Đi tìm gương mặt Giêsu trong bão lũ

Bão số 3 và lũ lụt khủng khiếp diễn ra liền sau đó, khiến một số tỉnh miền Bắc chìm trong tang thương. Thống kê ban đầu, có hơn 350 người chết hoặc mất tích, 1.922 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 32.787 tỷ đồng. Các thành phần xã hội đã và đang ráo riết chung tay khắc phục hậu quả bão lũ. Những khoản đóng góp, các phần lương thực, thực phẩm, thuốc men… đã được hỗ trợ tận tay đồng bào. Hơn lúc nào hết, người Công giáo tại Việt Nam trong những ngày này cùng sống tình hiệp thông, sẻ chia với tha nhân trước cảnh đau thương bằng những hành động thiết thực…

Thiếu nhi giáo xứ Tân Thái Sơn gởi phần tiết kiệm của mình.jpg (351 KB)
Thiếu nhi giáo xứ Tân Thái Sơn đóng góp phần tiết kiệm của mình giúp bão lũ miền Bắc

GIÁO DÂN MẠNH MẼ CHUNG TAY

Hàng loạt giáo phận trong Nam, ngoài Bắc ra thông báo kêu gọi giáo dân cầu nguyện, rộng tay góp tiền giỏ trong các ngày lễ làm thành quỹ riêng cho hoạt động cứu trợ. Tổng Giáo phận TPHCM, các giáo phận Xuân Lộc, Kon Tum, Cần Thơ, Bà Rịa, Phú Cường, Ban Mê Thuột… khắp miền xuôi lẫn miền ngược nhất loạt hưởng ứng. Trong thư gởi tới giáo hữu, các vị chủ chăn nhắn nhủ, hãy sống tình bác ái giữa cơn nguy nan; hãy đi tìm gương mặt Chúa giữa dòng đời qua những việc đỡ nâng vật chất, tinh thần anh chị em đồng bào mình đang gặp cảnh màn trời chiếu đất. Ngay trong thánh lễ truyền chức linh mục giáo phận Xuân Lộc ngày 7.9.2024, Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục giáo phận, nơi có số giáo dân đông nhất tại Việt Nam đã nhắn gởi các cha xứ “nhận tất cả các tấm lòng của anh chị em, để giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu, miễn là nhanh chóng nhất” bởi tình thế gấp rút. Hay Đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, chủ chăn giáo phận Kon Tum, một vùng đất còn nhiều khó khăn cũng đã gọi mời tha thiết những người con núi rừng “giúp đỡ phải kịp thời, nếu đánh mất thời điểm thì sự giúp đỡ cũng mất đi ý nghĩa…”. Còn Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giáo phận Phú Cường gởi tới anh chị em, kể cả những tín hữu di dân, xa quê đang sống tại địa phận những ý niệm giá trị về sự cần thiết rộng đôi tay lúc này: “Lời Chúa dạy chắc hẳn vẫn luôn vang vọng trong tâm khảm mỗi người về tình liên đới, san sẻ trong bác ái yêu thương, nhất là những ai đang cần đến sự trợ giúp. Tinh thần đó càng gần gũi với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”.

