Sắp đến Tết Giáp Thìn. Người người nô nức dọn cửa dọn nhà để đón Xuân mới. Ngày Xuân còn là dịp để mọi người dâng lời tạ ơn Chúa vì đã qua đi một năm, thêm một tuổi. Tết là dịp sum họp gia đình, thăm gặp lẫn nhau, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: vạn sự như ý Chúa là mong muốn của từng người tín hữu.
Có một điểm đến mà người giáo dân chúng mình không quên nhắc nhau nhân dịp Xuân về, đó là các cha già đang nghỉ hưu tại nhà Tĩnh dưỡng các linh mục, hoặc tại một vài nhà hưu khác thuộc địa phận gốc của các cha. Những vị mục tử đã cống hiến cả một đời cho Thiên Chúa và Hội Thánh, nay lui về phía sau nghỉ ngơi. Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã nói thời gian hưu trí là thời gian mà Giáo hội dành để tri ân các linh mục, là quyền lợi của các ngài được đón nhận sau quãng đời cống hiến tâm trí, sức lực cho Dân Chúa.
Xuân đến, khi còn đang phục vụ tại xứ đạo và các cộng đoàn thì ít nhiều cũng có niềm vui khi giáo dân, các đoàn thể, thân hữu xa gần đến chúc Tết. Nay các cha lui về nghỉ, vui sống bên nhau trong nhà tĩnh dưỡng, mỗi người mỗi phòng, lặng lẽ âm thầm “Mình với ta, Mình với Chúa” mỗi ngày, từng ngày. Ngày Xuân, nếu có những người giáo dân đến chúc tuổi, thăm hỏi cũng thật là niềm vui trong tuổi già.
Đức Thánh Cha Phanxicô khi viếng thăm nhà hưu dưỡng tại Rome đã cám ơn các linh mục trong nhà hưu về những hy sinh của các ngài:“Tôi rất hạnh phúc khi đến viếng thăm các cha. Tôi đến để cám ơn các cha”.
Có một nét đẹp trong Tổng Giáo phận là hàng năm, các giáo xứ đều có các đoàn do linh mục chánh xứ và Hội đồng mục vụ, các đoàn thể ghé thăm các nhà hưu linh mục. Dịp Tết đến, nét đẹp này nên được phát huy, không nhất thiết phải là số đông nhưng ít là các vị đại diện giáo dân nhớ đến các cha đã từng coi sóc mình. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, đó là đạo lý của con người cũng là giới răn thảo hiếu Chúa dạy.
Ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã báo động về nền văn hóa dường như gạt bỏ người cao tuổi. Ngài gọi đó là sự phản bội nhân tính, là điều tồi tệ nhất khi chọn lọc cuộc sống dựa trên sự hữu ích, dựa trên tuổi trẻ chứ không phải người cao tuổi… Nơi đâu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, ở đó sẽ gặp hậu quả là hình thành một thế hệ không có quá khứ, tức là không có cội nguồn.
Viếng thăm những linh mục hưu cũng là dịp các tín hữu gợi lại cho các ngài khung cảnh họ đã sống trong đời mục vụ, mà một cách nào đó cũng là sự khích lệ là vẫn còn những dịp “mục vụ” trong khả năng của mình. Thật xúc động khi biết rằng ở tuổi già, nhiều cha vẫn cố gắng hoàn thành những điều có ích cho giáo dân như viết sách, ngồi tòa giải tội, hoặc tham gia một sinh hoạt nào đó với một cộng đoàn, đoàn thể…
Đỗ Lộc Hưng
Bình luận