Phòng Thương mại Quốc tế (trụ sở Pháp) công bố báo cáo ước tính thế giới trong thập niên qua đã tổn thất 2.000 tỷ USD vì thời tiết cực đoan, với Mỹ đứng đầu danh sách thiệt hại.
Từ ngày 11-22.11, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan), tập trung vào 3 định hướng chính là giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và vận động tài chính giảm thiểu hậu quả cho các nước nghèo. Trước thềm COP29, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã công bố báo cáo tổn thất về thời tiết cực đoan trong một thập niên qua.
Vấn đề của thực tại
Báo cáo mới phân tích tổng cộng 4.000 sự kiện thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ lũ quét tức thời cuốn trôi nhà cửa đến tình trạng hạn hán kéo dài gây tàn phá cho đồng ruộng vài năm liên tiếp. Và chỉ trong 2 năm gần đây, thiệt hại kinh tế đến từ thời tiết cực đoan là 451 tỷ USD, theo tờ The Guardian. Những con số trong báo cáo phản ánh tổng thiệt hại đến từ những sự kiện khắc nghiệt và được đưa ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục tranh luận số tiền nhóm nước giàu cần phải đóng góp để hỗ trợ nhóm nước nghèo bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu. “Dữ liệu trong thập niên qua cho thấy, biến đổi khí hậu chắc chắn không phải là vấn đề của tương lai. Ngay tại đây, vào thời điểm này, các nền kinh tế thực sự hứng chịu tổn thất lớn từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”, theo ông John Denton, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế.
Báo cáo ghi nhận xu hướng tăng dần của mức độ tổn thất từ năm 2014 đến 2023, với sự tăng vọt vào năm 2017, khi mùa bão dữ ập đến Bắc Mỹ. Đứng đầu danh sách các quốc gia bị tổn thất kinh tế trong vòng 10 năm qua là Mỹ với 935 tỷ USD, kế đến là Trung Quốc (268 tỷ USD) và Ấn Độ (112 tỷ USD). Đức, Áo, Pháp, Brazil đều nằm trong nhóm 10 bị ảnh hưởng nặng hàng đầu. Nếu tính theo tổn thất kinh tế lớn nhất bình quân trên đầu người, những hòn đảo nhỏ như Saint Martin và Bahamas đứng đầu, cho thấy nguy cơ luôn chực chờ đối với những khu vực nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Xu hướng mới
Nước, lửa, gió và sức nóng trong thời gian qua đã gây ra nhiều tổn thất kinh tế cho các chính phủ toàn cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng giàu hơn, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn và ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch theo đó càng trầm trọng. Thế nhưng, phải chờ đến những năm gần đây, các nhà khoa học mới có thể xoay xở đo lường được cụ thể vai trò của con người khi liên kết những sự kiện thời tiết cực đoan với tình trạng Trái đất ấm dần lên. Các chu kỳ thời tiết bị phá vỡ đã chịu trách nhiệm cho hơn phân nửa trong số 68.000 trường hợp tử vong do sốc nhiệt trong giai đoạn châu Âu trải qua mùa hè nóng cháy vào năm 2022, theo một báo cáo công bố hồi tháng 10. Và một báo cáo khác cũng quy kết trách nhiệm cho sự thay đổi khí hậu khi miền trung châu Âu phải đối mặt lượng mưa cao bất thường vào tháng 9 năm nay.
Ông Ilan Noy, nhà kinh tế thiên tai của Đại học Victoria (New Zealand) và độc lập với báo cáo của ICC, nhận xét các con số trên tương đồng với cuộc nghiên cứu trước đó do ông thực hiện. Thế nhưng, ông cho rằng số liệu chỉ phản ánh được một phần của vấn đề. “Điều đáng lưu ý là các con số trên không thực sự thể hiện đầy đủ mức độ tác động đối với những cộng đồng nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương”, theo nhà kinh tế học. Một báo cáo do ông Noy làm đồng tác giả công bố năm 2023 ước tính tổn thất do thời tiết cực đoan gây ra do biến đổi khí hậu là 143 tỷ USD/năm, chủ yếu tổn thất đến từ mất mát về nhân mạng. Dù vậy, báo cáo vẫn xảy ra tình trạng thiếu dữ liệu, đặc biệt là về châu Phi. “Đa số các đo lường về thiệt hại được tính toán ở các nước có thu nhập cao, khi mà giá trị tài sản được định giá cao hơn và tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt được tính cao hơn nhiều”, ông Noy lý giải. Tuy nhiên, rõ ràng là tổn thất về nhà cửa và sinh kế ở các cộng đồng nghèo thuộc các nước nghèo lại mang đến ảnh hưởng lớn hơn về dài hạn so với các nước giàu, nơi nền kinh tế ổn định và chính phủ có điều kiện trợ giúp tài chính cho vùng gặp thiên tai, giúp phục hồi hiệu quả hơn.
ICC thúc giục các lãnh đạo thế giới hãy hành động nhanh chóng hơn để rót tài chính cần thiết cho các nước nghèo, cho phép những nước này cắt giảm ô nhiễm và phát triển theo hướng có thể chống chịu những cú sốc về thời tiết cực đoan. Tổng thư ký Denton của ICC nhắc nhở việc tài trợ cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển không nên xem là sự hào phóng của các nước giàu. Đây được xem là khoản đầu tư để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, mang đến lợi ích cho tất cả các bên.
HỒNG HOANG
Bình luận