Bài báo có tựa đề “Khoe Chúa” trên báo Công giáo và Dân tộc số 2457 kể về đôi vợ chồng đã vượt qua những trở ngại trong cuộc đời để đến sống hạnh phúc với nhau. Xác tín điều đang được hưởng là hồng ân của Thiên Chúa, họ luôn mang tâm tình tạ ơn. Thay vì đeo trang sức vàng bạc, họ đeo trên cổ chuỗi Mân Côi làm bằng nhựa, để “Con chẳng có gì để khoe, nên con khoe Chúa của con”.
“Khoe Chúa của con” qua chuỗi Mân Côi bằng nhựa, một vật bình thường mà ai cũng có thể có được. Ở đây, hình ảnh này gợi lên nghĩ suy, đó là Thiên Chúa được biết đến từ những điều bình thường mà mỗi Kitô hữu thực hiện với niềm tin.
Trong cuộc sống có biết bao điều bình thường vốn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong gia đình là đạo hiếu; trong xã hội là mối tương quan huynh đệ, tình người; nơi học đường là việc tôn sư trọng đạo; nơi công sở, xí nghiệp là bổn phận của người làm việc… Tất cả đều là những điều phải giữ và phải sống, vì đó những con đường, những phương tiện để nói về Thiên Chúa.
Trong thời dịch Covid-19, biết bao những điều bình thường của cuộc sống nhân văn như chia sẻ bữa ăn cho người nghèo, chăm sóc bệnh nhân, nâng đỡ người vô gia cư…, đã trở thành những nét son vẽ lên khuôn mặt nhân ái của Giáo hội, của Đức Giêsu. Trong một dịp tiếp xúc với những tín hữu tham gia phòng chống dịch Covid-19, Ðức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Ðại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam, nói rằng ngài rất xúc động trước sự chung tay của hàng ngũ tu sĩ, giáo dân trong đại dịch, và đã nhấn mạnh: “Ðây là những trải nghiệm rất tuyệt vời. Ðiều đó cho thấy Giáo hội tại Việt Nam có khả năng đọc được dấu chỉ của thời đại một cách hiệu quả. Và tôi muốn qua những hình ảnh này, Tòa Thánh sẽ thấy Giáo hội tại Việt Nam là một Giáo hội trẻ, đầy sức sống và rất nhiệt thành. Anh chị em đã can đảm làm chứng tá phục vụ trong những tháng ngày vừa qua, những gì đã làm cho các bệnh nhân Covid-19 cũng như những người đã qua đời, là anh chị em đã phục vụ cho Ðức Kitô”.
Bao người thường được nghe giảng giải là phải giữ đạo và sống đạo. Giữ đạo ở đây thường được hiểu là cử hành niềm tin Kitô giáo qua các nghi lễ, các việc đạo đức, các buổi đọc kinh tại nhà thờ và trong gia đình, giữ các điều luật Chúa và Hội Thánh dạy... Còn sống đạo là sống niềm tin Kitô giáo trong cuộc sống thường ngày với một công việc, một nghề đã chọn để làm kế sinh nhai…, được gọi là sống ơn gọi. Chính vì thế mà trong đời sống xã hội, có những Kitô hữu sống ơn gọi làm người nông dân, làm công chức, nhà giáo, nhà doanh nghiệp… một cách hết mình, hết sức lực, tựa như người biết sinh lãi nén vàng được trao.
Chính trong sự dấn thân tích cực để sống cuộc sống thường ngày, người tín hữu sẽ được đặt trước những đòi hỏi của lòng tin, và lời dạy của Chúa, của Giáo hội… trong những trường hợp cụ thể của cuộc sống thường ngày, để làm rõ nét khuôn mặt Đức Giêsu trong từng công việc của mỗi người.
Quốc Việt
Bình luận