Trong năm vừa qua, Giáo hội hoàn vũ đã trải qua nhiều sự kiện quan trọng, với đủ mọi cung bậc, cả trầm lẫn thăng…
Tang lễ Đức Bênêđictô XVI
Sáng 31.12.2022, Ðức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã được Chúa gọi về, khép lại hành trình 95 năm dương thế của một trong những nhà thần học lỗi lạc nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Lễ an táng do Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 5.1.2023, với sự hiện diện của khoảng 50.000 tín hữu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tang lễ của một vị giáo hoàng mới vừa qua đời do một giáo hoàng chủ tế, thay vì Hồng y niên trưởng. Tòa Thánh chỉ gởi lời mời chính thức cho hai quốc gia là Ý - nơi Ðức Bênêđictô XVI đã sống rất lâu năm -, và Ðức - quê hương của ngài. Ðại diện của các nước hoặc những tổ chức khác được hoan nghênh tham dự với tư cách cá nhân. Việc mời chính thức rất hạn chế vì Ðức Bênêđictô XVI đã thoái vị và ngài cũng mong muốn tang lễ của mình diễn ra giản dị.
Trước cộng đoàn tham dự thánh lễ ngày 5.1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại những đặc điểm của một mục tử theo chân Chúa một cách nhiệt thành, trong đó vô cùng cần đến “sự cầu nguyện với lòng thành kính”. Đây là điều được hình thành và hoàn thiện trong lặng lẽ, bất chấp những thử thách mà mỗi vị mục tử phải đối mặt. Đức Phanxicô cũng nói rằng, trong lúc theo chân Thiên Chúa, “chúng ta phó thác người anh em của chúng ta (Đức Bênêđictô XVI) trong đôi tay Chúa Cha… Ước mong đôi tay của Lòng Thương Xót ấy sẽ chọn lấy ngọn đèn được thắp sáng bằng dầu của Tin Mừng mà người anh em đã loan tải và là chứng nhân trong cả cuộc đời mình”.
Sau khi kết thúc thánh lễ, lúc linh cữu của Đức Bênêđictô XVI bắt đầu trên đường chuyển vô lại Đền thờ Thánh Phêrô để đưa xuống hầm mộ thì dừng lại để Đức Phanxicô có phút tiễn biệt riêng. Ngài đứng dậy khỏi xe lăn, đặt tay lên linh cữu, thinh lặng.
Ðức Bênêđictô XVI, tên khai sinh là Joseph Aloisius Ratzinger, sinh ngày 16.4.1927 tại thị trấn Marktl, bang Bavaria, Ðức. Bằng trí tuệ kiệt xuất, ngài đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong giới nghiên cứu thần học và triết học trên thế giới. Ngoài việc giảng dạy ở các Chủng viện, Đức Bênêđictô XVI từng là giáo sư ở những trường danh tiếng của Đức như Ðại học Bonn và Ðại học Münster. Ở độ tuổi rất trẻ, ngài đã tham dự Công đồng Vatican II (1962-1965) trong vai trò là cố vấn về thần học bên cạnh Ðức Hồng y Joseph Frings, Tổng Giám mục Cologne (Ðức) khi ấy. Ngày 24.3.1977, ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục TGP Munich và Freising. Tháng 6 cùng năm, ngài được Ðức Phaolô VI vinh thăng hồng y. Năm 1981, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin - một trong những bộ trọng yếu của giáo triều, và giữ vị trí này trong 24 năm.
Sau khi Ðức Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, ngày 19.4.2005, ngài được mật nghị bầu chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô, lấy tông hiệu là Bênêđictô XVI (Benedictus Decimus Sextus), là vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo. Ngày 28.2.2013, Đức Bênêđictô XVI thoái vị, bắt đầu cuộc sống bình dị tại tu viện Mater Ecclesiae trong khuôn viên khu vườn Vatican.