Không đứng ngoài cuộc, các xứ đạo, dòng tu đã quyên góp, ủng hộ ngay lập tức cả trong và sau cơn bão. Tại rất nhiều giáo xứ trong toàn quốc, chương trình Trung Thu, giải trí vui chơi ngay lập tức đình lại. Ngày Tết của thiếu nhi diễn ra nhẹ nhàng, giản dị hơn để nhường các kinh phí cho việc cứu trợ cấp bách. Đơn cử tại xứ Thánh Tâm, TGP TPHCM, cha xứ ra thông báo “sẽ trao quà cho thiếu nhi và dừng các hình thức văn nghệ, giải trí khác. Mọi hoạt động lúc này ưu tiên hướng về miền Bắc”. Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng muốn chung phần, góp sức nhỏ của mình mong giúp ít nhiều những người bạn đồng trang lứa ngoài miền Bắc xa xôi đang chịu cảnh tang thương. Đã có không ít hình ảnh được ghi lại cảnh các em thiếu nhi đóng góp rất xúc động ngay tại thánh lễ. Giáo xứ Tân Định thuộc TGP TPHCM đã thông báo trong các thánh lễ Chúa nhật ngày 15.9 là sẽ quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Bắc đang gặp hoạn nạn. Riêng ban giáo lý thiếu nhi của giáo xứ đã gởi toàn bộ số tiền dành cho việc bác ái cuối năm học 2024 - 2025 là hơn 80 triệu đồng để giúp khẩn cấp trong đợt lạc quyên đầu tiên của xứ. Giáo xứ Gò Xoài, giáo phận Xuân Lộc quyết định dùng toàn bộ số tiền dự kiến chi cho múa lân cùng với tiền bán vé ẩm thực trong đêm Trung Thu để gởi đi. Các chương trình vận động được sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn thể, giáo dân. Tại giáo xứ Long Thạnh Mỹ, TGP TPHCM, cha xứ, Hội đồng Mục vụ, ban Caritas, các nữ tu hội dòng đang phục vụ tại giáo xứ đã trực tiếp đứng nhận cứu trợ từ bà con sau mỗi thánh lễ. Ở miền Tây sông nước xa xôi, cha Giuse Nguyễn Văn Trực, chánh xứ Bến Bàu, giáo phận Cần Thơ, mấy hôm nay cùng với ban hành giáo đến từng nhà, xin ủng hộ để tranh thủ gởi về Tòa Giám mục. Dù đời sống bà con vẫn còn nhiều khó nhọc, song với việc bác ái, vẫn luôn sẵn lòng. “Người miền Tây là vậy, hào sảng, rộng rãi. Anh chị em mình không ngại, nhín nhút chút tiền, để góp phần vào việc chung bởi ai cũng thấy thương tâm, đồng cảm”, cha nói.

Các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình đã gởi hàng chục tấn hàng cứu trợ là những nhu yếu phẩm, nông sản Tây Nguyên liên tiếp trong những ngày qua ra miền Bắc… Thoáng qua đời sống nhà đạo, bầu khí chung lúc này dường như có phần lắng lại, tạm gác các chương trình sôi động hay dự án thường niên khác mà nhường chỗ để làm chuyện nghĩa tình…

NHỮNG CHUYẾN XE KHẨN CẤP

Ngay sau cơn bão, những chuyến xe từ miền Trung, hay tận trong Nam đã lăn bánh. Nhiều người xếp lại việc riêng để lên đường không chút đắn đo. Linh mục GB Nguyễn Sang, Giám đốc Caritas giáo phận Mỹ Tho dù bận rộn nhưng đã gác lại mọi thứ để lên đường ngay tức khắc. Từng năm bảy lượt đi cứu nạn, giúp đỡ đồng bào sau bão lũ những năm trước, vậy mà trước “thiên tai kép” này, vị linh mục không khỏi bàng hoàng. Từ trong tâm điểm của vùng lũ, giáo xứ Bảo Yên (khu vực tỉnh Lào Cai), cha đau xót: “Nhìn mọi thứ tan hoang, tôi rất cảm thương cho bà con vùng lũ đang gánh chịu. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình nghĩa con người trở nên sâu đậm hơn bao giờ hết. Mọi người san sẻ cho nhau từ những điều nhỏ bé nhất, như từng ký gạo, thuốc men, thức ăn. Đều là những gì cần. Dẫu cơn bão đã qua, nhưng những tàn tích mà nó để lại vẫn còn đó. Hậu quả của thiên tai không chỉ là sự mất mát trước mắt, mà còn là những nỗi lo chồng chất cho tương lai: làm sao để con cái có đủ sách vở đến trường, làm sao có giống lúa cho mùa sau, làm sao để chống lại dịch bệnh, và sửa sang lại những mái nhà đã hư hại”. Phái đoàn của cha Sang đi thăm từng nhà, sớt chia với các hoàn cảnh, có hôm kết thúc chặng đường lúc 2 giờ sáng. Ngoài Bảo Yên, cha cũng đến giáo xứ Tích Nho, địa phận tỉnh Ninh Bình, một trong những vùng trũng, thiệt hại lớn. Cả hai nơi có tất cả 700 suất hỗ trợ. Trước những chuyến thăm, vị linh mục còn dâng lễ cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời vì bão, lũ, và cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất cho người ở lại, dẫu đang gặp khó khăn…

