Thời sinh viên có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong ký ức của nhiều người, với biết bao nhiệt huyết và những kỷ niệm khó phai. Trong tâm trí tôi, quãng thời gian thực tập cuối khóa tại tòa soạn báo Công giáo và Dân tộc đã để lại dấu ấn sâu sắc.
Vốn là cô sinh viên ngành cử nhân văn học nhưng tôi lại xin đi thực tập báo chí, nên mới nghe ai cũng thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi.

Mọi sự đến với tôi như một mối duyên. Ngày đầu tiên đặt chân đến tòa soạn, xuất hiện trước mắt tôi không phải là một tòa nhà hào nhoáng, sang trọng mà là một không gian gần gũi, giản dị ghi dấu những thăng trầm tòa soạn đã trải qua. Hỏi ra mới biết giai đoạn này tòa soạn đang làm việc ở cơ sở tạm, chuẩn bị cho công trình mới sắp sửa hoàn tất. Lần đầu đến thực tập một nơi chuyên nghiệp, một tòa soạn báo với nhịp độ nhanh chóng, sôi động, tôi vừa bỡ ngỡ, tò mò lại thêm chút lo sợ. Tuy nhiên, sự chào đón thân tình của các anh chị phóng viên và cô chú trong Ban Biên tập đã xua tan bầu không khí căng thẳng ấy. Khác hẳn với sự nghiêm nghị thường thấy ở các cơ quan, môi trường làm việc tại đây có thể xem như một gia đình nhỏ, trong tinh thần góp phần xây dựng xã hội, Giáo hội. Tuy có chút lo lắng ban đầu, nhưng tôi nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với nhịp làm việc sôi động của tòa soạn.
Tôi nghĩ mình may mắn khi được các anh chị hướng dẫn tận tình từ những bước đi đầu tiên trong nghề viết báo. Đối với tôi, nơi đây như một gia đình có cha, mẹ, anh, chị, em…, mỗi người mang một màu sắc để cho tôi có cái nhìn mới về cuộc sống. Tôi học hỏi được vô số kiến thức và kỹ năng bổ ích về nghề báo, từ cách tìm kiếm đề tài, phỏng vấn nhân vật, viết bài…, cho đến khâu biên tập. Thậm chí, những kỹ năng mềm cần thiết như biết lắng nghe, sự nhẫn nại, cách đặt vấn đề, sự cảm thông, thấu hiểu, tinh thần chung… tôi cũng được những người đi trước trong tòa soạn chia sẻ. Mỗi ngày trôi qua là một hành trình khám phá mới mẻ, giúp tôi trưởng thành. Qua tòa soạn, tôi cũng được nhìn thấy thực tế cuộc sống, không khí môi trường làm việc hiện đại, dẫu có áp lực thời gian cùng nhiều thứ khác… Những điều này làm hành trang sống động nhất, bổ sung cho các thiếu sót trong 4 năm học lý thuyết ở trường.
Tôi còn nhớ những buổi họp ngày thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, nơi không chỉ hội tụ các cuộc tranh luận sôi nổi về các đề tài nổi bật của Giáo hội và xã hội, hay những chuyến đi thực tế đầy gian nan nhưng cũng thú vị để tìm kiếm chất liệu cho bài viết, mà còn là nơi thể hiện sự quan tâm với nhau. Mỗi bài báo được đăng tải là kết quả của sự nỗ lực, tâm huyết của cả cá nhân lẫn tập thể, là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm của người làm báo. Đặc biệt, Ban Biên tập và các anh chị nhà báo đều là người Công giáo. Tôi cũng nhận ra tinh thần yêu thương, vị tha và dấn thân quên mình. Nhiều khi nhận những thư điện tử sửa bài hay góp ý lúc 2-3 giờ khuya của các anh chị phụ trách trang, tôi thật cảm kích.
Tôi cũng không quên cảm giác nhận được tờ báo với bài viết đầu tiên được đăng sau khi chị hướng dẫn biên tập. Cả ngày hôm đó cứ cầm tờ báo và lật chỉ mỗi trang bài của mình để xem, rồi hình dung giờ này có bao nhiêu chục ngàn người đang đọc những con chữ của mình (?). Thiệt vui!
Kỳ thực tập của tôi rơi vào dịp lễ Giáng Sinh. Vẫn nhớ mãi nhóm sinh viên năm đó gồm tôi cùng một chị nữ tu và người em chung khóa mừng Giáng Sinh cùng tòa soạn với những tâm tình bé nhỏ gói trong tấm thiệp đơn sơ. Mọi người, dường như ai cũng bất ngờ và cảm động về sự dễ thương này. Hoàn thành khóa, tôi mang theo trong mình những hành trang quý giá: kiến thức, kỹ năng, và quan trọng hơn cả là những bài học về lòng nhân ái, sự trách nhiệm và tinh thần làm việc mang tính xây dựng.
Tòa soạn báo Công giáo và Dân tộc sẽ luôn là một phần ký ức đẹp trong tôi.
NGUYỄN THU YẾN
Bình luận