Nam Cao được xem là cây bút xuất sắc trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Tên thánh trong sổ rửa tội của ông là Giuse Trần Hữu Tri. Phần mộ của cố nhà văn hiện nằm tại quê nhà thuộc giáo họ Ðại Hoàng, giáo xứ Trung Kỳ, hạt Lý Nhân, Tổng Giáo phận Hà Nội. Là một người trẻ lớn lên tại làng quê này, mỗi lần đi ngang khu mộ, viếng Nam Cao, trong tôi cũng dâng trào lên nhiều cảm xúc, nhất là niềm tự hào…
Hồi còn đi học ở quê, mỗi khi được đi thi trên huyện, trên tỉnh, những đứa ở làng tôi thường hứng khởi, khoe với bạn bè rằng “quê tao có nhà văn!”. Cũng là đứa thích văn và mộ nhà văn ngay xóm làng mình, tôi được vào trong khu tưởng niệm rất nhiều lần, có khi được bác Vịnh, người phụ trách trông coi nơi đây “bật mí” vài điều về các tác phẩm của Nam Cao. Tưởng đâu bác sành sỏi văn chương nhưng không, bác chân quê, sống cái hồn của Vũ Đại từ thuở có Chí, rồi hiểu tường tận sao gọi là Chí Phèo, tại sao trẻ con lại không được ăn thịt chó? Bác chỉ cho tôi từng bức hình kỷ niệm của Nam Cao được trưng bày. Tôi ấn tượng với tấm ảnh vợ chồng nhà văn chụp hình cưới tại nhà thờ Cháy, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay là nhà thờ Vĩnh Đà, huyện Lý Nhân. Trước đây, nhà thờ ấy là giáo xứ quê tôi, sau được tách ra thành giáo xứ Trung Kỳ, bao gồm 4 giáo họ, trong đó có phần đất an nghỉ của nhà văn.
Hiện nay, khu tưởng niệm được trang hoàng, tu sửa lại khang trang hơn. Vào các dịp lễ, cha xứ cùng tín hữu cũng vào đây dâng lễ, cầu nguyện. Phía trước mộ của ông có bia đá tạc hình hai trang sách mở, chữ khắc chìm, nét chữ đen, mềm mại, nội dung ghi lời tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Trang bên trái được trích trong tác phẩm Đời Thừa (1943): “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có…”. Trang bên phải được trích trong tác phẩm Nhật Ký Ở Rừng (1948): “Sống đã rồi hãy viết… góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn…”
Có lẽ trên các trang viết, Nam Cao không thể hiện rõ các chi tiết Công giáo, nhưng tác phẩm của ông luôn truyền cảm hứng, gợi nhiều suy nghĩ về những lẽ ở đời. Một mặt chỉ ra những tiêu cực của xã hội đương thời, mặt khác kết dệt những quan niệm sống nhân văn, nhân ái. Tôi tin thấp thoáng sau lò gạch Chí Phèo là một tâm hồn âm thầm phản chiếu tinh thần của Chúa trong hoàn cảnh tế nhị. Trong truyện ngắn Giăng Sáng, Nam Cao từng viết: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”. Còn trong Đời Thừa, ông quan niệm tác phẩm văn học có giá trị phải “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. Đó chẳng phải là những giá trị cốt lõi của Tin Mừng mà Chúa đem đến cho nhân loại sao? Bởi lẽ, Chúa cũng dạy chúng ta yêu thương, tha thứ và phục vụ tha nhân. Và tôi cho rằng, cứ như ông, dù ở vai trò nào, cương vị nào, hãy cứ làm sáng đẹp Lời Chúa dạy trong chính cuộc sống thường ngày, với ơn gọi của mình, cũng là đang sống vai trò chứng tá đức tin.
Vân Anh - Hà Nam
Bình luận