40 năm qua, với tình yêu thương, những người phục vụ Chương trình Bạn Trẻ Em Ðường Phố đã giúp cho hàng ngàn trẻ lang thang kiếm sống ngoài đường, trẻ nhập cư hay đang trong hoàn cảnh đặc biệt được học hành, chăm sóc sức khỏe, có chỗ ở an toàn, để các em tránh xa cạm bẫy và trưởng thành, hòa nhập với xã hội…
Trước những cảnh đời cơ cực của trẻ lang thang
Được thành lập từ năm 1984, “Bạn Trẻ Em Đường Phố” được nhiều người biết đến với cái tên FFSC quen thuộc, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Friends For Street Children. Chương trình ra đời từ nỗi thao thức của một cựu tu sĩ - ông Thomas Trần Văn Soi, khi chứng kiến nhiều trẻ em phải lao động kiếm sống từ rất sớm trên những nẻo đường tại TPHCM, thiếu sự giáo dục và chăm sóc sức khỏe, một số em bị cuốn vào những tệ nạn xã hội và ít có cơ hội thoát ra. Hầu hết sống trong những gia đình khó khăn, có em mồ côi, không nơi nương tựa. Xuất thân từ dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo nên ông Soi trăn trở, muốn giúp các em được học văn hóa, học đạo đức làm người, có cuộc sống an toàn hơn. Khởi đầu của chương trình là một trung tâm thí điểm dạy học cho trẻ đường phố được mở ra tại đường Thạch Thị Thanh (Q.1) với tên gọi “Trung tâm Phát Huy”, tập hợp các em kiếm sống quanh khu vực chợ Tân Định. Rồi dự án được mở rộng và thêm nhiều trung tâm khác hình thành ở nhiều địa bàn, với sự cộng tác của đội ngũ tình nguyện viên, nhân viên xã hội cùng các nữ tu. Năm 1995, trụ sở chính của FFSC được đặt tại ngôi nhà nằm trong con hẻm đường Võ Thị Sáu (Q.3), là căn nhà do ông Soi cho mượn để tiện hoạt động. Hai năm sau, Chương trình chính thức trực thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM, với hệ thống các lớp Phát Huy, lớp nghề và mái ấm. Dù không còn tham gia điều hành trực tiếp do đi định cư ở nước ngoài, nhưng người sáng lập FFSC vẫn dõi theo, quan tâm, tìm nguồn tài chánh hỗ trợ chương trình.
Theo thời gian, việc chăm lo cho trẻ cũng mở ra hơn với nhiều hình thức, không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ trẻ em khó khăn hiện thời, mà còn ngăn ngừa để các em không trở thành trẻ lang thang đường phố…
Niềm vui của người phục vụ
40 năm hiện diện, trải qua những thăng trầm, FFSC vẫn kiên trì với sứ mệnh của mình. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Bích Huyền (dòng Đa Minh Thừa Sai Phú Cường) - Chủ nhiệm Chương trình, cho biết, hiện FFSC có 3 Trung tâm Phát Huy và 6 điểm hỗ trợ học bổng hoạt động đều đặn, chăm lo cho trên dưới 1.000 trẻ em. “Tôi tiếp nhận phụ trách Chương trình được 3 năm nay, ở khâu tổ chức, có chọn lọc lại những hoạt động thiết thực để tiếp tục phát huy. Làm việc với các em có hoàn khó khăn, có thể giúp cho nhiều mảnh đời, mình cảm nhận rõ hơn niềm vui của người phục vụ”, sơ Huyền nói.
