Hàng thủ công vốn là sở trường của người Việt qua dấu ấn các làng nghề từ thời xa xưa. Thế giới biết đến, yêu thích Việt Nam có phần góp vào từ sức hấp dẫn của những sản phẩm này, hình thành từ bàn tay khéo léo, khối óc tinh tế của người Việt. Và nếu nói đó là một nét trong bản sắc văn hóa Việt cũng không có gì sai.
Có một thời, chính người Việt đã xao nhãng, quay lưng lại với bản sắc đẹp đẽ này, nhiều làng nghề thủ công nguội lạnh, sản phẩm trên thị trường nội địa cũng ít đi dần. Sự ưa tiện, rẻ, “hiện đại” trong tâm lý của người tiêu dùng với hàng hóa công nghiệp đã triệt tiêu dần sức phát triển của các làng nghề thủ công khắp Bắc, Trung, Nam. Không ít người thừa nhận, lúc trước trong nhà có đồ tre nan nhiều và sành sứ nữa, rồi đến thời nhìn lại nhận ra toàn hàng nhựa, kim loại… Có nhà trong gian bếp chỉ thấy rổ nhựa, lồng bàn nhựa, đến chén, đũa cũng bằng nhựa. Dễ hiểu thôi, các loại hàng gia dụng sản xuất từ nhựa với giá rất rẻ, có kho giá nhất loạt chỉ 10.000 hay 15.000 đồng cho một món, khiến chị em ra chợ đều tấp ngang lựa vài thứ cho dù ở nhà đã có đủ.
Nếu chăm chăm nhìn vào tiêu chí rẻ để mua hàng, hẳn đồ thủ công… hết đất sống, bởi không thể ngày đêm cắm cúi đan cho xong mấy chiếc cần xé, thúng, vót trăm đũa, đắp mấy cái lò đất… lại bán với giá bèo như khi sản xuất hàng loạt đồ nhựa hay kim loại thứ cấp. Hàng thủ công sống được, thịnh đạt nhờ vào óc tinh tế của người dùng, sự tri âm của khách hàng và người thợ thủ công.
May mắn thay, trào lưu ưa sự rẻ cũng nhạt dần, đã nhận ra sự quay lại với hàng thủ công trong tiêu thụ nội địa, bắt gặp ngày càng nhiều hơn các sản phẩm thủ công truyền thống được vận chuyển, bày bán và ở trong mỗi mái ấm gia đình. Nếu có dịp ngắm các gian hàng thủ công ở sân bay quốc tế, hay các khu du lịch, sẽ nhận ra từng sản phẩm, nhãn hàng được trân trọng như thế nào qua cách trưng bày sang trọng với mức giá tính bằng đô la. Ngoài tính cá thể cao do chăm chút của từng bàn tay thợ, hàng thủ công được đề cao trong bối cảnh nhiều người đang tìm đến những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mới đây, người viết thong dong tản bộ trên cung đường đẹp mang tên Pasteur ngay trung tâm Sài Gòn, thích thú dừng ngắm mấy chiếc xe chở cồng kềnh hàng thủ công dưới tán me xanh mát. Giữa thành phố hoa lệ, những món hàng tinh tế được làm bằng tre trúc, bày bán mà cứ như trưng bày triển lãm sản phẩm từ các làng quê.
Trở về quê, trên các sông rạch miền Tây, những ngôi chợ lớn nhỏ đã dần quay lại sự neo đậu của xuồng ghe chở hàng thủ công, các sạp hàng dã chiến rao mời “đũa Tây Ninh”, “dao Ngan Dừa”… Một anh bạn ở Cần Thơ khoe cả một kệ đồ thủ công đã tậu được trưng ngay gian trước nhà, nào là rổ, thúng, lồng bàn bằng tre… Lẽ ra các món ấy ở gian bếp, nhưng chủ nhân thích thú bày biện cứ như bộ sưu tập quý vậy.
Một khi đã được yêu thích, trân quý, hàng thủ công Việt tất sẽ tìm lại được thời vàng son của mình, do giá trị tự thân của từng món hàng, nhìn từ nhiều góc độ: thẩm mỹ, thân thiện với người dùng và môi trường phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững; đồng thời góp phần duy trì một nét văn hóa truyền thống ở các làng quê, phục vụ du lịch…
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận