Một ngày gần cuối tháng 4 vừa rồi, tôi gởi qua Zalo cho linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tấm ảnh cũ của cha, một tấm ảnh trắng đen mà phóng viên báo Công giáo và Dân tộc đã chụp cha từ năm 1976 để đăng trong một bài báo. Ảnh này đã được anh Phó Tổng Biên tập tìm thấy trong kho tư liệu của báo. Cha Sơn đã rất xúc động, gởi lời cảm ơn và nhắn rằng: “Tấm ảnh rất quý, ngay cả cha cũng không có…”.
Mấy hôm sau, chúng tôi hẹn nhau đến thăm cha và anh Phó Tổng Biên tập đã trao tặng cha khung ảnh lamina bức hình “lịch sử” đã được làm lại trang trọng. Trong ảnh, cha Sơn mặc áo bảo hộ lao động, có cài chiếc thánh giá nhỏ, đang đứng cạnh máy in, kiểm tra bản in thử.
Bức ảnh của Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn từ năm 1976 |
Gần 50 năm về trước, sau khi chịu chức linh mục (ngày 22.12.1974), cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn từ Giáo hoàng học viện Thánh Piô X Đà Lạt lặn lội về Sài Gòn, nhưng lúc này cả gia đình cha đã di tản hết. Cha ở lại trụ sở giáo phận Bùi Chu ở số 1B Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Bởi vậy mới có cảnh sáng sáng, khi bộ đội tập hợp trước sân chào cờ thì cha mặc áo chùng thâm đi bộ sang nhà thờ Huyện Sĩ dâng lễ. Cha làm công nhân sắp chữ trong nhà in LIKSIN (nhà in Nguyễn Bá Tòng) ngay từ năm 1975, với tay nghề bậc 5/7. Chị Nguyễn Nương Minh Hương, một nữ họa sĩ Công giáo làm trên phòng kỹ thuật ngày đó lần nào bình bầu thi đua cũng bức xúc khi cha chỉ được xếp hạng B, dù rất tận tâm trong công việc chuyên môn. Lý do là “anh Sơn xin nghỉ có việc”, “anh Sơn vắng mặt trong cuộc họp”, “anh Sơn không tham gia phong trào”… (đó là lúc cha bận việc mục vụ bác ái của bề trên giao).
Mười tám năm làm việc ở LIKSIN, cha trở thành thợ sắp chữ máy và sắp chữ điện tử bậc 7/7, là chuyên viên ngành in bậc 6/8. Và có chuyện độc đáo: một linh mục làm giảng viên ở 3 trường đại học: khoa Kỹ thuật In của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Kiến trúc và khoa Ngữ văn Báo chí thuộc Đại học Tổng hợp TPHCM.
Ryszard Kapuscinski (4/3/1932 - 23/1/2007), một nhà văn, nhà báo Ba Lan xuất chúng thế kỷ XX có câu nói vui: “Nghề báo chúng tôi như thợ làm bánh, sản phẩm chỉ thơm ngon lúc còn nóng hổi, sau 2 ngày thì cũ mèm và sau 1 tuần thì… biến mất”. Thế nhưng, trong bức ảnh này, những câu chuyện, hình ảnh, âm thanh và các mối quan hệ đã được lưu giữ lại trong ký ức của mọi người rất lâu.
Bs Lan Hải
Bình luận