Các nhà khoa học Brazil đang vận dụng công nghệ in 3D và những kỹ thuật khác để tái tạo khuôn mặt của các vị thánh Công giáo, và dự án mới nhất vừa thành công là phục dựng hình ảnh của thánh Valentine vào thế kỷ thứ 3.
Một nhóm các chuyên gia Brazil đang nỗ lực tái dựng khuôn mặt của những người thánh thiện nhất của Giáo hội Công giáo. Theo hãng tin Foco, Cicero Moraes, nhà thiết kế đồ họa máy tính, và Paulo Miamoto, nhà nhân chủng học, đã sử dụng kỹ thuật chụp CT hoặc X-quang, cũng như phép quang trắc học để vẽ bản đồ kỹ thuật số những hộp sọ của các vị thánh. Cùng với việc kết hợp các kết quả phân tích về nha, nhân chủng học và dữ liệu nghiên cứu lịch sử, mọi thông tin đều được nhập vào phần mềm 3D, từ đó sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt bằng cách đắp các cơ bắp, mô và màu da.
Nhà thiết kế Cicero Moreas gặp nữ tu Rosa Elvira Caceres ở tu viện Monasterio de Santa Catalina de Siena để kiểm tra hộp sọ của nữ tu Ana xứ Los Angeles Monteagudo - ảnh: Fôc News Agency |
Thổi hồn cho chân dung các thánh
Chuyên gia Miamoto, đang định cư ở Santos, một thành phố ven biển ở miền nam Brazil cho biết : “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra khuôn mặt của một cá nhân cụ thể dựa trên hộp sọ, mà theo chúng tôi là tương thích nhất so với hình ảnh khi họ còn tại thế. Mọi thứ được thiết kế để thu thập tất cả thông tin liên quan đến thời đại mà nhân vật đó còn sống, và mang lại những nét thật nhất có thể về khuôn mặt của họ”. Kế đến, những hình ảnh kỹ thuật số có kích thước như thật sẽ được nạp vào máy in 3D ở Trung tâm Công nghệ Thông tin Renato Archer tại Sao Paulo, sử dụng thạch cao trộn nhựa tốt nhất để tạo ra kết quả cuối cùng là tượng bán thân của các vị thánh.
Theo giải thích của chuyên gia Moraes ở Sinop, thành phố thuộc vùng trung tây Brazil, “quá trình in lại một khuôn mặt được tái dựng có thể diễn ra chậm chạp, nhiều khi phải mất cả ngày hoặc hơn để hoàn tất, do bản in 3D được kết hợp từ vài lớp khác nhau. Khi thành phẩm xuất hiện, nó giống như một bức tượng được điêu khắc, hoàn toàn trắng và trơn láng. Từ đây, chúng ta buộc phải gia cố những chi tiết về khía cảnh giải phẫu học, từng đặc điểm trên khuôn mặt, màu da và xây dựng thần thái nên có ở một người thánh thiện”.
(Từ phải sang trái) Các hộp sọ của Thánh Martin xứ Porres, thánh nữ Rosa xứ Lima và thánh John Macias - ảnh: Foco News Agency |
Vào tháng 6.2016, nhóm này đã trình làng thành phẩm cuối cùng trong dự án tái dựng khuôn mặt của thánh nữ Rosa xứ Lima, vị thánh bổn mạng của Peru, đã qua đời vào năm 1617; và nữ tu Ana xứ Los Angeles Monteagudo của Peru, người lìa thế vào năm 1686 và được tuyên chân phước vào năm 1985. Những nhân vật khác cũng được “hồi sinh” nhờ công của các chuyên gia Brazil bao gồm thánh Mary Magdalene và thánh Anthony xứ Padua của dòng Phanxicô Bồ Đào Nha, qua đời vào năm 1231.