Theo cha Sang, thời điểm khó khăn nhất là lúc cần sự tương trợ nhất.jpg (448 KB)
Theo cha Sang, thời điểm khó khăn nhất là lúc cần sự tương trợ nhất

Trong cuối tuần qua, các giáo phận miền Trung cũng đã nhanh chân lên đường. Việc trợ giúp miền Bắc hiện nay, theo Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh còn là cách “đáp lại những ân tình” vì chính Hà Tĩnh và những giáo phận ở khoảng giữa của dải đất hình chữ S vốn là nơi chịu nhiều thiên tai, mưa bão, nên luôn nhận được sự sớt chia, cứu trợ của bà con các nơi từ trước. Trưa 13.9.2024, đoàn xe đầu tiên chở hàng cứu trợ của Caritas Hà Tĩnh và một số nhóm thiện nguyện đã xuất phát từ giáo xứ Kim Lâm để lên đường cứu trợ. Có mặt tại khu 9, thị trấn Phú Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vào ngày 14.9, đoàn Caritas đã trao hằng trăm phần quà gồm hiện kim, nhu yếu phẩm, bánh, sữa, chiếu nằm cho bà con vùng lũ.

Tham gia cứu trợ bà con vùng bão lũ, cha Phaolô Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Thanh Hóa cho biết, trong những ngày từ 12-14.9.2024 đã dẫn đầu đoàn có mặt ngay vũng lũ. Riêng trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Caritas đã đến với bà con ở bản Nàng II, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, nơi nhiều hộ dân bị tốc mái, hư hại nhà cửa, hoa màu, sạt lở. “Con đường lên bản Nàng II sau cơn bão trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mưa lũ tàn phá khiến đất đá sạt lở, chắn ngang con đường nhỏ hẹp. Nhưng khó khăn nào cũng không thể ngăn cản bước chân của chúng tôi. Mỗi bước đi, tường người càng cảm nhận rõ hơn nỗi khổ cực mà bà con đang phải gánh chịu. Ở Mường Lát, đa phần là đồng bào H’Mông và không Công giáo chỉ có số ít là người tín hữu thuộc giáo điểm truyền giáo của Giáo hội. Bình thường đời sống của bà con đã khó khăn, nay ảnh hưởng thiên tai còn khổ hơn nhiều nên chúng tôi tìm đến chia sẻ với họ”, cha Phaolô Nguyễn Văn Thường cảm nhận.

Caritas Thanh Hóa trao quà cứu trợ bà con ảnh hưởng bão lũ ở Mường Lát.jpg (158 KB)
Caritas Thanh Hóa trao quà cứu trợ bà con ảnh hưởng bão lũ ở Mường Lát

Tiếp sau, Caritas Thanh Hóa tới huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3. Mưa bão kéo dài khiến hơn 300 hộ gia đình bị ngập nhà cửa, nhiều nơi ngập sâu 2-3 mét, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Vì đường bộ còn ngập sâu, nên để tiếp cận được với các hộ dân, đoàn Caritas Thanh Hóa đã phải di chuyển và vận chuyển nhu yếu phẩm bằng ghe thuyền để trao quà đến các gia đình sống ven sông Bưởi ở các xứ Khánh Linh và cộng đoàn Công giáo Thành Vinh. Có nơi, người dân đi thuyền nhận quà, cũng có chỗ việc trao quà diễn ra… trên mái nhà dân, vì bà con phải tá túc ở tầng gác mái để tránh ngập tạm thời. 

