Một giấc mơ xanh

Nếu đã từng đến Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (giáo phận Phan Thiết) từ mấy mươi năm trước, nay trở lại sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt về tiện nghi, sự quy hoạch, các công trình xây dựng, và nhất là những mảng xanh gần như được phủ đều khắp. Tượng Mẹ Tàpao vẫn nơi chốn cũ, vẫn một màu áo trắng như thuở ban đầu, nhưng qua hơn 60 năm, giờ đây con cái khắp mọi miền về bên Mẹ đã có những nơi dừng chân, nghỉ ngơi tốt hơn.

tapao5.jpg (505 KB)
Những nhà vòm uốn bằng cây xanh  rất khéo léo là các “lều” giải tội trong trung tâm

*BIẾN ĐỒI KHÔ THÀNH RỪNG…

Mới đây, khi nói về Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục giáo phận Phan Thiết - đã nhắc đến định hướng xây dựng nơi này theo các tiêu chí “xanh”, để mọi người về bên Mẹ có thể tìm thấy sự bình an qua môi trường thiên nhiên được trân quý, bảo vệ và ươm mầm. “Chúng tôi mong muốn biến Tàpao thành một không gian xanh như định hướng Laudato Si’ của Đức Thánh Cha. Về đây, hòa quyện trong thiên nhiên, hy vọng mọi người sẽ cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng…, từ đó tâm hồn dễ hướng về siêu nhiên…”, Đức cha Hùng nhấn mạnh.

Như một hành trình quen thuộc, đến với Mẹ Tàpao luôn bắt đầu bằng chặng đường từ chân núi lên đài tượng phía trên, với việc chinh phục từng bậc cấp một, và càng dốc đứng hơn khi lên cao. Đoạn đường này có các đoạn dừng hơi uốn lượn, sau vài lần tu sửa, chỉnh trang, với rất nhiều hạng mục được phủ xanh, ngày nay bà con đi hành hương sẽ vượt qua 395 bậc thang trong lối đi rộng rãi hơn, không gian xanh mát hơn, nhiều trạm dừng thú vị hơn.

Bây giờ, đứng từ chân núi nhìn lên, hay từ linh đài Đức Mẹ nhìn xuống, hoặc phóng tầm mắt ngang dọc, đều chạm thấy một màu xanh cây lá, khiến tâm trạng khách đường xa dịu nhẹ hẳn. Trung tâm có bốn quảng trường, được thiết kế chủ đạo với nền cỏ, chia ô vuông vắn, với các điểm nhấn khác nhau, dựa vào địa hình núi Tàpao. Không có bê tông, không có ghế cố định, mà tùy vào quy mô của từng sinh hoạt hay sự kiện…, ghế nhựa sẽ được cơ động xếp vào sau. Vì vậy, những lúc không có thánh lễ hay hoạt động nào, toàn bộ khu vực luôn thoáng đãng, rộng rãi và xanh mướt. Những “lều” giải tội - thực chất là những nhà vòm uốn bằng cây xanh - hiện diện ở rải rác, vừa tô điểm thêm cảnh quan, vừa tạo ra một tòa cáo giải chan hòa, gần gũi, thân thiện và… lôi cuốn người tìm đến nhận bí tích giao hòa. Hình ảnh bà con giáo dân xếp hàng chờ tới lượt mình để khẽ thì thầm lời sám hối giữa bầu trời xanh lơ, nền cỏ mượt mà, bên trong những “mái nhà” kết từ hoa lá…, quả là hiếm thấy…

Hôm ghé lại Tàpao, chúng tôi may mắn được linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Xuân - phụ trách công việc xây dựng ở trung tâm, cũng là người thai nghén các ý tưởng theo yêu cầu của bề trên giáo phận và trực tiếp tổ chức thực hiện - đưa đi một vòng thăm thú, ngắm nhìn và giới thiệu về những công trình xanh tại đây.