Đức Phanxicô, hành trình 10 năm
Năm 2023, Giáo hội hoàn vũ kỷ niệm 10 năm Đức Phanxicô được mật nghị hồng y bầu chọn. Khi khói trắng bay lên vào 19 giờ 6 phút ngày 13.3.2013, dù vui mừng tột độ khi thấy Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio bước ra ban công của Ðiện Tông tòa, nhưng rất nhiều tín hữu trên thế giới vẫn chưa biết ngài là ai, đến từ đâu. Đúng như ngài tự nhận, “đến từ cùng trời cuối đất”. Ít được biết đến, nhưng ngay từ những giây phút ấy, ngài đã khiến mọi người nhớ đến mình. Vị giáo hoàng đầu tiên lấy tông hiệu Phanxicô, Phanxicô thành Assisi, vị thánh của người nghèo, của hòa bình, của sự yêu mến vạn vật. Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ, và là một Giêsu hữu (tu sĩ dòng Tên). Qua truyền hình vào thời điểm đó, nhiều tín hữu trên thế giới lần đầu biết đến ngài, nhưng ở Tổng Giáo phận Buenos Aires (Argentina), dân chúng ở các khu ổ chuột không hề xa lạ với vị chủ chăn hằng ngày đi xe buýt công cộng, không đi xe hơi riêng, không ở tại Tòa Tổng Giám mục, mà chỉ ở trong một căn hộ nhỏ…
Vị bằng hữu thân thiết của các khu ổ chuột đã về với thành Rome, trở thành đấng kế vị thánh Phêrô, và vẫn giữ nguyên sự khiêm tốn, giản dị của một người vốn quen len lỏi vào những khu nhà lụp xụp để thăm viếng những người mà xã hội hoàn toàn quên lãng. Ở ban công Điện Tông tòa, ngài cúi đầu, đề nghị cộng đoàn “cầu nguyện cho tôi”. Cầu nguyện để ngài có thể xây dựng một Giáo hội “vì người nghèo”, như một “bệnh viện dã chiến”, với “cổng luôn rộng mở”. Tương tự như lúc còn ở Argentina, tại Vatican, Đức Phanxicô không sống trong Điện Tông tòa, mà ở tại một căn phòng nhỏ của nhà trọ Sanctae Marthae, nơi các hồng y thường trọ trước kỳ mật nghị. Trên người Đức Thánh Cha không có thứ gì bằng vàng. Nhẫn ngư phủ của ngài bằng bạc. Thánh giá mà ngài đang đeo làm bằng thép, được giữ từ khi còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires.
Giản dị, khiêm tốn, nhưng kiên định và quyết đoán, ngài đã từng bước cải cách rõ nét cơ cấu hành chính của giáo triều, giúp hoạt động tài chính của Vatican trở nên minh bạch, để Giáo hội có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, hoạt động bác ái, và góp sức vào việc gìn giữ Ngôi Nhà Chung. Đến nay, Đức Phanxicô đã thực hiện hơn 40 chuyến tông du nước ngoài, tổ chức 3 Thượng Hội đồng Giám mục (cùng 1 Thượng Hội đồng vẫn đang diễn ra), công bố tông hiến mới, 3 thông điệp, 7 tông huấn…
Đại hội Giới trẻ thế giới
Đại hội Giới trẻ Thế giới diễn ra từ ngày 1 đến 6.8.2023 tại Lisbon là Đại hội Giới trẻ Thế giới đầu tiên được tổ chức tại Bồ Đào Nha. Đại hội được diễn ra với các tiêu chí thân thiện môi trường; hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa được trình diễn khắp Lisbon suốt thời gian tổ chức với 290 tiết mục; ngoài ra còn có cuộc họp mặt đầu tiên của những nhà truyền giáo thời kỹ thuật số. Đức Giáo Hoàng đã đến thủ đô của Bồ Đào Nha để tham dự đại hội từ ngày 2.8, và quay về Rome vào chiều 6.8.
Trong bài giảng thánh lễ bế mạc ngày 6.8, tại công viên Tejo ở Lisbon, Ðức Phanxicô nói với đám đông khoảng 1,5 triệu người tham dự: “Hỡi các bằng hữu yêu quý, hãy cho phép cha, một người cao niên, chia sẻ với các bạn trẻ về giấc mơ mà cha luôn đau đáu: đó là giấc mơ về hòa bình, giấc mơ về những thanh niên cầu nguyện cho hòa bình, trải qua cuộc sống thời bình và xây dựng một tương lai trong cảnh bình yên. Khi quay về nước, hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình. Thêm nữa, các bạn là dấu hiệu của hòa bình cho thế giới này, hãy cho mọi người thấy rằng khác biệt về quốc tịch, ngôn ngữ và lịch sử vẫn cho phép con người đoàn kết thay vì chia rẽ. Các bạn là hy vọng mang đến một thế giới khác biệt”.
