Trong thông điệp nhân Ngày Thủy sản Thế giới 21.11 vừa qua, Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng suy thoái môi trường biển do các hoạt động kinh tế thiếu bền vững. Điểm nhấn quan trọng là nhắc nhở chuyện bảo vệ tài nguyên biển, mời gọi đánh bắt thủy hải sản có trách nhiệm.
Tại Việt Nam, điểm qua các xứ đạo vùng ven biển, hoặc các họ đạo miền nhiều kênh rạch, sông suối, ao hồ…, thi thoảng vẫn thấy có các hoạt động hướng đến môi sinh như thu dọn rác trên bãi biển của Caritas Thanh Hóa, của một vài giáo xứ gần biển thuộc giáo phận Đà Nẵng; dọn rác, vớt lục bình trên các kênh rạch ở Cái Sắn - giáo phận Long Xuyên… Tuy nhiên, đây chỉ mới là một phần nhỏ trong bức tranh lớn. Vì vậy nên thông điệp của Giáo hội hoàn vũ nêu ở trên vẫn rất thời sự và cần thiết. Câu chuyện này sẽ không bao giờ là quá muộn vì ảnh hưởng đến sinh kế của những người sống nhờ vào sông hồ, biển cả.
Trước đây ra đồng có thể dễ dàng bắt được cá, nhưng bây giờ điều này là rất hiếm vì thuốc trừ sâu và nạn xuyệt điện hủy diệt đến cả trứng và ấu trùng; trên các sông hồ rất ít khi đánh bắt được cá lớn như xưa; tại nhiều kênh rạch nằm gần những khu dân cư, cực khó để tìm được một con cá trên một ký. Tất cả có nguyên nhân từ việc khai thác, đánh bắt vô tội vạ, quay mặt với tự nhiên, gây hại cho cộng đồng, cho cả chính gia đình và con cháu sau này của mình. Việc ngư dân sử dụng ngư cụ cấm, ngư cụ có tính tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới giã cào, dùng mắt lưới nhỏ vét hết những gì lọt vào… đang khá phổ biến. Tình trạng đánh bắt cá con ở vùng biển ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển vẫn tiếp diễn khó kiểm soát, và chuyện đánh bắt, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn xảy ra…, làm ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản ở các dòng sông, khu vực biển, thậm chí gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Dù đã có các luật lệ nhà nước quy định, nhưng xem ra sự chấp hành chưa cao. Vậy nên, một khi Giáo hội toàn cầu đã có những đánh động, thì Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, nơi có 8 triệu giáo dân - với rất đông trong số đó sống bằng nghề chài lưới - cũng cần góp phần cùng xã hội cụ thể hóa hơn những giáo huấn gây ý thức trong dân chúng, không chỉ bàng bạc hoặc phớt qua trong các bài giảng, buổi nói chuyện, mà còn phải làm sao để giáo dân gắn công việc mình với lòng bác ái và đức công bằng Kitô giáo.
Thông điệp “đánh bắt có trách nhiệm” được lan tỏa từ môi trường xứ đạo cũng gợi nhớ đến lời Chúa trong Tin Mừng: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”. Lẽ tất nhiên, theo nghĩa thần học, chúng ta hiểu câu này đề cập đến việc đừng ngần ngại ra khơi, tiến tới nơi nguy hiểm… để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa cho mọi người. Nhưng trong dòng liên tưởng về việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, “chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” còn có thể liên tưởng đến lý lẽ “cá nhỏ thường ở theo bờ, cá lớn thì ở chỗ nước sâu”, do đó, muốn lưới nặng, cá đầy và có nguồn cung cấp bền vững, đòi hỏi người thả lưới phải can đảm hy sinh cái lợi trước mắt, dấn thân vì môi trường và vì thế hệ tương lai!
Diên Vĩ
Bình luận