Hái lộc đầu năm là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt. Với tín hữu, “lộc đầu năm” là lộc Xuân, lộc thánh với nội dung gồm những câu Lời Chúa, như là cách mời gọi cộng đoàn Dân Chúa sống Tin Mừng trong năm mới cũng như trong cuộc sống thường nhật.

Cộng đoàn giáo xứ Biên Hòa hái lộc thánh dịp Tết Nguyên Đán 2024 - ảnh: Ban Truyền thông giáo xứ Biên Hòa
Nhận được lời nhắn nhủ “Thực thi đức ái” trong lộc thánh Tết Giáp Thìn, sau thánh lễ chiều Chúa nhật mùng 9 Tết tại nhà thờ Nam Hòa (hạt Phú Thọ, Tổng Giáo phận TPHCM), bà Maria Trần Thị Diễm chậm rãi cho tiền vào thùng lạc quyên để giúp người kém may, trong khi nhiều người khác chen nhau mua hàng ủng hộ nhóm gây quỹ thiện nguyện trong khuôn viên thánh đường. Bà cụ hơn 80 tuổi nói: “Tôi già rồi nên góp một chút gọi là của ít lòng nhiều. Tôi cũng khuyên con cháu chăm làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người lang thang hay vùng sâu vùng xa dù nhiều dù ít cũng cần”. Theo bà Diễm, lộc thánh của giáo xứ vào dịp Tết hằng năm đều được dán gần bàn thờ trong gia đình nhằm nhắc nhở mọi thành viên sống Lời Chúa trong bổn phận của từng cá nhân.
Háo hức chờ mong điều Chúa gởi gắm cho mình, chị Maria Trần Thị Út Hiền, giáo dân xứ Gò Vấp mở tờ giấy cuộn tròn ngay sau khi vừa hái lộc Xuân. Đọc thầm câu: “Thánh ý của Thiên Chúa là muốn tất cả anh em được nên thánh” (Ep 1,4), Hiền hiểu rằng chị cần tiếp tục cố gắng trở nên chứng nhân khi sống giữa gia đình chồng là những Phật tử. Theo người phụ nữ 45 tuổi, những bất hòa, những khác biệt văn hóa, tôn giáo trong gia đình sẽ ngày càng được hóa giải khi cả hai bên mở lòng sống hòa hợp với nhau, đón nhận nhau. Khoe với chúng tôi về lộc thánh năm mới, nữ kế toán cho một công ty sản xuất về cơ khí thừa nhận chị đã có lúc cảm thấy cô đơn khi một mình tham dự thánh lễ vì chồng không cùng tôn giáo và trong nhà có hai bàn thờ của hai tôn giáo. Là phận dâu con, thỉnh thoảng chị lau bàn thờ, thay bông hoa, thắp nhang bàn thờ của gia đình chồng mà trong lòng không thôi lo sợ, áy náy. Cho đến Tết Nguyên đán năm ngoái, nhận được lá lộc đầu Xuân với nội dung “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9), chị mới giải tỏa được nỗi trăn trở trong nhiều năm. Theo suy nghĩ của người phụ nữ tuổi trung niên: “Câu Lời Chúa quá hay, quá hợp với hoàn cảnh và cuối cùng đã giải tỏa được khúc mắc của tôi trong hơn 10 năm qua”.
Với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”, giáo phận Cần Thơ nhân dịp Xuân này cũng đã gởi những thông điệp xoay quanh chủ đề năm mục vụ 2024 trong những lá lộc thánh đến bà con giáo dân các xứ đạo. Tham dự thánh lễ giao thừa tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận, chị Maria Nguyễn Thị Kim Phượng hái được lộc với thông điệp “Hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em”. Thừa nhận hạn chế của bản thân đôi khi cứng nhắc trong quan niệm sống, ít giao du với những người xung quanh, người phụ nữ 54 tuổi làm trong ngành truyền thông cảm nhận: “Lời nhắc nhở của lộc thánh thúc đẩy tôi canh tân đời sống, giao hòa với mọi người và tham gia vào đời sống Giáo hội. Trong điều kiện hiện tại, tôi sẽ xin vào hội Legio Mariae và cộng tác với xứ đạo trong việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo...”.

Làm trong ngành truyền thông, anh Giuse Nguyễn Trung Hoàng, ngụ tại giáo xứ Thái Hòa, giáo phận Phú Cường đã rất ngạc nhiên khi hái được câu lộc phù hợp với ngành nghề đã chọn trong 16 năm qua. Đọc rõ từng chữ “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của thần khí, nhất là ơn nói tiên tri” (1Cr 14,1), người thanh niên mới du lịch đến Vatican cách đây vài tuần nở nụ cười nói rằng đây là lần đầu tiên anh hái lộc thánh dịp Tết. Hoàng hứng khởi: “Đường hướng ơn trên soi dẫn giúp tôi ý thức công việc của mình là một sứ vụ chứ không chỉ là một công việc kiếm sống đơn thuần như vốn nghĩ”.
Miệt mài làm việc trong một công ty may mặc ở khu công nghiệp Biên Hòa, chị Anna Trần Thị Thanh Thúy, giáo xứ Kẻ Sặt, giáo phận Xuân Lộc, kể rằng áp lực công việc trong 3 năm qua khiến có lúc muốn buông bỏ tất cả. Trong điều kiện khó khăn sau dịch, khối lượng công việc tăng gấp 2 lần nhưng không được tăng lương, những khi quá mệt mỏi Thúy cố gắng dành thời gian tham dự thánh lễ hằng ngày sau giờ làm và sau đó, chị cảm thấy bình an thư thái. Mở tờ lộc thánh “Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28), cô gái 35 tuổi khẳng định: “Lời Chúa như soi sáng những gì tôi đã trải qua và cũng là sự ủi an cho tôi trên bước đường tiếp đến”.
Về ý nghĩa của truyền thống hái lộc đầu năm, cha Đaminh Trần Công Hiển, chánh xứ Biên Hòa cho biết, người Việt có tập tục hái lộc Xuân để cầu mong điều may mắn, thịnh vượng. Truyền thống đó đã hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của Giáo hội và với người tín hữu, lộc thánh chính là Lời Chúa. Theo vị linh mục đặc trách giới y tế Công giáo của giáo phận Xuân Lộc, cái hay của lộc thánh là “Lời Chúa phù hợp với mọi người, mọi hoàn cảnh”, và tin rằng khi thực hành thông điệp lộc thánh đã chuyển tải, năm mới sẽ được Thiên Chúa ân ban, chúc phúc. Hòa vào nhịp sống giáo phận với chủ đề “Giáo hội hiệp hành nhờ Lời Chúa và Thánh Thể”, cha Đaminh khẳng định việc khuyến khích cộng đoàn Dân Chúa sống Tin Mừng theo thông điệp lộc thánh và chủ đề Năm Mục vụ giáo phận là một trong những phương thức góp phần thăng tiến đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
Bích Vân
Bình luận