Ðức Thánh Cha cũng thông báo Ðại hội kế tiếp sẽ diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2027, đánh dấu lần đầu tiên lễ hội lớn của giới trẻ Công giáo thế giới quay lại châu Á, kể từ năm 1995. Khi ấy, hàng triệu người tham gia một trong những sự kiện lớn nhất dưới triều đại của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Manila (Philippines). Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Seoul sẽ diễn ra 4 năm sau Lisbon 2023, thay vì 3 năm thường lệ, do năm 2025 Rome sẽ tổ chức sự kiện thu nhỏ dành cho giới trẻ Công giáo thế giới nhân Năm của Hy vọng.
Công nghị Hồng y
Sáng 30.9.2023, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự công nghị thăng 21 hồng y, với sự hiện diện của khoảng 12.000 tín hữu. Ngài mời gọi các vị vừa được nhận mũ đỏ hãy tụ họp về “một dàn nhạc đang trình bày bản giao hưởng và sự hiệp hành của Giáo hội”. Tại kỳ công nghị thứ 9 kể từ khi Đức Phanxicô được mật nghị bầu chọn vào năm 2013, trong số 21 vị được vinh thăng, có 18 vị dưới 80 tuổi, tăng số lượng hồng y cử tri lên 136 vị, và tổng số thành viên của hồng y đoàn hiện là 241. Các vị đến từ châu Âu có tỷ lệ cao nhất trong số các hồng y cử tri (38%), châu Á chiếm tỷ lệ 16,1%, tăng đáng kể so với tỷ lệ 7,9% vào thời điểm Đức Phanxicô bắt đầu triều đại của ngài.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16
Ðại hội đồng lần thứ nhất của Thượng Hội đồng Giám mục “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” đã diễn ra từ ngày 4.10 đến ngày 28.10.2023. Thánh lễ bế mạc được tổ chức trọng thể ở Ðền thờ Thánh Phêrô vào ngày 29.10. Tham dự Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 có 464 vị, gồm hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đến từ khắp thế giới; trong số này, có 364 vị (54 phụ nữ) được quyền bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên có những tham dự viên không phải giám mục được bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng. Tại kỳ Thượng Hội đồng lần này, các tham dự viên ngoài những phiên làm việc toàn thể, và phiên làm việc theo nhóm (phân chia theo các ngôn ngữ: Anh, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Ý) đã cùng nhau tham dự các buổi cầu nguyện và thánh lễ.
Kết thúc kỳ công nghị, một Tài liệu Tổng hợp ghi nhận những đề xuất chính được thảo luận tại Thượng Hội đồng đã được trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Văn bản dài 42 trang bao trùm 20 chủ đề, từ “phẩm giá của nữ giới” đến “giám mục thành Rome trong Giám mục đoàn”. Trong mỗi chủ đề, “sự hội tụ”, “những vấn đề cần cân nhắc” và “những đề xuất” đã được đề cập. Tổng cộng hơn 80 đề xuất đã được Đại hội đồng phê chuẩn bằng cách bỏ phiếu, bao gồm đề nghị thiết lập “thừa tác vụ mới, theo Bí tích Rửa tội, để lắng nghe và đồng hành”, “khởi động các tiến trình phân định của sự phi tập trung hóa Giáo hội”, và tăng cường vai trò của Hội đồng Hồng y để phát triển thành “hội đồng hiệp hành để phục vụ sứ vụ Phêrô”. Tài liệu tổng hợp khuyến khích các Giáo hội địa phương thử nghiệm đối thoại theo cách “lắng nghe và suy ngẫm”, vốn được các tham dự viên áp dụng trong suốt gần 1 tháng tham gia Thượng Hội đồng Giám mục. Cũng theo văn bản này, tính hiệp hành sẽ được mời gọi áp dụng ở cấp độ khu vực, quốc gia và châu lục.