SẺ CHIA TỪ TÂM BÃO

Ngay trong bão và sau bão, khi lũ lụt đang trầm trọng, qua văn phòng Caritas Việt Nam, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch Ủy ban Bác ái xã hội - Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đề nghị Caritas giáo phận theo dõi sát tình hình cơn bão và phải lên kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cũng như phục hồi sau bão. Tại Hải Phòng, rất nhiều nhà thờ, công trình trong giáo phận bị tốc mái và bị hư hỏng nghiêm trọng.

Nước sạch, thuốc men... là những mặt hàng thiết yếu lúc này.jpg (331 KB)
Nước sạch, thuốc men... là những mặt hàng thiết yếu lúc này

Cha Giám đốc Phêrô Sanen Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Caritas Hải Phòng cho hay, nhận thấy đối với các gia đình mất tàu thuyền và ngư cụ, các gia đình mất trắng hoa màu và thủy sản, nhất là những gia đình có người khuyết tật, bệnh nhân nhiễm HIV sắp tới sẽ rất khó khăn nên Caritas giáo phận Hải Phòng đã lên kế hoạch hỗ trợ về sinh kế ban đầu và chia sẻ nỗi tang thương.

Còn ở giáo phận Phát Diệm, nước ngập nhấn chìm nhiều nhà thờ, nhà giáo dân. Ngày 11.9, từ sáng sớm, Caritas Phát Diệm đã thăm các giáo xứ vùng lũ ở Gia Viễn và Nho Quan. Đó là các giáo xứ Vô Hốt, Sơn Lũy, Ngọc Cao (giáo hạt Vô Hốt - huyện Nho Quan, Ninh Bình) cùng hai giáo xứ Mỹ Thủy và Liên Phương (giáo hạt Đồng Chưa, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Theo nhiều ý kiến chia sẻ, các cha xứ nơi đây nhận thấy tình hình lũ lụt năm nay đến khá bất ngờ so với các năm trước. Mực nước dâng cao chỉ kém một chút so với trận lụt lịch sử năm 2017. Do có kinh nghiệm sống chung với lũ hằng năm, bà con nơi đây không để xảy ra thiệt hại về nhân mạng, nhưng những ngày qua, hàng ngàn hộ gia đình sống trong trong tình trạng mất điện, thiếu nước sạch, nhà bị ngập lụt đến 2m. Sinh hoạt của anh chị em gặp phiền phức ra sao khi phải chạy đồ, kê đồ lên gác, chạy ở nhờ, nhiều gia đình không có gác cao hoặc nhà tầng, đành phải chịu ngâm đồ đạc trong nước lũ. Ở những điểm đặt chân tới, Caritas giáo phận gởi gắm thuốc men dự phòng cùng với ít lương thực giúp giáo hữu vượt qua những khó khăn trước mắt.

GP Phát Diệm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con.jpg (148 KB)
GP Phát Diệm hỗ trợ lương thực, thực phẩm

Giáo phận Bắc Ninh chịu ảnh hưởng rất lớn với hàng chục khu xóm đạo, nhà thờ ngập trong nước suốt nhiều ngày. Ban Caritas giáo phận ra thư kêu gọi đồng thời thông tin tình hình ảnh hưởng: “Các tỉnh thuộc địa bàn giáo phận Bắc Ninh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và một phần các tỉnh thành lân cận thuộc giáo phận đều có thiệt hại. Nước trên các con sông thuộc giáo phận Bắc Ninh ngày càng dâng cao, gây bị thiệt hại nặng nề cho tất cả các giáo xứ, giáo họ, các giáo điểm, các làng, cánh đồng lúa và hoa màu gần hai bên bờ bị ngập lụt và sạt lở. Đến nay đã có nhiều khu chìm hoặc biệt lập bởi nước dâng lên quá nhanh không kịp di chuyển vào nơi cao, nên thiệt hại vô cùng lớn”.

