Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước gần cửa biển quê mình, nơi có rẫy, có cá, có còng, có dưa.
Hồi đó, quê chị rất nghèo. Cả xã không có chợ, mọi người đều phải tự cung tự cấp cho bữa cơm hằng ngày. Lúa thì làm một vụ vào thời điểm nước ngọt, đến mùa nước mặn thì ruộng rẫy bỏ trơ, nứt nẻ. Người lớn lúc này đi móc mương, bồi liếp, ra sông rạch bắt tôm cá, hoặc đi làm mướn ở nơi khác, kiếm thêm thu nhập. Trẻ nhỏ ngoài thời gian đến trường, ở nhà trông em thì ra ruộng bắt cua, bắt còng…
Lúc đó sao mà đứa nào cũng giỏi! Ốm yếu như chị, ngón chân bé xíu không thể ấn vào hang còng ở ruộng để cho chúng trồi lên, thì cũng có cách tóm con vật nhỏ bé này. Chỉ cần một đoạn que nhỏ buộc vào đó sợi dây treo cái bông dâm bụt còn búp, chị đã trở thành “sát thủ” còng.
Lớn hơn một chút, chị xách giỏ theo ba đi soi vào mỗi buổi tối không trăng. Lần đầu, dõi theo ánh đèn bình ắc quy, chị sợ chết điếng khi nhìn thấy những ánh mắt xanh vàng lấp lánh. Ba chỉ cho chị biết đâu là mắt của loài ếch, nhái, đâu là mắt của rắn. Mỗi tối đi vài tiếng đồng hồ, cái giỏ trên tay của chị đã nặng trĩu, nào là cá, ếch, cua, thừa mứa cho bữa ăn ngày hôm sau.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Khi trở thành thiếu nữ, không còn theo bè bạn bắt còng, bắt cá, chị chèo ghe ra thị trấn học. May mắn chị có người cha không theo quan niệm khá phổ biến thời đó, “lấy thúng đong lúa, chứ ai lấy thúng đong chữ”, “con gái học nhiều để làm gì?”. Chị xong cấp ba và vào trường sư phạm, rồi lập gia đình, giã từ không chút luyến lưu vùng quê nghèo khó.
Theo chồng về thành thị, gạo trắng nước trong, chị xem như mình đã được đổi đời. Thời gian trôi đi, cha mẹ không còn, các em cũng có công ăn việc làm, không còn bám ruộng vườn, chân lấm tay bùn nữa nên hầu như chị không còn nhớ gì đến nơi chôn nhau cắt rốn. Họa chăng, hằng năm đến mùa hạn mặn, nghe báo chí nói về một nơi mà người dân phải thức trắng đêm canh từng giọt nước ngọt, chị thoáng nhớ đến quê.
Để hôm nay, lòng chị bỗng xốn xang khi nghe câu hát ru kia. Từng hình ảnh thân thương thời thơ ấu như cuốn phim chiếu chậm trước mắt chị. “Mình có ích kỷ và bội bạc quá không?”, chị thầm nghĩ.
Xách giỏ ra chợ, chị tìm đến một cô gái thường bán cua, còng bên Cần Giờ qua, mua một mớ. Trưa nay phải nấu một nồi canh chua còng với lá me non ăn cùng mắm ruốc. Chị dự tính nói với chồng, cuối tuần này về thăm quê. Rồi chồng chị sẽ hỏi, “Quê còn ai đâu mà về?”. Chị sẽ nói, “Ở đó vẫn còn tuổi thơ em mà!”…
Lê Du
Bình luận