Ngày nay, khi nhìn vào Hội Thánh Công giáo, có thể nhận thấy Hội Thánh là một tổ chức quy củ, có thành phần nhân sự đông đảo được sắp xếp theo phẩm trật, có đường lối sinh hoạt rất rõ ràng theo nhu cầu, giai đoạn hoặc thời kỳ. Ðiều nổi bật là Hội Thánh hầu như hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới, từ quốc gia lớn đến những tiểu quốc, những vùng hẻo lánh xa xôi… Có ý kiến cho rằng sở dĩ Hội Thánh có được như vậy là do sự chung sức của con người, với nhiều tài năng và thiện chí.
Hội Thánh quả có được những kết quả như vậy. Tuy nhiên, sự thật không hẳn là như vậy. Nếu xét về chiều sâu của tâm linh, thì Hội Thánh còn có động lực khác nữa quan trọng hơn, giúp tiếp tục tồn tại và phát triển trong gần hai ngàn năm của lịch sử, và còn tiếp tục hướng về tương lai, chính là nhờ động lực siêu nhiên mà Hội Thánh liên tục vượt qua biết bao thăng trầm để tồn tại và phát triển. Sự quan tâm đến động lực siêu nhiên này giúp hiểu biết Hội Thánh nhiều hơn và an tâm tin tưởng vào Hội Thánh hơn.
Động lực siêu nhiên giúp hình thành và phát triển Hội Thánh
Sự khơi dậy việc thành lập Hội Thánh khởi đầu là do Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã đề cập đến việc thành lập Hội Thánh khi Người trực tiếp nói với ông Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…” (Mt 16,18-19). Đức Chúa Giêsu còn hỏi Phêrô tới 3 lần “Anh có yêu mến Thầy không?”, rồi mới trao quyền “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
Những yếu tố đã nêu cho thấy chính Chúa Giêsu đã khởi xướng và chuẩn bị nhân sự cho việc thiết lập Hội Thánh. Nhưng mãi cho tới khi Chúa Giêsu ngự về trời, Hội Thánh vẫn ở trong tư thế ẩn, chưa có sự xuất hiện, chưa có các dấu hiệu tỏ tường bộc lộ ra bên ngoài. Tất cả ở trong tư thế chờ đợi và cầu nguyện.
Chúa Thánh Thần nối tiếp công trình xây dựng Hội Thánh
Lễ Ngũ Tuần đã được xem như cuộc lễ xuất phát công khai của Hội Thánh mà sự chủ động là Chúa Thánh Thần. Tất cả những điềm thiêng dấu lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện vào ngày lễ Ngũ Tuần đã chứng minh sức mạnh và quyền uy của Người. Nhưng Chúa Thánh Thần không phải chỉ xuất hiện thế rồi thôi, mà còn đánh dấu thời gian tiếp tục công trình xây dựng Hội Thánh cho đến tận thế.
“Vậy sau khi công trình mà Chúa Cha trao cho Chúa Con thực hiện nơi trần thế đã được hoàn tất, thì Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày lễ Ngũ Tuần, để Ngài thánh hóa Hội Thánh liên lỉ. Lúc đó, Hội Thánh được tỏ hiện một cách công khai trước mặt dân chúng, và Tin Mừng bắt đầu được truyền bá cho muôn dân qua việc rao giảng. Bởi vì là cuộc triệu tập mọi người đến với ơn cứu độ, nên tự bản chất của mình, Hội Thánh có tính chất thừa sai, được Đức Kitô sai đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ” (GLHTCG 767).
Chúa Thánh Thần tiếp tục chăm lo dạy dỗ và hướng dẫn số môn đệ có sẵn, trang bị các nhu cầu cần thiết để chu toàn nhiệm vụ. Ngài còn tiếp tục mở rộng việc thu thập nhân sự và hướng tới việc mở rộng nước Thiên Chúa giữa trần gian.
“Chúa Thánh Thần dạy dỗ và hướng dẫn Hội Thánh bằng nhiều hồng ân theo phẩm trật và theo đặc sủng, để Hội Thánh thực hiện sứ vụ của mình. Từ đó, được trang bị bằng các hồng ân của Đấng Sáng Lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới luật của Người, về bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Hội Thánh lãnh nhận sứ vụ loan báo và thiết lập Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc, và tạo thành mầm mống và điểm khởi đầu của Nước này trên trái đất” (GLHTCG 768).
Hội Thánh với sự chung sức của mọi thành phần Dân Chúa
Vì Hội Thánh được thiết lập cho con người, nên Hội Thánh rất cần sự chung sức tham gia của mọi thành phần Dân Chúa. Chính Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần rất quan tâm đến việc tuyển chọn, giáo dục, hướng dẫn, để các thành phần trở thành môn đệ, trở thành tông đồ của Hội Thánh. Công cuộc chuẩn bị và giáo dục nhân sự đã được thực hiện quy mô qua nhiều thời đại của lịch sử. Dầu vậy, không hẳn lúc nào số nhân sự của Hội Thánh cũng hoàn thiện cả. Số nhân sự có lúc tăng, giảm; có lúc thành công tốt đẹp, nhưng cũng có lúc gặp khó khăn thử thách. Đã có những thành phần nhân sự giúp ích rất nhiều cho Hội Thánh; nhưng cũng có số thành phần gây trở ngại cho Hội Thánh. Có những đóng góp ôn hòa, chân thành, đầy kiên nhẫn và khiêm nhu; nhưng cũng có thành phần bộc trực, nóng nảy, quá khích… Tình trạng này đã chẳng những không làm cho cuộc sống đạo của tập thể tốt hơn, mà còn làm cho bầu khí sống đạo xấu đi, gây buồn phiền chán nản giữa tập thể hoặc giữa cộng đoàn, gây gương xấu cho đồng bạn và làm mất thanh danh của tập thể, làm mất ảnh hưởng của đạo Chúa.
Bởi vậy, người tín hữu cần quan tâm đến cách sống, cách làm nhiệm vụ, cách phát biểu liên quan đến Đạo Chúa sao cho chuẩn mực, ôn hòa, thanh thản, khiêm nhu, để mọi người có thể nhìn vào tín hữu mà ca tụng Chúa Cha trên trời.
Điều hệ trọng nữa, đó là quan tâm đến việc dẫn dắt, cai quản của Chúa Thánh Thần. Bởi vì Hội Thánh không hoạt động một mình, Hội Thánh luôn có Chúa Thánh Thần dẫn dắt, nên bất cứ mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, có cử chỉ ra sao, cần phải lưu tâm đến việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Người tín hữu không thể tham gia xây dựng Hội Thánh theo kiểu “múa gậy vườn hoang”, hành động tùy sức và chủ quan, mà luôn nhớ rằng Chúa Thánh Thần đang dõi theo hướng dẫn mọi hoạt động và có thể loại bỏ bất cứ những gì không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa tức không phù hợp với Tin Mừng.
Có ý thức được như vậy, thì sự đóng góp xây dựng Hội Thánh nhất định thành công, và góp phần thiết thực cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Mt Từ Linh
Bình luận