Chúa nhật lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
Bài đọc 1: Xh 24,3-8; Bài đọc 2: Dt 9,11-15; Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26.
Hôm nay Giáo hội long trọng cử hành thánh lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể. Khi cử hành như thế, Giáo hội cảm nghiệm và xác tín rằng: Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm trong lịch sử của nhân loại, là “nguồn mạch” và “chóp đỉnh” của mọi sinh hoạt trong Phụng vụ của Giáo hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo hội. Thánh Thể làm nên Giáo hội. Không có Thánh Thể, thì không có Giáo hội. Giáo hội là Thân Mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh, là Thân Mình Đức Kitô (1 Cr 10,17).
Bí tích cao trọng nhất và vĩ đại nhất vẫn là Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích này được gọi là “Bí tích của các Bí tích”. Thật vậy, tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích, và đời sống đức tin của chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể như là cứu cánh của mình.
Bàn tiệc Thánh Thể không phải là “kỷ niệm” một biến cố mà “hiện tại hóa”, là sống biến cố đó trong đời sống chúng ta, là thông phần vào hy tế của Đức Giêsu Kitô để được tha tội và bước vào cuộc sống vĩnh cửu với Người. Đức Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể là một sự hiện diện thực sự và trọn vẹn cả nhân tính và thần tính dưới hình thức bánh và rượu. Người có Đức tin sẽ nhận ra phép lạ đang xảy ra lúc này và bây giờ, qua lời truyền phép để Chúa Thánh Thần thánh hiến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Chỉ có Đức tin trong hành động phi thường của Thiên Chúa mới trả lời cách thỏa đáng. Niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng muốn làm cho con người nhận thức được rằng Ngài thực sự hiện diện trong mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể chính là Chúa Kitô tự hiến mình trong Bí tích. Bề ngoài, giác quan thấy bánh và rượu, nhưng khi lãnh nhận thì chúng ta lãnh nhận chính Chúa Kitô, với tất cả thân xác, linh hồn và thần tính; đón nhận Chúa Kitô, Đấng đã yêu mến và đã chịu chết vì chúng ta.
Chúng ta lãnh nhận với tất cả lòng yêu mến và biết ơn, vì Thiên Chúa đã ban Chúa Kitô, vì Chúa Kitô đã tự hiến thân mình cho ta. Mầu nhiệm đức tin ở đây có đối tượng là tình yêu: Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu của Chúa Kitô. Mầu nhiệm Đức tin trở thành Mầu nhiệm của Lòng Mến. Tiếp xúc với Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta biết Chúa bằng đức tin và yêu Chúa bằng lòng mến.
Năm 1996 tại Tổng Giáo phận Buenos Aires, Argentina, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc đó là Giám mục phụ tá cho Đức Hồng y Quarracino, một phép lạ Thánh Thể tuyệt vời đã diễn ra. Chính ngài đã ra lệnh điều tra, và kết quả thật đáng kinh ngạc. Phép lạ Thánh Thể tại Buenos Aires là một dấu hiệu đặc biệt xác nhận của khoa học. Thông qua đó, Chúa Giêsu mong muốn khơi dậy một Đức tin sống động với sự hiện diện thực sự của Ngài trong Bí tích Thánh Thể. Ngài nhắc nhở rằng sự hiện diện của Ngài là có thật, và không mang tính biểu tượng. Chỉ với con mắt đức tin mới nhận ra Ngài dưới hình thức Bánh và Rượu. Con người không thể nhận ra Ngài với đôi mắt xác thịt, vì Ngài hiện diện thực sự trong nhân tính vinh hiển của Ngài.
Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu luôn dõi mắt và yêu thương và Ngài mong muốn cứu độ nhân loại. Mỗi khi rước lễ, người Kitô hữu được hòa tan trong Chúa. Chúa ở trong con và con ở trong Chúa. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. (Ph 2,20)
Một hôm cha xứ hỏi cậu bé: “Này con, Chúa nhật tới con sẽ được rước lễ lần đầu. Được rước lễ lần đầu rồi, sẽ có gì đổi khác nơi con không?”. Cậu bé đăm đăm nhìn cha rồi trả lời: “Thưa cha, Chúa GIÊSU và con, chúng con sẽ trở thành MỘT”.
Câu trả lời của cậu bé làm cha xứ cảm động và vui mừng. Không ngờ cậu bé đơn sơ chất phác đã hiểu đúng ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể và tầm quan trọng của việc rước lễ lần đầu. Chúng tôi, những linh mục, những thừa tác thánh cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Chúng tôi dâng Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu cho Thiên Chúa Cha để cầu xin ơn cứu độ cho toàn thế giới. Chính chúng tôi là những người đầu tiên phải sống linh đạo mà cậu bé đã tìm ra, thật giản dị, nhưng vô cùng sâu xa: Chúa Giêsu và con, chúng con là một.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Mane Nobiscum Domine - Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” đã nhấn mạnh: “Mỗi lần dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng”.
Linh mục Phaolô Dương Công Hồ - GP Ðà Lạt
Bình luận