Mâu thuẫn trong cách dạy con là một trong những nguyên nhân dễ gây bất hòa giữa hai vợ chồng. Nói cho cùng, tất cả cũng xuất phát từ ý thức thương con, muốn cho con nên người, nhưng không phải ai cũng như ai khi dạy dỗ con. Nhiều trường hợp rất đáng để suy ngẫm.
Xuất thân từ gia đình lao động nghèo nên dù bây giờ đã có nhà cao cửa rộng, anh Hải vẫn luôn dạy con tinh thần tự lập, yêu lao động, tự phục vụ mình là chính, mặc dù trong nhà có người giúp việc. Tuy nhiên, vợ anh thì cho rằng, nay đã khác xưa, khi khá giả phải cho con cái hưởng thụ. Anh khăng khăng, nếu nuôi con theo kiểu của chị, chúng lớn lên sẽ trở thành những “cậu ấm, cô chiêu” quen sai bảo người khác chứ không làm được trò trống gì. Vợ chồng cứ thế mà tranh cãi, hai con thì hoang mang, không biết phải nghe ai.
Nhiều lúc vợ chồng gay gắt vì con từ khi chúng còn thơ. Lấy nhau hai năm, khi cuộc sống đã tương đối ổn định, vợ chồng anh Minh mới có kế hoạch sinh em bé. Bé Mi ra đời trong niềm vui của gia đình. Cả hai vô cùng nâng niu thiên thần bé nhỏ của mình. Nhưng tiếc rằng trong việc chăm sóc con, họ không cùng quan điểm. Anh thì cho rằng bé còn nhỏ, chị thì muốn đưa con vào “nề nếp”, ăn, ngủ đều phải đúng giờ quy định. Ai cũng trưng những “bằng chứng khoa học” lẫn kinh nghiệm từ gia đình lớn để bác bỏ lẫn nhau.
Dạy dỗ khi con lỗi lầm cũng ít khi thống nhất. Không khí gia đình anh Trung gần đây luôn nặng nề vì chuyện cậu quý tử thường xuyên bỏ học chơi “game”. Anh rất tức giận, ngày nào cũng mang con ra mắng mỏ, thậm chí có lần còn tát tai nó. Vợ anh không đồng ý với lối giáo dục này. Cho rằng con đang tuổi mới lớn, tâm sinh lý thay đổi nên phải uốn nắn từ từ. Thế nhưng, chị cũng chỉ biết bênh con và bao che, chứ bản thân cũng không có giải pháp để con từ bỏ thói xấu. Mỗi khi thằng bé làm điều sai quấy, thì cũng là dịp để hai vợ chồng đổ lỗi, công kích lẫn nhau.
***
Các chuyên gia cho rằng, trong việc dạy con, vợ chồng cần bình tĩnh, bàn bạc để đi đến thống nhất. Đừng xem cái tôi của mình là quan trọng, mà nên dung hòa để dạy con tốt hơn. Không nên dùng đứa trẻ để làm bằng chứng về sự thắng thua của mình. Nếu thấy vợ, hoặc chồng quá nghiêm khắc thì nên đợi khi không có con mới nhẹ nhàng góp ý. Điều quan trọng nhất, các bậc cha mẹ phải xác định được mình mong muốn con trở thành người như thế nào, trên cơ sở đó để cùng thống nhất về cách giáo dục, từ việc định hướng cho con đến việc áp dụng các biện pháp khen thưởng hay trách phạt.
Thiên Lý
Bình luận