Vì vậy, chúng ta vừa gọi là lễ Phục Sinh vừa gọi là lễ Vượt Qua. Hơn nữa, thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa nhật Phục Sinh làm thành “Tam nhật Vượt Qua”, ba ngày cao trọng nhất trong năm phụng vụ.
Lễ Vượt Qua thời Tân Ước đã được tiên báo bằng lễ Vượt Qua thời Cựu Ước. Trước hết, lễ Vượt Qua theo nghĩa đen chỉ việc Thiên Chúa, trong đêm Vượt Qua đã “đi ngang qua”, “vượt qua” nhà của những người Do Thái, được ghi dấu máu chiên trên cửa, nhưng không sát hại các con đầu lòng và các con vật đầu đàn của người Do Thái, mà sát hại các con đầu lòng và các con vật đầu đàn của người Ai Cập (x. Xh 12,12-14.26-27). Hơn nữa, ý nghĩa trọng tâm của lễ Vượt Qua thời Cựu Ước là nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và dẫn đưa họ về miền Đất Hứa, mà Ngài đã hứa ban cho tổ phụ Abraham. Như vậy, “vượt qua” chỉ thân phận dân Do Thái được Thiên Chúa thay đổi từ tình trạng nô lệ sang tự do.
Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước là hình ảnh tiên báo lễ Vượt Qua trong Tân Ước: Trong Cựu Ước là nô lệ thể lý, dân Do Thái làm nô lệ cho người Ai Cập; trong Tân Ước là nô lệ tinh thần, toàn thể nhân loại ở trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi và sự chết.
Bốn Tin Mừng không cho biết Chúa Giêsu phục sinh vào ngày nào trong tháng, nhưng cho biết cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu diễn ra khi người Do Thái mừng lễ Vượt Qua (x. Mt 26,17-19; Mc 14,12-16; Lc 22,7-13; Ga 18,28). Mà người Do Thái mừng lễ Vượt Qua vào buổi chiều ngày 14 tháng Nisan. Nisan là tháng Giêng theo lịch của người Do Thái.
Vào những thế kỷ đầu tiên, trong Giáo hội đã xảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt giữa hai phe: một phe chủ trương mừng lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Nisan, nghĩa là vào lễ Vượt Qua của Do Thái giáo; phe còn lại chủ trương mừng lễ Phục Sinh vào ngày Chúa nhật, vì Chúa Giêsu sống lại vào ngày Chúa nhật. Cả hai phe đều có những lý lẽ riêng làm hậu thuẫn cho chủ trương của mình. Cuộc tranh luận trở thành gây cấn dưới thời Đức Giáo Hoàng Victoriô I (189-198), khi ngài tuyên bố sẽ ra vạ tuyệt thông cho cộng đoàn nào mừng lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Nisan. Sau rất nhiều Công đồng địa phương, cả bên Đông lẫn bên Tây, mọi người vẫn không tìm được tiếng nói chung. Phải đợi tới Công đồng Nicea năm 325, một quy định chung mới được thiết lập: Lễ Phục Sinh sẽ được cử hành vào Chúa nhật liền sau ngày 14 tháng Nisan. Tuy nhiên, quyết định này của Công đồng Nicea mãi tới thế kỷ VIII mới được khắp nơi chấp nhận. Chúa nhật liền sau ngày 14 tháng Nisan, diễn ra từ ngày 21.3 và không xảy ra sau ngày 25.4 dương lịch.
Công đồng Vatican II đã bày tỏ lập trường liên quan tới những đề nghị, các Giáo hội Kitô nên cử hành lễ Phục Sinh trong cùng một ngày và dự án thiết lập một quyển lịch vĩnh viễn. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Phụng vụ, tuyên bố rằng:
“Thánh Công đồng Vatican II không phải là ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa nhật nhất định, và về việc thiết lập một niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi điều có thể xảy ra do việc đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công đồng tuyên bố những điều sau đây:
- Thánh Công đồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa nhật nhất định trong niên lịch Grêgôrianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông tòa.
- Cũng thế, Thánh Công đồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một niên lịch vĩnh viễn”.
Bình luận