Dõi theo tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang diễn ra tại Roma, nhiều người có những tâm tình hiệp thông trước việc Giáo hội nhìn nhận tội lỗi và xin Chúa tha thứ trong ngày khai mạc khóa họp.
VỀ SỰ LẠM DỤNG
Tu sĩ Pascalis Đoàn Văn Trị (Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy): Thượng Hội Đồng thế giới được khai mạc với một hành động sám hối công khai. Đọc qua 7 lời thú nhận tội lỗi và cầu xin sự tha thứ, tôi ấn tượng với lời cầu xin tha thứ cho những tội liên quan đến lạm dụng do Đức Hồng y Seán Patrick O’Malley đọc.
Lời cầu xin tha thứ này nhắc nhở tôi nhớ về ngày Giới trẻ Thế giới 2002 tại Toronto, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin giới trẻ trên thế giới tha thứ cho những tội lỗi của các nhà chức trách Giáo hội - dưới các hình thức lạm dụng, trong đó có việc lạm dụng tình dục. Vào đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000, ngài cũng đã kêu gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người trên Trái đất, đặc biệt cho trẻ vị thành niên đã bị lạm dụng, cho người nghèo, người bị gạt ra bên lề và những người bé mọn nhất”. Hôm nay, sau khi đọc lời xin tha liên quan tới các lạm dụng, tôi rất cảm động và biết ơn những lời từ Vatican. Lời cầu xin tha thứ này không phải lời nói suông, nhưng thúc bách Giáo hội có những hành động cụ thể khắc phục hậu quả, cũng như nghiêm khắc với những người đã gây ra tội lỗi này, đồng thời giúp Giáo hội đưa ra những phương cách ngăn ngừa, trong đó có việc đào tạo chuyên môn cho những người có trách nhiệm phục vụ các cộng đồng cũng như những ai làm việc trực tiếp với giới trẻ.
ĐỐNG ĐÁ CHẾT CHÓC
Chị Tạ Thị Nga (Giáo xứ Gò Mây, TGP TPHCM): Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta cần cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và từ những người mà chúng ta đã gây thương tổn. Và rồi đã có bảy vị Hồng y đã đọc các lời thống hối và xin tha thứ “nhân danh toàn thể Giáo hội”. Tôi ấn tượng với ý xưng tội mà Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández công bố: “Tôi cầu xin sự tha thứ, tôi xấu hổ vì tất cả những lần chúng tôi đã đưa ra những biện minh về mặt giáo lý cho những cách đối xử vô nhân đạo”. Tôi thấy hợp lý quá khi ngài dùng từ nhồi nhét Tin Mừng và có nguy cơ giảm thiểu Tin Mừng thành một đống đá chết chóc để ném vào người khác. Nhìn vào thực tế, có những chuyện mọi người đã vin vào luật định để lạnh lùng với người khác khi người ta vì một lý do sâu kín đã không giữ luật, chẳng hạn có người kết hôn khác đạo nhưng không có phép chuẩn thì cả gia đình, dòng họ, hàng xóm, bạn bè... đều không dự đám cưới… Nhiều người vịn vào điều này không những không chia vui mà còn có phần ghẻ lạnh, theo tôi là “đống đá chết chóc”...
TÌM KIẾM HÒA BÌNH
Chị Lâm Thùy Nga (Giáo xứ Đồng Tiến, TGP TPHCM): Trong bảy tội lỗi mà Giáo hội xin tha thứ, tôi ấn tượng nhất chính là điều Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay ở Ấn Độ, đã cầu xin thứ lỗi vì “Giáo hội đã thiếu can đảm trong việc tìm kiếm hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia”. Hòa bình cho nhân loại chính là mong mỏi của mỗi người, không riêng gì người Công giáo mà bất cứ ai cũng đều ao ước. Giáo hội đã ghi nhận điều này và mỗi người chúng ta có bổn phận cùng góp một lời cầu nguyện, một tiếng nói cho cuộc sống hòa bình, an vui trên thế giới.
QUAY LƯNG VỚI NGƯỜI NGHÈO
Ông Trương Văn Dương (Giáo họ biệt lập Phước Sa, giáo phận Phan Thiết): Lời cầu xin sự tha thứ vì đã “quay lưng lại với người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những thứ quý giá tội lỗi vốn lấy đi bánh mì từ người đói” là điều tôi quan tâm. Minh họa cho điều này, có thể kể đến tình trạng ở một số nơi xây nhà thờ mới trong khi ngôi thánh đường cũ vẫn còn sử dụng được. Hay như việc tiêu xài phung phí, không thực thi bác ái, không trợ giúp người yếu thế cũng là hành động đi ngược lại với đức ái Kitô giáo.
BẢY TỘI LỖI GIÁO HỘI XIN THA THỨ TRƯỚC GIỜ KHAI MẠC THƯỢNG HỘI ÐỒNG VỀ HIỆP HÀNH Bảy Ðức Hồng y đại diện Giáo hội đã đọc các lời xin tha thứ do Ðức Thánh Cha soạn sẵn vào buổi cử hành sám hối ngày 1.10.2024, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trong dịp khai mạc khóa họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục vì một Giáo hội Hiệp hành. 1/ Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay ở Ấn Ðộ, đã cầu xin sự tha thứ vì Giáo hội đã thiếu can đảm “trong việc tìm kiếm hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia”. 2/ Ðức Hồng y người Canada Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người toàn diện, đã cầu xin sự tha thứ vì Giáo hội đã tham gia vào quá trình “toàn cầu hóa sự thờ ơ, vô cảm”, vì đã làm ngơ trước những vi phạm về quyền con người, đồng lõa với những hệ thống chính trị ủng hộ chế độ nô lệ và thực dân. 3/ Ðức Hồng y Seán Patrick O’Malley đã cầu xin sự tha thứ cho tất cả những lần “mà chúng ta, những tín hữu”, đã đồng lõa hoặc trực tiếp phạm tội lạm dụng lương tâm, lạm dụng quyền lực và lạm dụng tình dục. 4/ Ðức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã cầu xin sự tha thứ cho tất cả những lần mà phẩm giá của phụ nữ không được công nhận hoặc bảo vệ, “mà chúng tôi đã khiến họ câm lặng và phục tùng, và rất thường xuyên bị lợi dụng, đặc biệt là trong điều kiện đời sống thánh hiến”. 5/ Ðức Hồng y Cristóbal Lopez Romero đã cầu xin sự tha thứ nhân danh toàn thể Giáo hội, xấu hổ vì đã quay lưng lại với người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những thứ quý giá tội lỗi vốn lấy đi bánh mì từ người đói. 6/ Ðức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, đã bày tỏ sự xấu hổ và cầu xin được tha thứ vì nhiều lần, trong Giáo hội, các mục tử đã không bảo vệ và đề nghị Tin Mừng như một nguồn sống của sự mới mẻ vĩnh cửu, bằng cách “nhồi nhét” Tin Mừng và có nguy cơ giảm thiểu Tin Mừng thành một đống đá chết chóc để ném vào người khác. 7/ Ðức Hồng y Christoph Schonborn, Tổng Giám mục Vienna ở Áo, đã cầu xin sự tha thứ vì những trở ngại mà chính Giáo hội đặt ra, ngăn cản xây dựng một Giáo hội Hiệp hành, cùng nhau bước đi làm chứng cho Tin Mừng như Chúa truyền dạy. |
NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện
Bình luận