Ở Việt Nam hiện nay có trên dưới 30 phong trào tông đồ giáo dân. Tùy từng giáo phận mà các hội đoàn hiện diện nhiều hoặc ít, song những phong trào này đang ngày càng có nhiều đóng góp dựng xây Giáo hội địa phương và xã hội.
KIẾN TẠO NHỮNG NHỊP CẦU
Linh mục Antôn Hà Văn Minh (Chánh xứ Chánh tòa, giáo phận Phú Cường): Việt Nam như mảnh đất phì nhiêu đã rộ nở nhiều đoàn thể tông đồ giáo dân. Giáo hội Việt Nam nổi tiếng về sinh hoạt các phong trào thuộc tông đồ giáo dân rất đông đảo. Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, các đoàn thể tông đồ giáo dân đã đóng góp nhiều trong việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong việc tiếp xúc với các tôn giáo bạn, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Qua những cuộc tiếp xúc, thành viên các đoàn thể tông đồ giáo dân đã kiến tạo một nhịp cầu hiểu biết lẫn nhau, xóa bỏ mọi đố kỵ, hiểu lầm, mang lại nhiều lợi ích trong việc phục vụ cho Tin Mừng. Có thể nói, mặt bằng về kiến thức giáo lý đức tin của người giáo dân Việt Nam tương đối thấp, nhưng tâm tình đối với đức tin thì đầy nhiệt huyết. Họ nhiệt thành tham gia vào các hoạt động tông đồ giáo dân trong các đoàn thể. Các sinh hoạt đoàn thể tông đồ có mục đích tạo điều kiện cho giáo dân ý thức được vai trò của mình trong đời sống Giáo hội, khích lệ việc tham gia vào công việc loan báo Tin Mừng. Để thực hiện được điều đó, trước tiên các đoàn thể tông đồ phải lo nuôi dưỡng lòng đạo đức, và tinh thần yêu mến Giáo hội của người giáo dân. Việc nuôi dưỡng này thường được thực hiện qua các buổi cầu nguyện bằng các hình thức lòng đạo đức bình dân. Chính hình thức cầu nguyện này là động lực thúc đẩy công cuộc rao giảng Phúc Âm.
SỨC SỐNG CỦA XỨ ĐẠO
Chị Nguyễn Thị Liễu (giáo xứ An Lạc, TGP TPHCM): Sự hiện diện của các hội đoàn trong xứ đạo làm cho giáo xứ có sức sống. Vì xứ đạo không chỉ quy tụ bà con đi lễ rồi về mà còn các sinh hoạt khác. Tôi tham gia hội Các Bà mẹ Công giáo và hội Legio nhiều năm nay. Các hoạt động kinh nguyện, thăm viếng lẫn nhau giúp các thành viên chúng tôi nối kết, tình nghĩa. Tôi cho rằng các hội đoàn Công giáo cũng có ý nghĩa như những đoàn thể xã hội, đều mang tới không gian lành mạnh, bổ ích và hơn nữa là giúp cùng nhau sống đức tin.
GÓP PHẦN VÀO TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Ông Nguyễn Quốc Khánh (giáo xứ Phú Hòa, TGP TPHCM): Tôi tham gia một huynh đoàn thuộc tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam. Huynh đoàn tập trung các anh chị em văn nghệ sĩ, họa sĩ Công giáo cùng sinh hoạt đồng hành trong tinh thần hướng tới chân - thiện - mỹ, giúp nhau thăng tiến đời sống thiêng liêng, để cùng nhau “nên thánh” giữa đời. Khi các thành viên quy tụ, đi với nhau trong ơn gọi của mình, chúng tôi xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, sẻ chia niềm đam mê nghề nghiệp, làm đẹp cuộc sống bằng sở trường, khả năng của mỗi người và hơn thế, làm cho đời sống đạo ngày càng phong phú, sốt mến… Theo tôi, sự gắn kết cùng hướng tới mục đích chung tốt đẹp ở cộng đoàn đã thể hiện rõ nét tinh thần hiệp hành, góp phần vào tiến trình hiệp hành chung của Giáo hội.
