Trong suốt hơn 30 năm qua, lớp học tình thương Vinh Sơn thuộc giáo xứ Chợ Quán - TGP TPHCM đã nâng bước cho biết bao trẻ thơ đến trường, làm bạn với con chữ, giữa những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, cách này cách khác…
Lớp học do linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, chánh sở Chợ Quán lúc bấy giờ thành lập (năm 1992) và trao cho các sơ tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn coi sóc, dạy dỗ.
Lớp học trong khuôn viên
Nhìn các bé trong màu áo đồng phục xinh xắn, cười đùa hồn nhiên trong trẻo, ít ai biết rằng trong số đó có những em chiều về sẽ đi bán vé số, sửa xe, hay làm xiếc trên các tuyến đường đi bộ khi về đêm…
Rảo bước dưới hàng hiên, ngang qua hang đá Giáng Sinh có bức vách dán những tấm thiệp đẹp mắt do chính các em tô vẽ, chúng tôi cùng sơ phụ trách Maria Nguyễn Hảo ghé thăm vài lớp học. Năm học này có tất cả 6 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 và một lớp dự bị. Các em học từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ 15, nhưng thời điểm tan trường là sau khi các bé dùng xong bữa trưa. Lớp sẽ hỗ trợ từ học hành đến ăn uống, một số trường hợp đặc biệt khó khăn còn được “nhà trường” giúp dụng cụ học tập, đồng phục, chi phí đưa đón.
Sơ Hảo kể mỗi đứa ở đây là một hoàn cảnh, như Nghĩa, năm nay đã 11 tuổi, lẽ ra đã vào lớp 6 như bạn bè cùng trang lứa, nhưng vẫn đang là học sinh dự bị của lớp học tình thương sau nhiều năm liền ở trường công không lên lớp được. Sáng đi học, chiều về phụ cha sửa xe máy cho khách, cậu bé được khuyến khích chuyên chăm hơn, vì để được vào lớp 1, em cần thuộc 24 chữ cái, biết ghép vần, nắm được các số từ 1 đến 10… Cùng lớp dự bị, Kiệt, 13 tuổi đang học “cùng trường” với em gái hiện là học sinh lớp 1. Thương mẹ vất vả phụ quán ăn, cha làm nghề sơn nước, cả nhà trọ trong căn phòng nhỏ xíu lại hay bị ngập, cậu bé hứa“ráng học đặng mai mốt lớn đi làm có tiền nuôi cha mẹ và lo cho em”.
Còn Mỹ Phương thì tuy chỉ đang học lớp 1 nhưng mỗi sáng đều cố gắng bán cho được 10 tờ vé số rồi mới đến lớp. Một ngày kia, em bỗng trở thành “côi cút” sau khi mẹ dẫn em gái âm thầm rời bỏ căn phòng trọ xa lạ. May mắn là em vẫn còn lớp học tình thương làm chốn đi về. Một người phụ nữ sinh sống bằng nghề chạy xe công nghệ cùng dãy trọ đã tình nguyện ngày ngày đưa đón bé Phương hai buổi sớm trưa. Cùng lớp với Phương, còn một bạn tên Ngân cũng được hàng xóm thương tình đưa đi, đón về lớp học. Cha em đã vướng vòng lao lý, mẹ thì bận bịu chăm em còn nhỏ.
Nâng bước chân em đến trường
Học trò của lớp học tình thương đa phần sống với ông bà, số ít còn cha hay mẹ, gia cảnh khó khăn, thiếu giấy tờ khai sinh, quá độ tuổi theo học ở trường công, một số em học chậm... Cũng có trường hợp nhà đến năm bảy người con, không có điều kiện lo cho ăn học. Những trường hợp như vậy, các sơ đã đến thăm và động viên gia đình cho trẻ đến lớp. Các em được đào tạo theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi cử theo đề thi do trường tiểu học Trần Bình Trọng hỗ trợ. Khi hoàn thành chương trình lớp 5, sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để học lên trung học cơ sở. Trong hơn 30 năm qua, các cựu học sinh của lớp đã có em vào đại học, nhiều em có cuộc sống tốt, nghề nghiệp ổn định. Hằng năm, họ âm thầm góp sách vở, sữa, kẹo bánh để cùng với nhà trường chăm lo cho đàn em; đồng thời cũng luôn góp mặt chung vui vào mỗi dịp tổng kết năm học, lễ Tết. Dự tính, vào ngày 25 Tết Nguyên đán năm nay, các anh chị cựu học sinh sẽ tổ chức chương trình vui Xuân.
Chung tay chăm lo cho lớp học tình thương, cha sở họ đạo Chợ Quán Gabriel Trịnh Công Chánh cho biết họ đạo vẫn tiếp nối tâm huyết của các bậc tiền nhân bằng cách nâng đỡ tinh thần và vật chất, hiện diện trong các buổi lễ tổng kết, mừng Giáng Sinh, đón Xuân mới thường niên cùng với “nhà trường”.
Trong vai trò quản lý, giảng dạy, đồng hành cùng họ đạo từ ngày thành lập đến nay, các nữ tu Nữ tử Bác ái Vinh Sơn cùng đội ngũ thầy cô giáo đã rất tận tâm, tận tình dạy dỗ, nâng đỡ các em. Được biết, lúc đầu lớp học chủ yếu ưu tiên cho những trẻ cư ngụ trên địa bàn giáo xứ không đủ diện theo học trường công hay trường tư, do quá tuổi hay khó khăn tài chánh. Về sau, dần được mở rộng và chào đón học sinh đến từ nhiều quận huyện trong thành phố, cũng như nhiều tỉnh thành khác, với mong muốn đem đến cho các em cơ hội được học hành, được vui vầy bên chúng bạn trong sự hồn nhiên trong trẻo của tuổi thơ. Những người chủ trương cho những trẻ thiệt thòi nơi đây hành trình khám phá thế giới chữ viết, và những khoảnh khắc ấm áp dưới mái trường tình thương.
Đàm An
Bình luận