Ở vùng rừng núi phía bắc bang Chiapas của Mexico, một nhóm phụ nữ người bản địa Seltales suốt 20 năm qua đã vận hành chuỗi kinh doanh theo hướng trân trọng thiên nhiên và bảo vệ các truyền thống của cha ông, với sự hỗ trợ của dòng Tên.
Nhóm phụ nữ đặt tên cho công ty của họ là “Yomol A’Tel”, có nghĩa “Chúng ta cùng nhau lao động, cùng nhau bước đi, cùng nhau dệt giấc mơ”. Người điều phối nỗ lực đổi mới xã hội của công ty là cô Erika Lara, 32 tuổi và có bằng kinh doanh. Cô đảm nhận vai trò đồng hành và đào tạo các đối tác tham gia quy trình dệt may theo phương pháp truyền thống kết hợp hiện đại.
Gìn giữ và sinh kế tốt nhờ truyền thống
Lara giải thích mục tiêu của mạng lưới hợp tác là đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các quy trình dân chủ, trao họ tiếng nói và được tham gia vào nền kinh tế, từ đó đảm bảo họ được trao quyền tự chủ ở gia đình. Triết lý của “Yomol A’Tel” là lequil cuxlejalil, tức sống tốt, và họ muốn hướng đến tối ưu hóa lợi ích xã hội thông qua sự bền vững và có lợi nhuận. Một trong nhiều thành viên của “đại gia đình sản xuất” này là nhãn hàng Xapontic, tức “xà bông của chúng tôi”. Từ năm 2007, Xapontic sản xuất những sản phẩm vệ sinh cá nhân như dầu gội, xà bông cục và sữa dưỡng thể. Cộng đoàn dòng Tên ở Bachajón, đồng hành với các cộng đồng và gia đình Seltales ở khu vực trong suốt 60 năm qua, đã góp phần quảng bá những sản phẩm trên.
Bên cạnh đó, họ sử dụng kỹ thuật mũi khâu lưu truyền từ thời cổ xưa có tên lomillo để tạo ra những sản phẩm như túi da, hộp đựng mỹ phẩm, ví, vòng tay và những đồ trang trí trên tường. Do tất cả phụ nữ trong vùng đều là thợ thêu giỏi, họ quyết định bảo tồn kỹ thuật này để thế hệ trẻ không quên cội nguồn.
Đất đai là món quà của Chúa
Trong quá trình các gia đình Seltales duy trì truyền thống cha ông, những gì họ áp dụng không hề khác với Tông huấn Laudato si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Theo Tông huấn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy dành sự quan tâm đặc biệt cho các cộng đồng bản địa và truyền thống văn hóa của họ. Ngài nêu rõ “họ không chỉ là thiểu số giữa những cộng đồng khác, mà nên được xem là đối tác chính của những cuộc đối thoại, đặc biệt trong trường hợp những dự án lớn ảnh hưởng đến đất đai của người bản địa”. Đức Thánh Cha giải thích: “Đất đai không phải là hàng hóa mà thay vào đó là món quà đến từ Thiên Chúa và từ tổ tiên của người bản địa yên nghỉ nơi đây, một vùng đất linh thiêng mà họ cần tương tác nếu muốn duy trì danh tính và giá trị của bản thân”.

Quay lại Xapontic, các nhân viên của công ty làm việc siêng năng để trồng và khai thác những loại thực vật có mùi hương, tạo ra các loại sản phẩm hữu cơ. Họ tránh khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên, cũng như không lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, chăm sóc kỹ lưỡng để tôn trọng và bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái địa phương. Cô Lara giải thích, những biện pháp trên đóng vai trò quan trọng trong quá trình phụ nữ Seltales điều chế mỹ phẩm, cho phép sản phẩm cuối cùng hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên. Toàn bộ lợi nhuận được chuyển trực tiếp cho người điều chế. Những sản phẩm của Xapontic sử dụng màu sắc truyền thống như đen, xanh lá, đỏ và hồng, vốn là biểu tượng cho đất đai, núi non và hoa cỏ. “Thiên nhiên là nguồn cảm hứng chân thực và duy nhất của nhãn hàng chúng tôi”, nhà điều phối Lara khẳng định.
Về các mặt hàng dệt may, trong quá trình chăm sóc để bảo tồn văn hóa, phụ nữ địa phương cũng thoải mái tiếp nhập các kỹ thuật đương thời, và sản xuất những loại vải dệt có màu sắc trung tính hơn. Bằng cách này, sản phẩm của họ có thể tiến vào các thị trường mà trước đó không quá quen thuộc với những truyền thống của người Seltales. Công ty “Yomol A’Tel” cam kết đưa ra mức giá bình ổn, cho phép những người lao động nữ và gia đình của họ có thể sống một cách tử tế, với mức thu nhập đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai sáng kiến mang đến cơ hội việc làm bình đẳng cho cả nam lẫn nữ, từ đó cho phép người bản địa bảo tồn và truyền cách sống của cha ông cho các thế hệ tương lai.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận