Làm quản trang ở những nghĩa trang Công giáo hay Nhà chờ Phục Sinh, mỗi người đều do những cơ duyên riêng, nhưng đều có điểm chung trong việc làm thầm lặng này, là tấm lòng với chốn thiêng, với người đã khuất…
Hóc Môn là một trong số những quận, huyện của TPHCM hiện nay còn nghĩa trang Công giáo. Chúng tôi có dịp gặp gỡ những người quản trang mà với họ, Đất Thánh là nơi gắn bó, là chốn thân thuộc…
Làm thầm lặng như một ân tình
Đất Thánh của giáo xứ Trung Chánh nằm trên trục đường Giác Đạo, xã Trung Chánh, nơi an nghỉ của hơn 3.000 ngôi mộ của bà con giáo dân. Quang cảnh chan hòa với lối đi hai bên rợp bóng mát, không gợn chút gì là hoang vắng, xa lạ…
Chúng tôi gặp người đàn ông cao niên đang ngồi trong chiếc lều nhỏ phía bên trái cổng ra vào, trong khi vợ ông là bà Lợi đang dọn dẹp những bình hoa héo trên các ngôi mộ, tay lau vội những ngôi mộ khác. Bà dẫn chúng tôi đến chỗ con trai đang tu sửa mồ mả, nói gọn lỏn:“Nó nay 37 tuổi, khi lên 3 là lúc gia đình tôi bắt đầu coi sóc nghĩa trang này”. Lúc đó, vợ chồng người giáo dân tân tòng lâm vào cảnh khó khăn khi nghề đan mành trúc không còn đất sống, con trai bị viêm màng não đến nguy kịch. “Trong lúc không biết phải bấu víu vào đâu, chúng tôi cầu nguyện và con trai được ơn chữa lành”, bà kể về ơn phúc nhận được, từ đó thêm chuyên chăm phận vụ giáo xứ trao phó.
Rồi như hiểu được thắc mắc tế nhị của người đối diện, bà Lợi chân tình: “Nguồn sinh sống của chúng tôi đến từ thân nhân người đã khuất. Họ trả công coi sóc mộ phần, chăm sóc hoa kiểng, dọn vệ sinh hoặc tu sửa khi cần thiết…”. Theo chân cha mẹ khi tấm bé, anh Tiền, con trai bà Lợi, đã quen việc phụ dọn rác, tưới hoa, thắp hương cho những ngôi mộ được “nhờ cậy”, cả những ngôi mộ “mồ côi” hay ít người viếng thăm. Lớn lên, Tiền đi học nghề thi công, tu sửa bia mộ để tiếp tục được làm việc bên cạnh cha mẹ mình, và có thể nuôi sống gia đình riêng khi đã thành gia thất.
Chia sẻ về công việc của mình, Tiền cho biết: “Làm việc này cần sự kỹ lưỡng, tận tâm, vì người sống hay đã khuất đều cần nơi che mưa che nắng tốt đẹp”. Phụ họa với con trai, bà Lợi kể luôn những phiền toái mà gia đình từng gặp phải khi bị trộm lẻn vào lấy hoa kiểng, bình gốm khiến thân nhân người đã khuất buồn lòng. Vậy nên phải lắp thêm các camera quan sát, thắp thêm đèn điện, cũng như luôn bật sáng đèn vào ban đêm để thân nhân từ các tỉnh thành, quận huyện xa đến viếng người thân.
Trên địa bàn xã Trung Chánh còn có một nghĩa trang Công giáo nữa là Đất Thánh giáo xứ Bạch Đằng. Đây là Đất Thánh với hơn 300 ngôi mộ, được thành lập cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Anh Phong làm quản trang ở đây kể: “Khi đó, phần đất của gia đình được cha tôi nhượng cho giáo xứ một nửa, hiến tặng một nửa. Ông cũng làm quản trang trong rất nhiều năm, cho đến khi qua đời thì tôi tiếp nối cho đến nay”.
Tuy chỉ mở cửa vào hai ngày cuối tuần và những dịp lễ giỗ của người quá cố, Phong vẫn dành 2-3 giờ mỗi ngày để làm cỏ, dọn rác, chăm sóc những ngôi mộ được thân nhân gởi gắm. Riêng những ngôi mộ “mồ côi”, anh kêu gọi lạc quyên trong xứ đạo để chỉnh trang, chăm chút cho tươm tất hơn.
