Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có thể ví như một doanh nhân trẻ thành đạt của thời đại. Doanh thu của anh càng ngày càng tăng. Anh dường như chưa bằng lòng và dừng lại ở khối tài sản kếch sù ấy. Anh muốn sở hữu thêm cái gì đó an toàn hơn cho cuộc đời đầy bất trắc và mong manh này. Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?
Tiếc thay, anh đã không thành công trong thương vụ này. Anh buồn rầu bỏ đi khi nghe Chúa Giêsu nói: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Dại gì mà đánh đổi tất cả để chiếm lấy một kho báu đang còn mung lung nào đó. Đâu dễ để hiểu được điều mà sách Khôn Ngoan đã viết: “Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng. Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn”.
Lời Chúa tới đây như muốn giới thiệu thêm một nhà lãnh đạo cũng rất trẻ và nổi tiếng là Salomon, để hiểu thế nào là khôn ngoan đích thực: Ngày kia Salomon khi còn rất trẻ, ông đã nối nghiệp cha là Đavid lãnh đạo đất nước Do Thái. Ông sợ mình tuổi trẻ bồng bột và ngựa non háu đá có thể dẫn đến nhiều sai lầm không đáng có. Ông đã cầu khẩn Chúa ban cho ông đức khôn ngoan để cai trị Dân Chúa. Điều ấy rất đẹp lòng Thiên Chúa nên Ngài đã phán với ông: “Vì con đã xin điều này mà không xin cho con được sống lâu hay giàu có, cũng không xin mạng sống của những kẻ thù con, nhưng xin sự khôn sáng để xét xử thích đáng, nên Ta làm theo điều con xin. Ta ban cho con tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến nỗi trước con không ai bằng và sau con cũng sẽ không ai sánh kịp” (I V 3,4-15).
Salomon đúng là một nhà lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm. Ông sống hết mình với dân, cho dân và vì dân. Vì thế Thiên Chúa ban cho ông gấp trăm gấp ngàn lần điều ông không dám cầu xin hay nghĩ tới. Sách Các Vua quyển thứ nhất có ghi lại: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi”.
Thế mới biết ai trong đời này cũng cần có sự khôn ngoan và đi tìm sự khôn ngoan, nhưng thế nào là sự khôn ngoan đích thực? Một ngày nọ, triết gia Diogenes của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”. Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogenes 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogenes nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Vị khoa cử thành Athènes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy...
Cùng đích đời người chính là sự sống đời đời. Thật đáng khen vì sau khi thành đạt, nhà doanh nghiệp trẻ cảm thấy cần phải đi tìm sự sống đời đời, tiếc là anh muốn bắt cá hai tay khiến Chúa Giêsu cũng phải thốt lên: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.
Người thanh niên trong Tin Mừng mà thánh Matthêu đề cập là tiêu biểu cho các bạn trẻ ngày nay. Họ có tất cả hoặc muốn có tất cả, cuộc sống sung túc đời này và hạnh phúc vĩnh hằng mai sau. Dứt khoát không thể buông bỏ những gì họ có trong tay, dẫu biết rằng như lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,24).
Lm Phaolô Dương Công Hồ - GP Ðà Lạt
Bình luận