Mc 4,35-41
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Phép lạ dẹp yên sóng gió là phép lạ đầu tiên của một chuỗi các phép lạ nào? Phép lạ đầu tiên này khác với những phép lạ sau ở điểm nào? Đọc Mc 4,35 - 5,43.
2. Đâu là những phép lạ khác Đức Giêsu làm trên thiên nhiên trong Tin Mừng Máccô? Đọc Mc 6,30-44; 8,1-10; 6,45-52; 11,12-14.20-21.
3. Trong Tin Mừng Mác-cô, có mấy cảnh Thầy Giêsu và môn đệ cùng ở trên thuyền? Đọc Mc 4,35-41; 6,45-52; 8,14-21. Trong những cảnh này, ta thấy các môn đệ có tâm trạng như thế nào?
4. Chiếc thuyền chở Đức Giêsu là chiếc thuyền nào? Đọc Mc 3,9; 4,1.
5. Đâu là nguyên nhân chính gây ra sự cố trong bài Tin Mừng này? Có bao nhiêu từ gió trong bài này?
6. Đọc Mc 4,38. Theo bạn, tại sao Đức Giêsu có thể ngủ được giữa cơn gió bão như thế?
7. Bạn nghĩ gì về lời các môn đệ đánh thức Thầy Giêsu ở Mc 4,38?
8. Trong Cựu Ước, ai là Đấng có quyền tối thượng trên thiên nhiên? Đọc Tv 89,10; 107,23-30.
9. Trước phép lạ, các môn đệ coi Đức Giêsu là Thầy của mình (câu 38). Sau phép lạ này, họ nghĩ Đức Giêsu là ai? Họ đã đi từ nỗi sợ nào đến nỗi sợ nào? Đọc Mc 4,41.
GỢI Ý SUY NIỆM
Bạn thấy Hội Thánh hôm nay đang gặp những sóng gió nào? Đôi khi bạn có thấy Chúa ngủ khi bạn cần Chúa không? Hãy nhớ lại một kinh nghiệm về sóng gió đã xảy ra trong đời bạn. Chúa đã dẹp yên sóng gió đó như thế nào?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Phép lạ Đức Giêsu dẹp yên sóng gió là phép lạ đầu tiên của một chuỗi bốn phép lạ: Đức Giêsu dẹp yên sóng gió (Mc 4,35-41), chữa người bị quỷ ám ở Ghêrasa (Mc 5,1-20), chữa người phụ nữ bị xuất huyết (Mc 5,25-34), và hoàn sinh cô con gái ông Giaia (Mc 5, 22-24.35-43). Phép lạ dẹp yên sóng gió được coi là phép lạ trên thiên nhiên, còn những phép lạ sau là phép lạ cho con người, dù là trừ quỷ hay chữa bệnh.
2. Trong Tin Mừng Máccô Đức Giêsu còn làm những phép lạ khác trên thiên nhiên nhiều lần khác. Ngài đã hóa bánh ra nhiều hai lần. Lần thứ nhất có thể ở một nơi nào đó thuộc bờ tây của sông Giođan (Mc 6,30-44), và lần thứ hai ở một nơi bên bờ đông của sông Giođan (Mc 8,1-10). Ngài còn có khả năng đi trên mặt biển hồ (Mc 6,45-52), và trên đường vào Giêrusalem lần cuối, Ngài đã chúc dữ khiến cho một cây vả chết khô (Mc 11,12-14.20-21).
3. Trong Tin Mừng Máccô, Thầy Giêsu và các môn đệ cùng ở trên thuyền, qua lại hồ Galilê nhiều lần, từ bờ tây qua bờ đông hay ngược lại. Chỉ xin kể vài lần tiêu biểu. Lần đầu, sau bài giảng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu và các môn đệ đi thuyền từ bờ tây sang bờ đông của sông Giođan (Mc 4,35-41), sau đó Ngài lại cùng các ông trở về bờ tây (Mc 5,21). Lần thứ hai, đi thuyền từ một nơi hoang vắng ở bờ tây để đến thành Bếtxaiđa nằm ở vùng đông bắc hồ Galilê (Mc 6,45), sau đó Ngài lại trở về Ghennêxarét ở bờ tây sông Giođan (Mc 6,53). Lần thứ ba, đi thuyền từ vùng Đanmanutha (Mc 8,10, hầu chắc ở phía tây sông Giođan) đến thành Bếtxaiđa (Mc 8,22). Trong các lần đi thuyền trên đây, ta đều thấy các môn đệ ở trong tình trạng không bình an: họ thiếu lòng tin khi gặp cơn cuồng phong đe dọa mạng sống (Mc 4,40), họ hoảng hốt tưởng là ma khi thấy Thầy đi trên mặt biển (Mc 6,49-52), họ lo lắng khi qua bờ bên kia mà cả nhóm chỉ mang theo có một ổ bánh (Mc 8,14-21).
