Như vậy là trái tim của một vị Giám mục lỗi lạc, từng có ảnh hưởng lớn trong Hội đồng Giám mục Việt Nam ở một giai đoạn nhất định - Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần - đã ngừng đập sau 97 năm 6 tháng hiện diện trên trần thế, làm con Chúa và phụng sự Giáo hội, xã hội…
Đức cha GB Bùi Tuần được Chúa gọi về, Hội đồng Giám mục Việt Nam mất một cây đại thụ hiện diện từ ngày các giám mục hai miền Nam - Bắc quy về một mối; giáo phận Long Xuyên mất một trong những cột trụ tinh thần vững chãi; và độc giả cả nước mất một tác giả thần học sắc sảo, một nhà văn với bút lực dồi dào, một nhà tư tưởng có tầm nhìn tiên tri và rất trách nhiệm… Riêng với báo Công giáo và Dân tộc, sự ra đi của Đức cha không chỉ khiến tòa soạn mất một cây bút cộng tác bền bỉ trên dưới 40 năm, mà còn làm khuyết trong từng anh chị em làm việc ở đây một chỗ dựa tinh thần thầm lặng, một người cha ấm áp yêu thương, và một người thầy với kho tàng tri thức phong phú.
Đức cố giám mục Gioan Baotixita, cùng với Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể đang hưu ở Huế, là hai vị giám mục còn lại có tham gia vào khóa họp đầu tiên của HĐGMVN sau ngày đất nước thống nhất (năm 1980). Đức cha hiện cũng là giám mục cao niên nhất Việt Nam, là một trong những người tham gia chấp bút soạn thảo Thư Chung 1980, để rồi sau đó được các giám mục hai miền hiệu đính, bổ sung và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng rõ rệt cho người Công giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, qua đó xác quyết rõ ràng đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Có thể nói, sau 1975, Đức cha GB Bùi Tuần đã nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp khoảng cách giữa nhiều thành phần trong xã hội xích lại gần nhau, hiểu nhau và chung tay xây dựng đất nước. Đức cha đã miệt mài cổ võ đưa Tin Mừng vào đời một cách thiết thực, đối thoại để tháo gỡ những vấn đề còn nút thắt, sống sẻ chia và liên đới, yêu thương…, bằng chính uy tín và tri thức của mình, qua ngòi bút nhạy bén, có chiều sâu.
Trong những ngày diễn ra tang lễ của Đức cha, chúng tôi đã thử thống kê nhanh số lượng bài viết của ngài đã đăng báo hoặc xuất bản sách, và đếm được có khoảng 2000 bài, với tổng số trên dưới 2 triệu con chữ.
Một con số khổng lồ, một kho tàng vô giá!
Để có thể để lại cho đời một di sản to lớn như vậy, chắc chắn ngài đã không ngừng trăn trở và luôn đau đáu đi tìm những giá trị trong Tin Mừng và ngoài cuộc sống; rồi gạn lọc, đúc kết và viết ra. Tất cả, như nhận định của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm - một người học trò của Đức cha Gioan Baotixita - trong lễ an táng, là “xuất phát từ việc ngài yêu mến Chúa tha thiết và muốn bắc một nhịp cầu yêu thương giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, trong Hội Thánh cũng như ngoài xã hội…”.
Công giáo và Dân tộc
Bình luận