Vài năm gần đây, người lao động nhập cư ở nhiều thành phố, đô thị lớn có xu hướng quay trở về quê hương làm việc. Ðây không chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn, mà phản ánh, dự báo về một xu hướng dài hạn. Người nhập cư đã có nhiều hơn một chọn lựa nghề nghiệp, nơi sống.
Không chỉ diễn ra ở TPHCM, Hà Nội, ở các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương..., làn sóng bỏ phố về quê cũng khá phổ biến. Những khu nhà trọ vốn đông đúc, náo nhiệt giờ đây đã trở nên đìu hiu vì công nhân trở về quê hương tìm việc. Sự dịch chuyển này không chỉ đơn thuần là chuyển nơi làm việc, mà còn là hành trình tìm và gây dựng một cuộc sống yên bình, nhưng vẫn đủ đầy, phát triển, của nhiều người lao động. Cuộc sống bấp bênh tại thành phố lớn đang là rào cản lớn cho lao động ngoại tỉnh. Số đông xa nhà vào các thành phố lớn, sau khi đi làm hàng chục năm nhưng lương chỉ đủ ăn uống cơ bản, thuê nhà và bù vào vật giá leo thang… Nếu không được hỗ trợ, chu cấp nơi ăn ở, họ không dễ có dư. Thậm chí, các khoản chi tiêu còn phải cân đong đo đếm thiệt hơn so với mức lương tương đương nếu làm ở quê. Sự bấp bênh tại thành phố lớn là một thách thức lớn cho lao động ngoại tỉnh.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều người lao động “di cư ngược” về quê là nỗ lực thay đổi, đưa ra các chính sách mới về quyền lợi và đào tạo nguồn nhân lực từ các địa phương. Hiện nay, nhiều nơi có chính sách ưu đãi nhằm thu hút công nhân về quê làm việc, như trả lương tương đương với thành phố, đào tạo nghề, công nhân có trình độ, tay nghề được sắp xếp, bố trí vị trí, thu nhập tương xứng... Ngoài ra, còn có các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, chế biến nông sản và dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút người lao động trở về làm việc. Hiện ở quê không còn khan hiếm việc làm, cũng không chỉ là làm nông hay ít sự lựa chọn. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi không ai muốn xa quê, xa gia đình, nên khi các tỉnh có khu công nghiệp và có cơ hội thì người lao động có xu hướng chọn làm gần nhà, không phải tốn kém đi lại mỗi dịp Tết đến, giảm áp lực chi phí đi lại…
Việc “di cư ngược” đã đặt ra một vấn đề về nhân lực cho doanh nghiệp tại các thành phố lớn, các “thủ phủ” khu công nghiệp. Các doanh nghiệp cần có các giải pháp hiệu quả nhằm thu hút, giữ chân người lao động; cũng như các chính sách về lương, an sinh xã hội tốt hơn giúp người lao động ở lại phố vẫn có thể sống tốt hơn với sự lựa chọn của mình. Trong bối cảnh đó, ngày 8.11 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) cũng đã tổ chức một hội thảo với chủ đề vai trò của lao động di cư trong nước đối với sự phát triển TPHCM và giải pháp chính sách về vấn đề lao động, việc làm trong tình hình mới. Các vấn đề cốt lõi được bàn thảo là chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm, vấn đề bảo đảm an sinh cho người lao động…
Nguyễn Hà
Bình luận