Thường vào tháng 11 và dịp Tết, thân nhân đến bày trí hoa kiểng, thăm viếng đông, đồng nghĩa với việc người quản trang phải dọn dẹp đến khuya. Mỗi đêm giao thừa là mỗi lần người đàn ông trung niên này dành thời gian thắp nhang ở tất cả các ngôi mộ, rồi mất cả tuần để dọn “rác hoa” vào những ngày sau Tết, nhưng chẳng nề hà…
Và để làm ấm lên nơi lạnh lẽo
Không bận rộn như việc quản Đất Thánh, những người coi sóc Nhà chờ Phục Sinh (sau đây gọi tắt là nhà chờ) ở nhiều xứ đạo vẫn dành trọn thời gian trong ngày, trong tuần để túc trực phục vụ bà con. Coi sóc nhà hài cốt giáo xứ Thái Hòa, quận Tân Bình từ 5 năm qua, ông Tư Lộc gắn bó với công việc thiện nguyện sau khi nghỉ nghề sơn nước. Mỗi ngày, ông có mặt lúc 7 giờ sáng và hoàn tất công việc vào lúc 7 giờ rưỡi tối. Cứ sáng đến, ông quét dọn sân nhà xứ, mở cửa nhà hài cốt, để ý việc hoa nến nhang đèn… Mỗi dịp lễ tết, ông tự tay sơn tường, sơn cửa nhà chờ tươm tất.
Kể về kỷ niệm sau những năm gắn bó, ông Lộc nhớ lại: “Tháng đầu tiên với tôi là một thử thách, vì không quen ngồi một chỗ nên thời gian đầu buồn lắm, thấy một ngày sao mà dài quá, khi dần quen mới thấy công việc là niềm vui ”. Niềm vui theo cảm nhận của ông Lộc là những điều dung dị, rất đỗi gần gũi. Chẳng hạn như có lần “làm cầu nối” giúp người phụ nữ ngoại lục tuần, gia cảnh khó khăn, cuộc sống tha phương, khi người thân qua đời không có nơi gởi di cốt đã được an nghỉ nơi nhà chờ của giáo xứ. Chưa kể, làm việc nhà Chúa khiến cuộc sống của ông ngày một tốt hơn. “Vợ con tôi mừng và an tâm lắm, bởi tôi không còn như trước đây, lúc có việc thì đi làm, không việc thì chè chén với bạn bè, anh em”, ông kể thêm.
Cũng xem việc coi sóc nhà chờ là nơi gắn bó, ông Lương Văn Năm đã có hơn 20 năm phục vụ ở nhà hài cốt giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, quận 3, theo giờ hành chánh như công sở “ngoài đời”. Chỉ khác là ông được nghỉ làm vào thứ Hai, thay vì Chúa nhật, vì“Chúa nhật bà con đi lễ đông, tiện dịp đến thăm viếng người thân nên tôi vẫn túc trực”. Âm thầm bên chiếc bàn nhỏ với vài ba cuốn sổ, cây viết, ông thường xuyên cập nhật danh sách, thông tin về vị trí đặt hài cốt nơi nhà an nghỉ, giúp bà con đến viếng dễ dàng tìm nơi đặt hủ cốt người thân.
So với nhiều nơi, nhà chờ ở giáo xứ Lộc Hưng, quận Tân Bình có phần khang trang với 3 tầng lầu. Ông Chu Cao Giảng, người coi sóc nhà chờ nói lâu nay giáo xứ vẫn tạo điều kiện cho những gia đình ở chung cư, di dân ở phòng trọ trong và ngoài xứ đạo, khi có người thân qua đời được quàn linh cửu trong nhà chờ của giáo xứ. Mỗi lần như vậy, ông luôn chủ động mời các hội đoàn luân phiên đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố và tiếp nhận di cốt sau hỏa táng vào an nghỉ trong nhà chờ.
Sự phục vụ âm thầm, tận tâm, chu đáo của những người coi sóc Đất Thánh hay nhà chờ đã làm cho nơi lạnh lẽo trở nên ấm cúng, chốn hoang vắng trở thành một điểm đến, cây cối khô cằn được chăm chút đến xanh tươi. Người sống được ủi an và người chết được ấm lòng!
Bích Vân
Bình luận