tapao 1.jpg (7.62 MB)
Trung tâm thiết kế xen kẽ cây xanh dọc các bậc thang

Chỉ tay về phía những bồn cây xen kẽ khu vực bậc thang, cha nói nó còn có thêm công năng như một dãy ghế ngồi dựa theo thế dốc của núi để khách ghé lại nghỉ tạm lúc đi lên linh đài. Tôi đã thắc mắc vì sao trung tâm lại khởi đầu những các công trình bằng việc tính toán các mảng xanh với các loại cây chọn lọc, có ý đồ…, cha Xuân kể từ xa xưa, Tàpao đã là ngọn núi xanh, cây tre mọc tự nhiên khá nhiều, song khoảng 5 năm trước, một diện tích lớn tre ngả vàng rồi chết khô không rõ nguyên nhân. Trung tâm có trồng lại nhưng ít và chỉ mang tính manh mún, tự phát, chủ yếu “bù xanh” cho những nơi cây chết. Một số loại cây được chọn trồng lại với số lượng khiêm tốn. Đến thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng lập Ban môi trường thì các nơi bắt đầu có những chương trình trồng cây xanh, hoặc đề ra những giải pháp về môi trường. Trung tâm Tàpao là nơi áp dụng sớm nhất bằng việc trồng bổ sung hơn 5000 cây, phần lớn là cây gỗ lâu năm, có rễ sâu để chống sạt lở, như giáng hương, sao, me tây… “Diện tích Tàpao đã rộng hơn nhưng chủ yếu là tăng đất trồng cây, vì một cây xanh là một nhà máy sản xuất khí oxy. Tàpao địa hình đồi núi tiếp giáp đồi núi, chúng tôi hy vọng với những mảnh xanh đang làm, không lâu nữa, sẽ biến cả vùng thành khu rừng, và thấp thoáng trong đó là linh đài Đức Mẹ”, cha Xuân nêu mơ ước và đích hướng tới. 

*NƠI CHỐN THÂN THIỆN

Về bên Mẹ là như về nhà, tất nhiên là quá thân quen rồi! Nhưng về Tàpao hôm nay còn mang cảm giác xung quanh rất thân thiện, khi rảo bước giữa những làn gió mát; trong sự sạch sẽ, quy củ; giữa những hàng cây rì rào, những khoảng xanh kéo dài từ chân đồi lên quá tầm mắt.

Nối tiếp sau việc trồng cây là thiết kế các vuông cỏ trên quảng trường; làm những ngôi nhà bằng cây kiểng như kể ở trên; rồi tạo lập các bồn cây, những lối đi ngập ngừng hoa khoe sắc màu. Tàpao chẳng mấy chốc đã trở nên như một vườn thực vật, một nơi ươm mầm xanh để chắp cánh những khát vọng, xóa tan những muộn phiền của khách thập phương khi tìm về đây. Cũng cần phải mở ngoặc nói thêm, vẫn nằm trong chủ trương thân thiện môi trường, việc chăm sóc cây tại Tàpao được dùng phân và thuốc sinh học, hữu cơ…, an toàn cho sức khỏe, không gây hại cho nguồn đất, nguồn nước…

Ở một khía cạnh khác, không chỉ với cây xanh, việc bảo vệ môi sinh của Tàpao còn gắn với những công trình lớn nhỏ hỗ trợ, để - theo như cắt nghĩa của cha Xuân - có tạo điều kiện và trang bị sẵn thì người dân mới dễ dàng hưởng ứng, tự giác và dễ dàng tham gia gìn giữ môi trường. Ví dụ như đến Tàpao hôm nay, có thể nhìn thấy những thùng phân loại rác được đặt gần như khắp nơi; rồi những thông báo xoay quanh chủ đề môi trường, hướng dẫn phân loại và hạn chế rác thải… cứ thi thoảng lại được nhắc nhẹ trên hệ thống âm thanh. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu vệ sinh cho lượng khách hàng ngàn người về đây hành hương hằng ngày, hàng chục ngàn người tham dự vào những ngày 13 mỗi tháng…, trung tâm đã xây dựng tổng cộng 230 nhà vệ sinh công cộng và thêm hơn 200 nhà vệ sinh ở các khu vực văn phòng, phòng nghỉ. Chưa hết, với hơn 400 nhà vệ sinh này, chắc chắc có một lượng nước thải không nhỏ khi sử dụng, do đó mà Tàpao đã tính toán trước, làm một hệ thống xử lý nước thải lớn và hiện đại bằng công nghệ vi sinh, đảm bảo nước sau khi đi qua dây chuyền này đạt quy chuẩn để đưa ra môi trường tự nhiên.

tapao7.jpg (6.36 MB)
Thùng rác phân loại được đặt ở nhiều vị trí khắp trung tâm

Năng lượng điện mặt trời cũng là một vấn đề được chủ chăn giáo phận Phan Thiết khuyến khích sử dụng tại các giáo xứ thời gian qua; và cũng không ngoại lệ, Tàpao đã đầu tư thiết bị sử dụng nguồn năng lượng thân thiện môi trường này mấy năm rồi. Toàn bộ điện trung tâm sử dụng vào ban ngày hiện đều do các tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp. Cha Xuân tiết lộ: “Nguồn năng lượng này giúp trung tâm giảm được nhiều chi phí chi cho điện, và quan trọng là góp phần vào câu chuyện môi trường xanh, năng lượng xanh. Tuy nhiên, bây giờ chỉ có thể dùng ban ngày, ban đêm trung tâm vẫn dùng điện lưới vì không có ắc-quy tích điện ban ngày dùng cho ban đêm, bởi thiết bị này khá đắt và theo tính toán thì không kinh tế. Hy vọng trong tương lai, Tàpao sẽ có các giải pháp khác tốt hơn để có năng lượng thân thiện xài buổi tối”.