Tài liệu tổng hợp từ Đại hội đồng lần thứ nhất của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành sẽ là nền tảng cho Đại hội đồng lần thứ hai, dự kiến diễn ra vào tháng 10.2024.
Laudate Deum - “Hãy ca ngợi Chúa”
Lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi ngày 4.10.2023, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông huấn tiếp nối thông điệp Laudato si’ về môi trường, tựa đề Laudate Deum, tức “Hãy ca ngợi Chúa”. Laudate Deum bản tiếng Anh gần 8.000 chữ, chia thành 6 chương, được chuyển ngữ từ bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha. Tông huấn này được xem là phần tiếp theo của thông điệp Laudato si’ (Chúc tụng Chúa) lên tiếng cảnh báo “những hậu quả thảm khốc” nếu nhân loại tiếp tục phớt lờ mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Tám năm trôi qua kể từ khi bản thông điệp về môi trường được ra mắt công chúng, Đức Thánh Cha nêu lên một thực tế đáng báo động, “chúng ta hành động vẫn chưa tương xứng” với những quan ngại thực tế về sinh thái.
“Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức chủ yếu mà xã hội và cộng đồng toàn cầu đang đối mặt”, Đức Giáo Hoàng viết. Ngài giảng giải rằng nhóm các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất đang phải gánh chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu, và vấn đề khí hậu không còn là nghi vấn thứ yếu hoặc câu hỏi về ý thức hệ. Theo vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ, những hậu quả của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng rõ ràng hơn. Những bằng chứng có thể kể đến là các đợt sốc nhiệt, siêu bão, lượng mưa tương đương cả tháng hoặc cả năm trút xuống trong vài giờ, tình trạng băng lưỡng cực tan... Đức Phanxicô nhận định tất cả các hiện tượng này đều dẫn đến “những hậu quả khốc liệt cho mọi người”, không kể giàu nghèo.
“Không thể nào che đậy được sự tương quan giữa các hiện tượng khí hậu toàn cầu và sự gia tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt từ giữa thế kỷ 20”, Đức Phanxicô viết. “Đại đa số các nhà khoa học chuyên về khí hậu ủng hộ sự tương quan trên, và chỉ có một số vô cùng nhỏ các chuyên gia tìm cách bác bỏ chứng cứ đó”, Laudate Deum nêu rõ. Đức Thánh Cha ghi nhận những nỗ lực giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu trong những năm qua đạt được cả những tiến triển lẫn thất bại. Đức Phanxicô cũng cho rằng những sự sắp đặt ngoại giao trên toàn cầu về dài hạn đã thất bại, không đáp ứng được những thách thức trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ngài đề cập đến điều mà ngài mô tả là “những động lực tâm linh” cho hành động chống biến đổi khí hậu, lưu ý rằng sách Sáng Thế ghi lại, khi đã sáng tạo trời đất, muôn vật muôn loài, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”.
“‘Hãy ca ngợi Chúa’ là tựa đề của tông huấn này. Vì khi con người tuyên bố chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, họ trở thành những kẻ thù tệ hại nhất của bản thân”, Đức Thánh Cha kết luận.
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, “tin tưởng” và “tình yêu”
Ngày 15.10.2023, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông huấn về thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (Têrêsa thành Lisieux), nhân năm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vị nữ tu dòng Cát Minh người Pháp, tiến sĩ Hội Thánh. Tông huấn có tựa gốc được Đức Thánh Cha cố ý viết bằng tiếng Pháp, “C’est la confiance!” (Đó là sự tin tưởng): “Chỉ có sự tin tưởng, và ‘không gì khác’, không có con đường nào khác để dẫn đưa chúng ta đến với Tình Yêu trao ban tất cả”. Đức Phanxicô chọn công bố tông huấn mới vào lễ kính thánh Têrêsa Avila, một vị nữ tu khác cũng của dòng Cát Minh, để giới thiệu thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu “như là trái chín của những cải tổ ở dòng Cát Minh và của linh đạo của vị ‘Têrêsa lớn’ người Tây Ban Nha”.
