CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Bài đọc1: Kn 2,12.17-20; Bài đọc 2: Gc 3,16-4,3; Tin Mừng: Mc 9,30-37.
Thánh Máccô đã làm độc giả ngạc nhiên khi ghi lại cuộc tranh cãi của các môn đệ xoay quanh đề tài “ai sẽ là người lớn nhất” ngay sau khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn thập giá. Người ta đặt câu hỏi: làm sao các môn đệ lại vô tâm trước những điều Đức Giêsu vừa nói? Thì ra, kể cả lúc Chúa tiên báo cuộc khổ hình đau thương mà Người sắp chịu, các ông vẫn còn mơ về thời Thiên sai theo nhãn giới phàm tục. Vì vậy, nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị bắt bớ và bị giết, các ông “không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người”.
Nhân cuộc tranh luận của các môn đệ, Chúa Giêsu muốn dạy các ông bài học về khiêm nhường và phục vụ. “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Chính Chúa đã thực hiện nơi bản thân Người bài học này. Là Thiên Chúa uy quyền cao sang, Chúa Giêsu đã hạ mình mặc lấy thân phận con người để sống cùng và sống cho con người, nhằm mưu cầu hạnh phúc của họ. Qua hình ảnh một em bé, Chúa muốn khẳng định, những ai muốn theo Người cần phải sống đơn sơ, phó thác để có thể trở nên môn đệ đích thực của Người. Lý tưởng của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ thông thường của con người. Ở đời, ai cũng muốn nổi hơn người khác về mọi phương diện. Nếu thấy người bên cạnh hơn mình thì họ ghen tương, thậm chí tìm cách gài bẫy để loại trừ. Bài đọc I đã diễn tả điều này. Tác giả sách Khôn ngoan đã ghi lại “lý sự” đầy hằn học của những kẻ gian ác. Họ ghen tương khi thấy người tốt sống đạo hạnh. Những việc làm tốt của người đạo đức lại là một lý do để họ gây chiến. Các nhà chú giải Kitô giáo đã sớm nhận ra người công chính mà sách Khôn ngoan nói đến chính là Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, người Do Thái đã phân bì với Chúa và họ vu khống cho Người có âm mưu phản loạn, xách động dân chúng. Kết cục, Chúa Giêsu bị kết án thập giá và Người đã chết cho Chân lý.
Chúa Giêsu đã báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Người. Qua lời tiên báo này, Người cũng muốn thanh luyện quan niệm trần tục về Đấng Thiên sai. Vị Thiên Chúa sai đến không phải một chính trị gia hay một người thống trị bằng quyền hành hay bạo lực. Người là Thiên Chúa tình yêu, Người cứu độ con người bằng yêu thương và phục vụ. Người cũng mời gọi con người hãy tiếp nối Người để làm cho tình yêu thương thấm đượm trần gian. Thánh Giacôbê đã phê phán thói ganh tị và cãi vã giữa các thành viên của cộng đoàn tín hữu thời bấy giờ (Bài đọc II). Theo vị Tông đồ, nguyên nhân của những cãi vã và xung đột là sự đam mê ích kỷ của con người, nhất là do thiếu tinh thần siêu nhiên và đời sống nội tâm. Đây đó tại các cộng đoàn tín hữu, tiếc thay tình trạng mà thánh Giacôbê lên án vẫn tồn tại. Đó là sự chia rẽ, mâu thuẫn và những tranh giành về những điều chẳng liên quan gì đến Đức tin. Những xung đột này làm biến dạng hình ảnh Giáo Hội thánh thiện của Đức Kitô.
Đau khổ gắn liền với thân phận con người. Vừa lọt lòng mẹ, đứa trẻ đã chào đời bằng tiếng khóc. Đã sống trên đời, không ai tránh khỏi đau khổ. Hành trình cuộc đời cũng là hành trình thập giá. Dù muốn hay không, đau khổ vẫn luôn kề bên ta. Cây gỗ Chúa Giêsu vác lên đồi Can-vê năm xưa đã trở thành thánh giá, vì mang lấy thân thể của Đấng cứu độ, và vì là biểu tượng của tình thương Thiên Chúa. Những đau khổ của chúng ta có thể được biến thành ân phúc, nếu chúng ta đón nhận với tinh thần hy sinh mến Chúa yêu người. Nếu chúng ta biết san sẻ cho nhau gánh nặng cuộc đời, sức nặng của thập giá sẽ bớt đi, đau thương sẽ biến thành niềm vui, thập giá sẽ nở hoa, niềm vui Phục Sinh sẽ rạng rỡ nơi cuộc đời.
Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Bình luận