Ngược xuôi đồng hành cùng các đoàn cứu trợ của giáo phận Bắc Ninh, cha Giuse Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Caritas giáo phận hiện vẫn không ngừng di chuyển đến các giáo xứ bị thiệt hại. Theo cha Giuse: “Giáo phận ghi nhận nhiều vùng ngập, sạt lở ảnh hưởng sinh kế, cuộc sống. Đến nay nhiều nơi nước đã tạm rút nên đi lại đã thông thương, nên ban Caritas cũng điều chỉnh cứu trợ phù hợp với tình hình thực tế tùy mỗi nơi. Nếu mấy ngày trước thức ăn, nước uống là khẩn cấp thì nay nhu cầu giúp đỡ tái thiết cuộc sống cần thiết nhất. Bà con cần tôn lợp mái, gạch xây lại tường, mua sắm đồ điện, thiết bị gia dụng phục vụ cuộc sống, trẻ em cần tập vở mới vì tất cả đều bị ướt, bị hư…”.

Những chuyến xe sẵn sàng vì bà con .jpg (345 KB)
Những chuyến xe vì bà con

Còn có rất nhiều đoàn giáo dân các xứ cùng ban Caritas trong xứ kết hợp lên đường, chẳng hạn ở xứ Phúc Xuân, xứ Đạo Ngạn, xứ An Tràng, An Bài… đã liên tục nỗ lực tổ chức các đợt cứu trợ. Họ đã cùng nhau quyên góp và tổ chức các chuyến đi, mang theo lương thực, thuốc men, và tiền đến với những gia đình bị thiệt hại do lũ lụt. Các chuyến đi này không chỉ mang đến sự trợ giúp thiết thực mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn cho người dân vùng lũ. Giáo xứ Lập Trí đã đỏ lửa chuẩn bị các suất cơm, bánh mì và cử một đoàn gồm 12 người đến giúp bà con xứ Đồng Nhân. Hai xe tải lớn đã chở theo gần 400 suất cơm, 100 bình nước, 2.400 chai nước nhỏ, 600 ổ bánh mì… để tiếp tế vì suốt mấy ngày nhà cửa chìm trong biển nước.

Hiện tại, việc giúp bà con vùng lũ vẫn còn diễn ra với sự khẩn trương. Các giáo hữu bằng nhiều cách thức đang sống tình bác ái, yêu thương như Tin Mừng mời dạy. Có thể cảm nhận được qua các cuộc chuyện trò, với những người tham gia cứu trợ dù gián tiếp hay trực tiếp. Trong những khoảnh khắc tương trợ quên bản thân này, người trong cuộc như đã tìm thấy gương mặt Chúa Giêsu - gương mặt của yêu thương, tương ái và ấm áp. 

 

Thutuong tham MaugiaoAnhDuong.jpg (199 KB)

Trường mầm non Ánh Dương (Hội dòng MTG Hưng Hóa) ở thành phố Yên Bái, ngày 12.9 đã tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hỏi. Đại diện nhà dòng cho biết, trong những ngày bão, trường với vị trí cao ráo hơn cùng cơ sở vật chất gồm 4 tầng lầu, bếp được lắp đặt sẵn ở các tầng cao, nên vẫn có thể nấu ăn. Điểm trường này vì vậy đã mở cửa giúp gần 200 người lánh nạn. Trong mấy ngày các nữ tu của dòng tại trường đã giúp mọi người có những bữa cơm nóng đỡ đần ngày lũ. Thủ tướng đã bày tỏ mong muốn thầy trò cố gắng ổn định, đồng thời tiếp tục tham gia giúp đỡ các cơ sở giáo dục khác ở địa phương còn bị ảnh hưởng.

 

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM ngày 12.9.2024 đã ra thư kêu gọi các Ban Đoàn kết TP Thủ Đức và các quận, huyện cùng đoàn thể, cá nhân giúp đỡ cho đồng bào bị lũ lụt, góp phần chia sẻ nỗi khó khăn. Trong thư, linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ, Chủ tịch nhấn mạnh, việc trợ giúp giai đoạn cần thiết này có ý nghĩa cao đẹp, nhằm “đem lại chút hơi ấm cho đồng bào” và đồng thời toát lên nét đẹp của tình bác ái Kitô giáo. Các đóng góp có thể chuyển về địa chỉ Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM số 15 Tú Xương, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TPHCM.