Lần đầu tiên các ông Moraes và Miamoto nhận được đề nghị của Đại học Padova ở Ý yêu cầu tái dựng hình ảnh từ hộp sọ của thánh Antôn vào năm 2014. Công trình này dẫn đến đơn hàng thứ hai là phục dựng khuôn mặt của thánh Mary Magdalene dựa trên hộp sọ được bảo quản tại một nhà thờ ở Saint-Maximin-la-Sainte-Baume thuộc miền nam Pháp. Tương truyền bà Mary Magdalene từ Palestine đã lưu vong đến Pháp nhằm tránh bị xét xử, và cuối cùng đã qua đời tại đây. Hộp sọ được cho là của nữ thánh được gìn giữ bên trong một hộp thánh tích bằng vàng, và những người chịu trách nhiệm bảo quản thánh tích đã tự tay chụp ảnh theo yêu cầu và gởi cho nhóm chuyên gia Brazil.
Tượng bán thân của thánh Paulina - ảnh: Foco News Agency |
Cầu nối tôn giáo - khoa học
Sau khi hoàn thành dự án, các ông Moraes và Miamoto, đều là thành viên của Đội Nhân chủng học pháp y và nha pháp y Brazil, công nhận những hình ảnh lưu truyền trong tôn giáo về các vị thánh đã được phục dựng tương đối chính xác : “Trong trường hợp của thánh Antôn, chúng tôi phát hiện những đặc điểm trên khuôn mặt của ông thô hơn một chút so với hình ảnh được lưu truyền suốt 800 năm qua”. Chuyên gia Moraes thêm rằng, mũi của vị thánh mỏng hoặc nhỏ hơn, và môi thì dày hơn. Còn về thánh nữ Rosa, việc tái dựng khuôn mặt của bà cho thấy đây là một phụ nữ tuyệt đẹp, thánh thiện, với những đường nét mềm mại và đôi mắt to, hoàn toàn khác với các bức vẽ cổ điển về bà.
Gần đây, chuyên gia nghệ thuật đầy uy tín người Brazil là Mari Bueno đã nhập đội, và bà đã đảm nhận trọng trách tái hiện khuôn mặt của thánh Paulina, người phụ nữ đầu tiên của nước này được tuyên thánh vào năm 2002. Các thành viên của Dòng Vô nhiễm nguyên tội, phía đề nghị triển khai dự án và từng biết thánh Paulina khi còn sống, tỏ ra lo ngại rằng hình ảnh của bà trông quá nghiêm túc nên đề nghị thêm nụ cười vào bức tượng bán thân. Bà Bueno kể : “Tôi nghiên cứu các chi tiết về sắc da của thánh Paulina từ dữ liệu lịch sử. Tôi sử dụng hơn 5 lớp màu mực, lần lượt đắp lên trong vòng 40 ngày, trước khi có được thành phẩm”. Nữ tu Celia Bastiana Cadorin, người góp phần hoàn tất hồ sơ tuyên thánh Paulina sau nhiều năm kể từ khi bà qua đời vào năm 1942, bày tỏ niềm hân hoan khi thấy được tác phẩm “hoàn hảo” đó : “Nụ cười trên khuôn mặt của thánh Paulina cho thấy nét nhân hậu ở bà, rằng bà luôn vui vẻ dù trong những tình cảnh gian nan nhất”.
Ảnh phục dựng của thánh nữ Rosa xứ Lima - ảnh: Foco News Agency |
Công nghệ tối tân ngày nay đang nối kết tôn giáo và khoa học, nhất là khi các tín hữu Công giáo đặc biệt hoan nghênh các dự án phục dựng hình ảnh của những nhân vật thánh thiện của Giáo hội. Có thể nói, sự ra đời của công nghệ này đã thỏa mãn mong muốn được tìm hiểu lâu nay về diện mạo thực sự của các vị thánh. Trước khi có sáng kiến khoa học này, cộng đồng Công giáo chỉ có thể đoán những vị thánh đáng kính thông qua những mô tả trong sách vở và chân dung được lưu lại theo thời gian.
LING LANG
Bình luận