*

Quả thật, trong chuyến ghé thăm lần này, Tàpao đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi miên man nghĩ về những điểm hành hương trải trên nhiều miền ở Việt Nam, gần như không phải nơi đâu cũng được giữ gìn và cả “tô thêm” màu xanh cho vùng đất thiêng như ở Tàpao. Đã có những điểm vốn có cây xanh đẹp nhưng nay ngày càng xơ xác; cũng có không ít nơi vô tư phá cây để bê tông hóa; chỗ khác lại chú tâm xây dựng lớn nhưng không đồng bộ với việc phủ xanh… Vì vậy, “Tàpao xanh” thể hiện tầm nhìn; cùng với việc quy hoạch xây dựng, tôn tạo, chăm sóc… dựa trên sự tôn trọng thiên nhiên của cộng đồng dân Chúa trong giáo phận Phan Thiết. Tàpao - theo ngôn ngữ K’Ho vùng Lâm Đồng và Bình Thuận - có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp” (“Tà”: đẹp cái đẹp linh thiêng; “Pao”: giấc mơ). Mơ về một miền linh thánh xanh mát, thấp thoáng bóng dáng Đức Mẹ sau ngàn cây - Tàpao xanh - thật sự là một giấc mơ quá đỗi đẹp và cuốn hút.

SONG MINH

 

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Trung tâm hành hương Ba Giồng kỷ niệm 20 năm thành lập
Trung tâm hành hương Ba Giồng kỷ niệm 20 năm thành lập
Ngày 8.11.2024, giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức lễ tạ ơn, kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm hành hương Ba Giồng.
Đóng góp cho Quỹ Bác Ái Xã hội – Caritas của Tổng Giáo phận TPHCM
Đóng góp cho Quỹ Bác Ái Xã hội – Caritas của Tổng Giáo phận TPHCM
Nếu lời cầu nguyện không được chuyển thành hành động cụ thể, thì điều đó là vô ích; thật vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,26)
Caritas Hà Tĩnh giúp bà con vượt qua khó khăn sau bão số 6
Caritas Hà Tĩnh giúp bà con vượt qua khó khăn sau bão số 6
Caritas Hà Tĩnh đã đến thăm, trao quà cho người dân  không phân biệt lương giáo ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Trung tâm hành hương Ba Giồng kỷ niệm 20 năm thành lập
Trung tâm hành hương Ba Giồng kỷ niệm 20 năm thành lập
Ngày 8.11.2024, giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức lễ tạ ơn, kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm hành hương Ba Giồng.
Đóng góp cho Quỹ Bác Ái Xã hội – Caritas của Tổng Giáo phận TPHCM
Đóng góp cho Quỹ Bác Ái Xã hội – Caritas của Tổng Giáo phận TPHCM
Nếu lời cầu nguyện không được chuyển thành hành động cụ thể, thì điều đó là vô ích; thật vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,26)
Caritas Hà Tĩnh giúp bà con vượt qua khó khăn sau bão số 6
Caritas Hà Tĩnh giúp bà con vượt qua khó khăn sau bão số 6
Caritas Hà Tĩnh đã đến thăm, trao quà cho người dân  không phân biệt lương giáo ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
Trao áo giáo sĩ cho 35 chủng sinh
Trao áo giáo sĩ cho 35 chủng sinh
Sáng 1.11.2024 tại nhà nguyện Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội, 35 chủng sinh của lớp tu đức khóa 30 đã được trao áo giáo sĩ
Sống niềm tin cách cụ thể
Sống niềm tin cách cụ thể
Biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt một lần nữa biểu hiện rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế. Mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn không lâu, bà con miền tây bước vào những ngày sống chung với hạn mặn.
Tổng Giáo phận TPHCM cầu nguyện cho các mục tử đã qua đời
Tổng Giáo phận TPHCM cầu nguyện cho các mục tử đã qua đời
Sáng 6.11.2024 tại nhà thờ Chí Hòa, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục TGP TPHCM đã chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho các giám mục, linh mục trong TGP đã qua đời.
Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng
Ngày 30.10.2024 tại giáo phận Long Xuyên đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: “Đối thoại trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
Sống đạo Hiếu
Sống đạo Hiếu
Hơn 200 cụ thuộc tôn giáo bạn và 19 anh chị em tân tòng tham dự chương trình “Người Công giáo sống đạo hiếu”.
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế giúp dân vượt khó khăn sau bão Trà Mi
Caritas TGP Huế đã tổ chức thăm viếng và trao nhu yếu phẩm cho các hộ dân chịu thiệt hại sau bão số 6 (bão Trà Mi).