“Trung tâm của đạo đức Kitô giáo là lòng bác ái, để đáp lại tình yêu vô điều kiện của Chúa Ba Ngôi”, “sau cùng, chỉ có tình yêu là quan trọng”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Ngài mời gọi mọi Kitô hữu đến với “con đường nhỏ” của thánh Têrêsa, “con đường của lòng tin và tình yêu”. Vị nữ tu dòng Cát Minh đã dùng hình ảnh của cầu thang “đưa con lên tận Trời, đó là tay của Người! Vì vậy, con không cần lớn lên, mà ngược lại, con phải bé mọn, càng ngày càng trở nên bé mọn”. Bé mọn, nhưng tin tưởng hoàn toàn vào vòng tay yêu thương của Chúa. Đó chính là “con đường dịu dàng của tình yêu” mà Chúa Giêsu đã mở ra cho những người bé mọn, người nghèo và cho mọi người. Con đường của niềm vui đích thực.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha trên quỹ đạo trái đất
Ngày 12.6.2023, từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg (California, Mỹ), vệ tinh Spei Satelles (Người Bảo vệ Hy vọng) đã được phóng thành công lên quỹ đạo Trái đất, mang theo “sách nano” (sách siêu nhỏ) ghi tập sách “Tại sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin sao?”, là lời ủi an và khích lệ các tín hữu của Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện tại Vatican vào ngày 27.3.2020 để khẩn cầu Chúa bảo vệ nhân loại trước đại dịch. Đây là chương trình do Bộ Truyền thông Vatican phối hợp thực hiện với Cơ quan Không gian Ý; Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ý (CNR); và Khoa Kỹ thuật Cơ học và Không gian thuộc Đại học Bách Khoa Turin. Sách nano do CNR chế tạo, chỉ có kích thước cỡ 2mm x 2mm, khắc lại bằng mã nhị nguyên tập sách “Tại sao các con sợ hãi? Các con không có đức tin sao?”. Bất kỳ ai có máy thu thanh phù hợp với chương trình phát sóng từ vệ tinh trên tần số 437,5 MHz đều có thể nghe các đoạn trích từ tập sách này của Đức Phanxicô khi vệ tinh Spei Satelles bay ngang qua - cụ thể là khi mặt trời mọc hằng ngày. Spei Satelles có thể bay trên quỹ đạo Trái đất tối đa 12 năm, nhưng máy phát sóng vô tuyến chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm vì bị những hạn chế về pin.
Tượng thánh Anrê Kim Taegon đặt ở Vatican
Tượng đá cẩm thạch của vị linh mục Hàn Quốc đầu tiên, thánh Anrê Kim Tae-gon (1821-1846), đã được chính thức công bố tại Ðền thờ Thánh Phêrô vào ngày 16.9.2023, nhân kỷ niệm 177 năm ngày thánh nhân tử đạo. Sự kiện ra mắt bức tượng cao 3,8m, trọng lượng 6 tấn, được tổ chức long trọng tại Đền thờ Thánh Phêrô, đánh dấu lần đầu tiên tượng của một vị thánh gốc châu Á được vinh danh và có vị trí vĩnh viễn ở khuôn viên của Đền thờ Thánh Phêrô, cụ thể là một ngăn trên bức tường bên ngoài. Thánh Anrê Kim Tae-gon cũng là thánh quan thầy của cộng đoàn Dân Chúa Hàn Quốc.
Là tác phẩm của điêu khắc gia người Hàn Quốc Han Jin-sub, tượng khoác trang phục truyền thống của đàn ông Hàn Quốc thời xưa là “dopo” và đội nón “gat”. Để hoàn thành bức tượng quý, ông Han đã hợp tác với nghệ nhân Ý Nicolas Stagetti đến từ thị trấn Pietrasanta ở Versilia, còn được biết đến là “thủ đô của ngành điêu khắc thế giới”. “Sau khi nhận được trọng trách từ Tòa Thánh, tôi tìm kiếm thông tin để tạo ra hình ảnh về thánh nhân. Tôi trình một số bản phác thảo và phía Tòa Thánh chọn phiên bản thánh Anrê Kim Tae-gon trong trang phục truyền thống của dân tộc Hàn, với tư thế mở rộng vòng tay”, nhà điêu khắc cho biết.
NHIÊN MINH
Bình luận