SỰ ĐÓNG GÓP PHONG PHÚ
Anh Nguyễn Anh Vũ (giáo xứ Văn Côi, TGP TPHCM): Giáo hội ở Việt Nam có nhiều hội đoàn và nhiều phong trào giáo dân, quy tụ được những tín hữu nhiệt thành. Không chỉ nhiệt tâm trong những sinh hoạt thiêng liêng - điều tiên quyết của người giáo hữu, các hội đoàn, phong trào còn có nhiều đóng góp trong lãnh vực bác ái từ thiện, xã hội dân sinh, y tế… Thực tế cho thấy, các thành viên tham gia hội đoàn hoặc phong trào giáo dân đều trên tinh thần tự nguyện, gắn bó. Vì vậy, dù là thừa tác viên, người trực phòng thánh, là ca viên, thành viên các hội Legio Mariae, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm…, mỗi người đều ý thức làm tròn trọng trách trong khả năng Chúa ban; đồng thời tích cực cộng tác với hàng giáo sĩ để trở thành cánh tay nối dài của Chúa trong lòng Giáo hội. Thiết nghĩ, chính nhờ sự góp sức đó đã tạo nên sự đa dạng trong đời sống đạo đức của người tín hữu Việt Nam nói riêng, trong sứ mạng sống đạo giữa đời nói chung.
HIỆP HÀNH ĐỠ NÂNG NHAU
Anh Nguyễn Văn Phúc (giáo xứ Mặc Bắc, giáo phận Vĩnh Long): Tôi thấy các hội đoàn cần thiết, mỗi một hội tùy theo đặc thù có những ý nghĩa riêng. Có hội hướng tới nâng đỡ tâm linh, cũng có các nhóm làm việc để đỡ nâng phương diện đời sống vật chất rất thiết thực như Caritas ở từng giáo xứ, giáo phận. Xung quanh chúng ta có những người nghèo. Thật đẹp những hình ảnh trao tặng học bổng, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó, hỗ trợ áo quan cho người nghèo mới qua đời, góp tiền biếu các cụ già, hay cho trẻ em miền cao tấm áo mùa đông… Nhiều câu chuyện về sự hiệp hành, sẻ chia đã được truyền thông biết tới và lan tỏa. Theo tôi, riêng Caritas đang làm tốt vai trò của mình, chỉ có điều tùy theo giáo xứ, giáo phận, có nơi hoạt động mạnh mẽ, có nơi còn khiêm tốn.
VÌ THIỆN ÍCH CHUNG
Chị Nguyễn Phương Uyên (giáo xứ Đa Minh, giáo phận Xuân Lộc): Phong trào giáo dân, hiệp hội tín hữu và các nhóm khác trong Giáo hội được khuyến khích tham gia vào tiến trình hiệp hành trong bối cảnh của các Giáo hội địa phương. Do đó, tùy đặc điểm mỗi nơi mà các hiệp hội, phong trào giáo dân sẽ có hoạt động cụ thể sát với nhu cầu ở nơi đó, góp phần đem lại sự sinh động cho Giáo hội. Chúng ta có thể tham gia với vai trò cá nhân hoặc góp vào tập thể. Trong khả năng của mình, tôi tham gia ca đoàn và giáo lý viên. Từ góc độ hiệp hành ở hai hội đoàn, tôi cảm nhận khi phục vụ vì thiện ích chung, bản thân cũng thu về cho mình được ích lợi riêng. Việc tham gia các công việc phục vụ có tính tập thể làm rõ được sự hiệp thông trong Giáo hội vì tính liên đới giữa mọi người với nhau. Việc quy tụ trong một tập thể giúp ích cho đời sống cá nhân và giúp thúc đẩy cá nhân.
“Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ quy tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với hàng giáo phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Thật đáng kính trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo hội cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình, cũng như trên địa hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn Công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo hội mới thành hình”, (trích Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 20, 22). Nhóm p |
Phóng viên (thực hiện)
Bình luận