Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước đây, ngày 15.2.2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 với mục tiêu kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự, an toàn giao thông và công cộng trên địa bàn. Hơn một năm qua, kế hoạch này đã được triển khai một cách mạnh mẽ, với nhiều đợt kiểm tra và xử lý đồng loạt…
Kết quả ban đầu là sự thoáng đãng, sạch đẹp của nhiều vỉa hè tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài. Việc lấn chiếm vẫn xuất hiện tại nhiều tuyến phố. Chỉ cần lực lượng trật tự rời đi là nhiều quán trà đá, quán cóc, quán ăn nhanh và các cửa quầy quần áo di động lại mọc ra… Tình trạng này có thể nói như “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”.
Dù đã có các biện pháp và quy định, việc lấn chiếm vỉa hè vẫn còn những khó khăn. Bởi nơi đây đã và đang là chỗ kiếm cơm sinh nhai của nhiều hộ gia đình. Nhiều cha ông, bố mẹ đã bám vỉa hè để sinh sống. Mặt khác, người ta thường nói Hà Nội có “văn hóa vỉa hè”, người dân thích ngồi ở đó hơn vào tiệm, thích tranh thủ rảnh rỗi để tận dung kinh doanh như vá xe, sửa khóa, bán nước, rau dưa cà muối… Những nhịp sống sinh hoạt thị dân gắn với vỉa hè như là một thói quen ăn vào máu, rất khó bỏ…
Vỉa hè không được thông thoáng là vì người dân vẫn còn coi “là của mình”, thuận tiện cho việc buôn bán mà lại chi rất ít cho việc “thuê mặt bằng”. Điều này gợi lên cần phải có quy định, nếu không muốn nói là cấm triệt để việc dùng không gian công cộng. Cũng không thể coi đây là nét văn hóa khi vỉa hè trở nên lộn xộn và mất kiểm soát. Thật là khó coi khi có nơi vốn đã hẹp lại trở thành “quán ăn”; thực khách lẫn người bán hễ thấy bóng dáng công an, dân phòng... là bưng bát chạy…
Người dân, đặc biệt là những người đang sử dụng vỉa hè, cần học cách để trở thành những công dân hiện đại, để không chỉ “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, mà còn góp phần làm đẹp Hà Nội.
Ngô Quốc Đông
Bình luận