 

BÍCH VÂN - MINH HẢI - HÙNG LUÂN

 

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm 59 năm thành lập
Giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm 59 năm thành lập
Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Chánh tòa giáo phận Xuân Lộc đã chủ sự thánh lễ tạ ơn, kỷ niệm 59 năm thành lập giáo phận tại nhà thờ Chánh tòa vào ngày 14.10.2024.
“Bữa cơm yêu thương” cho bệnh nhân nghèo khu vực Hà Nội
“Bữa cơm yêu thương” cho bệnh nhân nghèo khu vực Hà Nội
Chương trình do Caritas TGP Hà Nội và giáo xứ Giảng Võ thực hiện, ngày 12.10.2024 đã tổ chức trao tặng các phần cơm cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bốn điểm là Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh...
Tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi
Tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi
Tối 7.10.2024, họ đạo Quản Long, giáo phận Cần Thơ tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi và hiệp thông cùng Giáo hội trong ngày Thế giới Truyền giáo
Giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm 59 năm thành lập
Giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm 59 năm thành lập
Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Chánh tòa giáo phận Xuân Lộc đã chủ sự thánh lễ tạ ơn, kỷ niệm 59 năm thành lập giáo phận tại nhà thờ Chánh tòa vào ngày 14.10.2024.
“Bữa cơm yêu thương” cho bệnh nhân nghèo khu vực Hà Nội
“Bữa cơm yêu thương” cho bệnh nhân nghèo khu vực Hà Nội
Chương trình do Caritas TGP Hà Nội và giáo xứ Giảng Võ thực hiện, ngày 12.10.2024 đã tổ chức trao tặng các phần cơm cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bốn điểm là Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh...
Tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi
Tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi
Tối 7.10.2024, họ đạo Quản Long, giáo phận Cần Thơ tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi và hiệp thông cùng Giáo hội trong ngày Thế giới Truyền giáo
Hội Lái xe trong giáo xứ
Hội Lái xe trong giáo xứ
Hội kết nối các tài xế là giáo dân trong xứ và có cả ngoài xứ nhưng hay lái xe trong khu vực đó. Như vậy rất hay.
Hạt giống và hoa trái
Hạt giống và hoa trái
Các nước trên thế giới bây giờ thi nhau “gieo” súng đạn nên sẽ “gặt” chết chóc. Súng đạn là để giết người chứ không phải để cứu người.
Caritas Việt Nam  lan tỏa tình yêu
Caritas Việt Nam lan tỏa tình yêu
Với chủ đề “Như Thầy yêu thương”, Caritas Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên 2024 tại Tòa Giám mục Xuân Lộc từ ngày 30.9 đến 3.10.2024.
Lời ca tiếng hát ngoài giáo đường
Lời ca tiếng hát ngoài giáo đường
Trong những ngày tháng 10 này, tín hữu ở nhiều giáo xứ và cơ sở tôn giáo trong quận Tân Bình đang tập dượt lời ca tiếng hát chuẩn bị cho cuộc Liên hoan văn nghệ các dân tộc và tôn giáo, nhân Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân...
Một giấc mơ xanh
Một giấc mơ xanh
Nếu đã từng đến Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (giáo phận Phan Thiết) từ mấy mươi năm trước, nay trở lại sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt về tiện nghi, sự quy hoạch, các công trình xây dựng, và nhất là những mảng xanh gần như được phủ...
Tu sĩ được mời gọi trở nên những chứng nhân Tin Mừng
Tu sĩ được mời gọi trở nên những chứng nhân Tin Mừng
Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên nhắn nhủ các tu sĩ hãy trở nên những chứng nhân Tin Mừng giữa lòng xã hội hôm nay, đời sống cần phù hợp và thậm chí đi trước những lời rao giảng.