Trong Tuần Thánh, các tín hữu khắp nơi một lần nữa được nghe lại trình thuật cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là nghe đọc Phúc Âm và đi đàng Thánh Giá. Chắc chắn mỗi người sẽ có những phút giây lắng đọng để ngẫm nghĩ sâu sắc ở một chặng đàng nào đó…
CÙNG VÁC THÁNH GIÁ
Anh Trần Văn Vinh (giáo xứ Thánh Phaolô, TGP TPHCM): Ở mỗi chặng, tôi chú tâm dõi theo để hình dung lại khung cảnh mà Đức Giêsu đã phải trải qua trong đau đớn, ê chề. Năm ngoái, giáo xứ đã cử hành nghi thức này theo phương thức diễn nguyện, nên tôi cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc ở từng chặng đàng. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý ở chặng thứ hai: Đức Giêsu vác Thánh Giá. Những giọt máu rơi xuống từ mão gai, từng tiếng roi vọt chát ngắt cùng hình ảnh Chúa vác Thánh Giá nặng nề trong lúc thể xác đớn đau rã rời khiến cảm xúc trong tôi dâng trào, rơm rớm nước mắt. Hình ảnh đó đã ghi dấu trong tâm trí mãi cho đến hôm nay và đánh động tôi trong cuộc sống hằng ngày. Lúc gặp khó khăn, thử thách hay biến cố, hình ảnh Chúa vác thập giá thôi thúc tôi can đảm chấp nhận thực tại, để cùng được vác Thánh Giá với Ngài, để thêm kiên vững vượt qua gian truân.
CHIẾC KHĂN CỦA BÀ VERONICA
Ông Trần Quang Khải (giáo xứ Tân Định, TGP TPHCM): Chặng thứ sáu gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ. Đây là chặng diễn tả cảnh bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu. Sự can đảm thể hiện lòng thương cảm, yêu mến của người phụ nữ khi thấy Đức Giêsu chảy máu. Quả là hành động mạnh mẽ mà dịu dàng, gợi cho các tín hữu về một lòng mến vượt qua những sợ hãi. Chiếc khăn của bà Veronica in hình ảnh khuôn mặt Chúa Giêsu đã trở nên ấn tượng, được luận bàn trong hậu thế. Dù chưa đến tận nơi chiêm ngắm, nhưng tôi đã nghe và đọc về “chiếc khăn của bà Veronica” như một trong những thánh tích có lịch sử hàng ngàn năm còn lưu lại ở Rome.
MỘT SỰ LẶNG THINH
Chị Đặng Thị Mỹ Phương (giáo xứ Bùi Thái, giáo phận Xuân Lộc): Đi viếng Đàng Thánh Giá mỗi Mùa Chay, chặng đàng cuối cùng đọng lại trong tôi nhiều suy tư. Tôi từng nghe một ý suy niệm từ chặng 14 là phải biết chết đi con người cũ, để cũng được sống lại với Chúa Kitô trong ngày sau hết. Khi đi viếng và suy ngẫm, có thể thấy những chặng đàng Thánh Giá cũng rất gần trong cuộc đời chúng ta. Khi đi lễ, thi thoảng tôi vẫn ngắm lại các đàng Thánh Giá. Riêng Mùa Chay thì có dịp nhìn lại để lắng lòng tĩnh tâm.
KHI NGÀI TRÚT HƠI THỞ…
Anh Trần Hiệp Thắng (giáo xứ Thới Thạnh, giáo phận Cần Thơ): Chặng thứ 12, Chúa Kitô chết trên thập giá khiến tôi hay suy nghĩ tới hình ảnh ngài bị bỏ rơi, bị phản bội. Cái chết và sự bất công ập tới. Trong Tin Mừng, khi đọc tới đoạn Chúa trút hơi thở cuối cùng, cộng đoàn cùng quỳ gối giây lát để chiêm nghiệm, tưởng niệm. Tôi thấy lòng mình chùng xuống vào những phút đó, tập trung để suy niệm về sự Thương Khó của Chúa, rồi cầu nguyện với Chúa. Từ cái chết của Chúa, tôi cảm thấy cũng có lúc những bất công dường như chiến thắng, những điều chưa chính đáng vượt lên sự thật, nhưng cuối cùng Chúa đã sống lại, sự thật luôn có sức mạnh. Chặng thứ 12 còn khiến tôi nghĩ tới sự mỏng giòn của mình và tin cậy vào Chúa.
CHẶNG THỨ TƯ
Chị Hồ Thị Bích Ngọc (giáo xứ Hiệp Nghĩa, giáo phận Phan Thiết): Tôi được đánh động ở chặng thứ tư: “Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá”. Có lẽ vì tôi là người mẹ nên hiểu được phần nào nỗi đau mà Đức Mẹ đã phải chịu đựng khi thấy con mình sắp phải bước đến cửa tử, bị đau đớn giày vò. Chợt nhớ lại thời gian từ lúc thiên thần truyền tin tới lúc Chúa Giêsu lớn lên, và cho đến thời điểm bị nộp cho quân Philatô, có lẽ lúc đó Đức Mẹ như muốn lịm đi vì thương con. Mỗi lần đi Đàng Thánh Giá, tôi đều dừng lại chặng thứ tư lâu hơn và ngẫm nghĩ về cuộc khổ nạn của Chúa, cũng như để thông phần đau khổ với Đức Mẹ, từ đó nhìn lại bản thân và cầu nguyện cho gia đình, xin ơn can đảm để vượt qua mọi khó khăn thách đố trong cuộc sống.
Nhóm phóng viên (thực hiện)
Bình luận