Niềm vui phục vụ cũng là điều mà những người làm việc cho FFSC ở những thời điểm khác đã cảm nghiệm được. Cùng hội dòng với sơ Huyền, nữ tu Maria Goretti Nguyễn Thị Thu Sa từng ngược xuôi trong bộ đồ bảo hộ để lo cho các trẻ giữa mùa dịch Covid-19. Thời điểm ấy, nhiều em ở mái ấm bị nhiễm bệnh phải cách ly, sự sống chết chỉ trong gang tấc, nhưng sơ Sa may mắn không mắc bệnh. Nhìn lại, người nữ tu cảm nhận được bàn tay quan phòng của Thiên Chúa: “Hẳn Chúa đã giữ gìn để mình có sức khỏe phục vụ các em!”. Dù nay đã được nhà dòng trao cho sứ vụ khác nhưng những tháng ngày chăm lo cho “các con” - theo cách gọi của sơ - là khoảng thời gian đầy dấu ấn.
Trong buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập FFSC gần đây, khi được hỏi điều gì ý nghĩa nhất với người sáng lập khi nhìn lại chặng đường dài của chương trình, ông Soi nói từ đầu cho tới bây giờ, trong ông vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc vì bản thân đã góp phần vào sự an toàn, thanh thản cho những đứa trẻ: “Từ đứa bé bụi đời, lang thang, có thể bị trấn lột, ngủ ngoài đường bị muỗi cắn, các em được đưa vào mái ấm… Chưa cần nói đến tương lai xa xôi, chỉ nghĩ đến mỗi lúc mỗi ngày các trẻ có một giấc ngủ an bình là mình thấy vui rồi”.
Từ những lớp học Phát Huy hay mái ấm, những phần học bổng hỗ trợ, có biết bao mảnh đời khó khăn đã được đỡ nâng, trưởng thành vào đời. 40 năm trôi qua rồi nhưng thế hệ học trò đầu tiên vẫn nhớ lớp học và những người thầy xưa. Có người nay chỉ làm công việc rất đơn giản, song vẫn đầy niềm trân trọng tháng ngày được học tập từ Chương trình FFSC, như chị Thanh Vân, 50 tuổi, bán bánh bèo ở quận 1, xúc động ôn lại những kỷ niệm của thời còn là đứa trẻ lang thang ở chợ Tân Định: “Hồi ấy lớp học không được khang trang như bây giờ, có khi học ở chùa nhưng chúng tôi không bao giờ quên sự nâng đỡ, quan tâm của các thầy, tôi nhớ ngoài bố Soi, còn có thầy Bảo Lộc…”. Thầy Bảo Lộc mà chị nhắc đến chính là linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, đặc trách Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn, Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM hiện nay. Việc dạy học ở lớp tình thương Tân Định ngày ấy cũng là giai đoạn đáng nhớ trong thời tuổi trẻ của cha.
*
Sáng ngày 22.8.2024, một thánh lễ đồng tế tạ ơn, mừng FFSC tròn 40 năm tuổi đã diễn ra ấm cúng tại Trung tâm Phát Huy Bình Triệu - Thủ Đức, do linh mục Giuse Trần Minh Khải - dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc chủ sự. Giảng lễ, cha Giuse Nguyễn Huy Hoàng - Bề trên cộng đoàn dòng Thừa Sai Thánh Tâm tại Việt Nam - đã mời gọi mọi người nhìn vào Chúa Giêsu để thấy phần lớn hành trình cuộc đời Ngài là “ở ngoài đường”, từ lúc còn trong cung lòng Mẹ đến khi được sinh ra, rồi đi rao giảng Tin Mừng và chịu chết trên thập giá. Ngài trở thành bạn bè của nhân loại, nhất là của người nghèo khổ, yếu thế, trong đó có trẻ em đường phố. Hôm nay, mỗi người cần học ở Chúa sự hiền lành, khiêm nhường để trở thành bạn của nhau, và bạn các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt…
Nhiều Kitô hữu, bằng mỗi cách thức khác nhau, đã đi tìm và gặp Chúa Giêsu trong đời thường. Phải chăng những người làm việc với FFSC trong tâm tình phục vụ và yêu thương, cũng đã tìm thấy gương mặt Đức Giêsu giữa lòng đời, qua các trẻ em đường phố?
LIÊN GIANG
Bình luận