Tôi không nhớ rõ đã bao lâu rồi, nhưng nếu chỉ tính từ lúc giã từ nghề dạy học thôi thì đến nay cũng đã gần 30 năm tôi không đọc lại cuốn sách từng một thời bị mê hoặc.
Tiểu thuyết Cuore ra đời vào năm 1886, được xem như là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới, phù hợp với độc giả lứa tuổi thiếu nhi, thầy cô giáo và các bậc làm cha mẹ.
Hồi đó, tôi được đọc cuốn “Những tấm lòng cao cả” (Cuore) từ bà cô ruột của mình là dì phước dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Enricô Bôttini, tên nhân vật chính trong sách, là cậu bé người Ý, vẫn đều đặn hằng ngày ghi lại những việc lớn nhỏ diễn ra trong đời học sinh của mình. Cậu kể chuyện như tự thuật, cần mẫn viết lại những cảm tưởng và suy nghĩ của mình thành một cuốn nhật ký.
Sách có tựa “Những tấm lòng cao cả” nhưng nội dung là những câu chuyện, mẩu chuyện dung dị, hồn hậu diễn ra trong bối cảnh lớp học của Bôttini. Đó là những câu chuyện về đức dục, nhân bản, lòng bác ái, vị tha, lòng biết ơn, tình yêu thương cha mẹ, người thân, bạn bè, những bài học làm người căn bản mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần được dạy dỗ từ bé.
Chẳng hạn như đoạn viết về thầy giáo mới nhân ngày khai giảng:
“Thứ ba, ngày 18…
Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thỏa ý, nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng”.
Hồi nhỏ, đọc những đoạn như vầy là tôi lướt qua. Đến khi làm thầy giáo, tôi lại mủi lòng…
Một chương khác nói về lòng hào hiệp khi bạn học bị tật nguyền tên Crôtxi, vì bực tức Phranti đã chế giễu mình nên vồ lấy lọ mực trên bàn ném thẳng vào bạn, chẳng may trúng vô ngực thầy Perbôni vừa từ ngoài bước vào. Thầy tra hỏi xem ai đã làm thì Garônê mạnh dạn đứng lên nhận lỗi về mình thay cho người bạn kém may mắn Crôtxi. Nhật ký của Bôttini viết: “Ông Perbôni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói: Con có một trái tim cao thượng đáng khen!”.
Không cao thượng sao được khi lỗi đó nào phải của Garônê! Thực ra, cốt lõi của câu chuyện là nhằm cổ võ một thái độ, tấm lòng hào hiệp của những đứa trẻ.
Hay như khi nói về lòng ái quốc, tác giả đã không nói lý thuyết suông tổ quốc là gì, yêu nước là thế nào, mà dùng đoạn nhật ký của Bôttini thật gần gũi:
“Thứ tư, ngày 25…
Đầu bài thi của con sáng nay là: “Tại sao anh yêu xứ sở của anh?”.
... Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đó; vì nguồn máu trong mạch của tôi đều là của người; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn sống chung với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quý, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả”.
Người lớn chúng ta biết gì về con em mình trong một ngày, một tuần, thậm chí một năm khi chúng ở trường học, giữa thầy cô và bè bạn? Hãy nghe một đoạn nhật ký của Bôttini viết về những người bạn: “Đối với cháu thì Garônê vẫn mãi là Garônê, Prêcốtxi vẫn mãi là Prêcốtxi, và những bạn khác cũng thế, dù cháu có thành ra hoàng đế của tất cả các đất Nga đi nữa”.
Trong “Những tấm lòng cao cả”, các nhân vật con trẻ dễ thương ấy đều là những “tâm hồn cao thượng”.
Anh Khuê
Bình luận