Những khóm hoa rực rỡ đủ loại, hương khói nghi ngút lan tỏa, tiếng nhạc du dương thánh thót… nghe qua ngỡ là chốn thiên đường nào đó, nhưng không phải! Ðó chính là hình ảnh thường thấy ở các nghĩa trang tại nhiều giáo xứ. Không hề lạnh lẽo, không hề đáng sợ. Nơi mọi người vẫn gọi bằng cái tên rất thiêng liêng: Ðất Thánh.
Từ cuối tháng 10, các gia đình thường có một công việc khá đặc biệt. Đó là đi dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang như làm cỏ, quét rác, lau rửa, sơn sửa các ngôi mộ. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ thì đặt bình bông mới trên phần mộ của người thân. Đất Thánh vào những ngày ấy trông thật khang trang và sáng sủa.
Nghĩa trang Công giáo chẳng có cảm giác âm u, nơi mọi người mỗi khi đi ngang đều bày tỏ sự kính cẩn cách đặc biệt. Thi thoảng thấy cảnh mỗi khi tan học, lũ trẻ đi vào khuôn viên nghĩa trang để thăm ông bà, họ hàng, tay thắp nén hương, miệng mấp máy lời kinh. Một nét đẹp khó thấy ở những nơi khác.
Trong 8 ngày đầu tháng 11, Giáo hội Công giáo mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn để được lãnh nhận ơn toàn xá và nhường lại cho các linh hồn. Ban ngày, nhiều khóm hoa rực rỡ dưới nắng. Buổi tối, toàn nghĩa trang trở lên lung linh nhờ hàng trăm ngọn nến được thắp sáng. Khắp nơi vang tiếng kinh cầu. Theo niềm tin Công giáo, người đã khuất không thể lập công trạng, nhưng nhờ lời cầu nguyện, những hy sinh cùng ân phúc mà người còn sống nhận được (ơn toàn xá) mà Chúa thương tha thứ mọi hình phạt cho người đã chết, để họ sớm được về hưởng Tôn Nhan Ngài. Mỗi dịp cầu nguyện cho người thân cũng nhắc nhở lại chính mình phải luôn sống tỉnh thức, theo tinh thần Tin Mừng.
Viếng Đất Thánh và cầu nguyện cho các linh hồn còn là một nét đẹp trong văn hóa của người Công giáo. Đất Thánh tại các giáo xứ còn là nơi để bày tỏ sự tưởng nhớ, mến yêu và tâm tình biết ơn ông bà tổ tiên của con cháu đối với người đã khuất, trong niềm tin “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”, như lời Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.
TRIỀU DÂNG
Bình luận