Nhiều người trung niên tâm sự rằng hồi nhỏ thường nghe các cụ đời trước gợi lại chuyện xưa bằng câu “từ hồi năm Thìn bão lụt”, “chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ…”. Về sau, nhờ Internet, người ta có dịp tìm hiểu nguồn gốc câu “năm Thìn bão lụt”. Thì ra câu này dùng để chỉ sự việc xảy ra từ rất lâu, bắt nguồn từ trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở miền Nam, khiến nhiều nơi như Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Vĩnh Long bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, tâm bão là vùng Gò Công, phía đông tỉnh Tiền Giang. Rất nhiều làng mạc ven biển Gò Công đã bị cơn sóng cao 3 mét cuốn trôi. Theo các nhà khoa học, trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904 là trận sóng thần, tầm ảnh hưởng của nó gần như trải khắp miền Nam Việt Nam, sang tận Campuchia. Sau thiên tai, chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thống kê được 5.000 người chết, hơn 80% súc vật chết và hơn 60% nhà dân bị sập. Từ đó, ca dao Gò Công có câu: “Gặp đây mới biết em còn/ Hồi năm bão lụt anh khóc mòn con ngươi”.
Theo mô tả của báo chí thời bấy giờ, những vùng gặp phải “năm Thìn bão lụt” đều bị chìm tàu ghe, cây cối ngã rạp, nhà sập người trôi, tang thương không kể xiết. Trong cuốn “Chuyện xưa tích cũ” của nhà văn Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình, hai tác giả đã trích dẫn một câu ca dao xưa để miêu tả miền Nam sau trận bão năm Thìn lịch sử:
“Vừa đi vừa ngó các đồng,
Trâu heo bò ngựa tràn đồng sình trương.
Tử thi xem thấy thảm thương,
Thây trôi như củi đào mương tấp vào”.
Không chỉ miền Nam bị tàn phá, Trung Bộ cũng hứng chịu lũ lụt lớn. Tại Thừa Thiên - Huế, một cơn bão cực mạnh quét qua, làm hư hại nhiều công trình kiến trúc, đền chùa miếu mạo, hơn 50 ngàn hécta ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào, gây mất mùa liên tục những năm sau đó.
60 năm sau “năm Thìn bão lụt” ở miền Nam, đại hồng thủy đã ập đến Quảng Nam vào năm Giáp Thìn 1964, được coi là trận lũ lụt vô tiền khoáng hậu, khắc ghi vào ký ức dân bản địa với tên gọi “thảm họa năm Thìn”. Mở đầu là mưa như trút nước nhiều ngày liền, sau đó xuất hiện nhật thực và nước lũ kéo về ầm ầm như thác đổ. Nhiều làng mạc ven sông Thu Bồn, Vu Gia gần như bị xóa sổ. Thống kê thời đó cho thấy Quảng Nam đã mất 6.000 sinh mạng do đại hồng thủy. Trong đó, làng Đông An thuộc huyện Nông Sơn, Quảng Nam bị lũ san bằng và mất đi hầu hết dân làng, từ 1.500 nhân khẩu chỉ còn 19 người sống sót.
Bất ngờ hơn, 60 năm trước thảm họa năm 1904, sử sách nhà Nguyễn còn ghi nhận một năm Thìn thiên tai khác: Giáp Thìn 1844, từ miền Bắc đến miền Trung đều chịu nạn lụt rất lớn. Tại miền Bắc, mực nước sông Nhị (sông Hồng) dâng cao hơn 4 mét. Nhiều làng mạc, đồng ruộng tại Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Quảng Yên bị ngập chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Tại miền Trung, Huế xảy ra mưa to gió lớn, nước ngập sâu 4,2 mét trong kinh thành. Kỳ đài (cột cờ) ở phía trước kinh thành đã bị gãy do gió mạnh, điều chưa từng xảy ra kể từ khi kinh thành Huế được xây dựng. Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên có hơn 1.000 người chết, 2.000 nhà bị sập hoàn toàn. Tại Quảng Trị, nước ngập sâu 6,72 mét, 79 người chết đuối, hơn 3000 ngôi nhà sụp đổ.
*
Bây giờ đang là năm Giáp Thìn 2024, chu kỳ 60 năm đã lặp lại với cơn bão Yagi ập xuống miền Bắc do ảnh hưởng từ hiện tượng La Nina. Hơn mười năm trước, thế giới từng xôn xao về lời tiên tri tận thế năm 2012 của người Maya, nhiều người Việt lo sợ “năm Thìn bão lụt” sẽ xảy ra vào năm Nhâm Thìn 2012. Ai ngờ thiên tai ập đến vào năm Giáp Thìn 2024.
Con người không nên ngó lơ lời cảnh báo của tự nhiên nữa. Ca dao, tục ngữ của các cụ về “năm Thìn bão lụt” vẫn còn đó, nhắc nhở hậu thế đừng bao giờ chủ quan trước thiên tai, nhất là những trận thiên tai diễn ra sau mấy chục năm yên ổn. Bởi “không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất”, biến cố lớn lao không đáng sợ bằng biến cố bất ngờ, khiến ta không lường được.
CUNG HẰNG
Bình luận