Chị nói làm nghề này em phải nhớ là luôn xài chữ “dạ”. Lời dạy nhập môn ấy đã gần hai mươi năm qua, tôi vẫn còn ghi nhớ. Đó là khi tôi chập chững bước vào ngành viễn thông, với cấp bậc thấp nhất, gọi là điện thoại viên. Nôm na là trực tổng đài, đợi khách hàng gọi tới thì trả lời, hỏi han, trao đổi, chăm sóc này nọ.
Và chữ cửa miệng tất nhiên là “dạ”. “Dạ đài 151 em nghe! Dạ em ở bên nhà mạng di động”… Rồi thì “Dạ anh vui lòng giữ máy”, “Dạ chị thông cảm dùm em”. Cái tiếng “dạ” tưởng chừng đơn giản ấy, hóa ra giúp mình làm dâu trăm họ, tập sự kiên nhẫn, biết lắng nghe, nắm bắt ý người mình đang tiếp chuyện, càng hiểu rõ chính cách ăn nói sẽ giữ gìn được hòa khí.
Một cô giáo trẻ kể chuyện hồi đi dạy kèm, ông nội đứa học trò ngang tuổi cha cô ấy. Vài lần cô tới sớm, bác ấy hay tiếp chuyện với cô gia sư. Và điều đặc biệt là bác luôn có chữ “dạ” ở đầu câu: “Dạ hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô”; hoặc “Dạ cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút”. Đã lâu lắm rồi, mà ngôn ngữ của bác ấy khiến cô ấy nhớ mãi: “Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”, “Dạ năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không được như xưa”…
Bây giờ có còn cảnh mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô” hoặc “Thưa cô con đọc bài” nghe cũng sốt ruột nhưng rất ưng bụng không? Dạo quanh mạng xã hội, thỉnh thoảng bắt gặp dân tình đối đáp có chữ “dạ”, chữ “thưa” mà thấy ấm lòng. Ví như, “Dạ cho em xin chia buồn cùng anh và gia đình”. Thế thôi, mà thiện cảm, mà tin rằng người viết nên câu giản dị ấy cái tầm văn hóa phải thế nào…
Ai hay sử dụng tiếng Anh sẽ không ác cảm với chữ “OK”, đó chẳng phải là lối nói xấc xược, đôi khi bị hiểu lầm. Nhưng bạn có công nhận rằng, nếu chốt câu chuyện bằng cách “dạ anh”, “dạ chị”, “dạ chú”, thì vẫn thấy vui hơn “OK” gọn lỏn? Đặc biệt nếu đó là nhân viên nói với cấp trên, người ít tuổi trao đổi với bậc trưởng bối.
Nhiều gia đình vẫn dạy con nói năng luôn phải có chữ “dạ”. Ví như “Dạ thưa dì con 5 tuổi”. Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, đang ngại quá, thì nghe anh nói: “Dạ không sao, chị cứ để tui!”.
Bạn từng nghe “Dạ vâng” bao giờ chưa? Nhiều người bảo vui rằng, đó là sự “giao hòa văn hóa Bắc Nam” khi gộp lại cách nói của cả hai vùng miền. Lại có người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ “dạ” là tỏ thân phận kém cỏi, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. Đâu biết, chữ “dạ” đệm đầu khiến câu nói thêm phần nhẹ nhàng, khiêm tốn, và thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải nịnh nọt, thấp bé gì đâu! Chỉ sợ sau này nếp giao tiếp đẹp đẽ ấy mai một, mới là đáng lo.
Hoàng My
Bình luận