4. Trong Mc 3,9 Đức Giêsu đã xin các môn đệ dành cho Ngài một chiếc thuyền nhỏ, để tránh bị đám đông chen lấn. Khi giảng về các dụ ngôn Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã ngồi giảng từ một chiếc thuyền đậu gần bờ, còn đám đông thì ở trên bờ (Mc 4,1). Có thể hai chiếc thuyền trên đây chỉ là một. Nếu thế Đức Giêsu đã ra lệnh chèo thuyền qua bờ bên kia, trong khi Ngài vẫn đang ở sẵn trên con thuyền này (Mc 4,36).
5. Có thể nói gió (anemos) là nguyên nhân gây ra sự cố được kể trong bài Tin Mừng này. Trận cuồng phong tạo ra những con sóng lớn trào vào thuyền, làm thuyền ngập nước đến mức có thể chìm. Có 4 từ gió trong bài này: Mc 4,37 (cuồng phong = bão lớn của gió); Mc 4,39 (gió bị Chúa ngăm đe và gió đã tắt) và Mc 4,41 (gió phải tuân lệnh Chúa).
6. Các môn đệ rất ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu vẫn ngủ say lúc thuyền gặp gió to sóng lớn. Có thể là vì Ngài quá mệt sau khi đã giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng. Ngoài ra, việc Đức Giêsu ngủ bình yên giữa sóng gió cũng có thể cho ta thấy hình ảnh về thái độ tín thác vào Thiên Chúa. “Khi ngả lưng con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi” (Châm ngôn 3,24). Giấc ngủ bình an của Đức Giêsu lẽ ra phải đem lại sự an tâm cho các môn đệ.
7. Hoảng sợ vì cuồng phong và cuống lên vì cái chết đe dọa, các môn đệ đã vội vã đánh thức Thầy (Mc 4,38). Việc đánh thức không dễ vì Thầy đang ngủ say. Lời đánh thức trong lúc nguy ngập trở thành một lời trách móc: “Thưa Thầy, chúng ta chết mất mà Thầy chẳng lo gì sao?” Thầy chẳng chịu lo gì khi thuyền đã đầy nước. Họ sợ cả thầy lẫn trò bị chết vì thuyền chìm. Qua lời này, ta thấy các môn đệ rơi vào sự hoảng loạn, dù Thầy đang ở trong cùng con thuyền với họ. Tuy nhiên, qua lời này, ta thấy họ vẫn có niềm tin vào Thầy. Họ tin Thầy có thể làm một điều gì đó giữa cơn nguy khốn. Đánh thức Thầy đang ngủ (Mc 4,38), và làm cho Thầy thức dậy (Mc 4,39): đó là nỗ lực đem lại hiệu quả của các môn đệ.
8. Trong Cựu Ước, chỉ Thiên Chúa mới có quyền tối thượng trên thiên nhiên. “Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn” (Tv 89,10). Chỉ Chúa mới có thể “đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng” (Tv 107,29). Đức Giêsu ở đây có quyền như Thiên Chúa, khi Ngài dùng quyền năng của chính mình ra lệnh cho sóng gió phải lặng yên, và chúng đã vâng phục (Mc 4,39). Bỗng chốc gió tắt và biển lặng như tờ.
9. Sau khi thấy Thầy Giêsu có thể ra lệnh cho sóng gió và biển phải lặng yên, các môn đệ đặt câu hỏi về vị Thầy của mình: “Người này là ai mà cả gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4, 41). Họ đã đi từ nỗi sợ chết vì cuồng phong gió bão, sang nỗi sợ hãi kinh hoàng vì chứng kiến quyền năng của Thầy trên sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng để biết Thầy mình là ai, các môn đệ còn một đoạn đường dài phải đi.
Bình luận